Lợi dụng tình hình này, "xe dù", "bến cóc" được dịp tung hoành, không chỉ gây mất an ninh trật tự (ANTT), an toàn giao thông mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh vận tải và người tham gia giao thông.
Cây xăng thành "bến cóc"
Trên QL1A, đoạn từ ngã tư Ga đến TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai dài chưa đầy 20km nhưng có hàng chục cây xăng biến tướng thành "bến cóc" phục vụ các "xe dù" tuyến Bắc - Nam. Đoạn này có rất nhiều "xe dù" cũng như xe chính hãng chạy từ Bến xe Miền Đông (BXMĐ), ngã tư Ga, Lam Hồng... rà theo mở cửa đón khách. Bên cạnh đó còn nhiều loại ôtô khách, xe tải dừng đỗ gây mất trật tự, ảnh hưởng đến người đi đường.
Cách ngã tư Bình Phước chưa đầy 300m là Trạm xăng Thanh Bình cũng biến thành bãi đáp cho "xe dù". Những ngày này, liên tục có từ 5 - 10 xe khách (XK) nhiều tỉnh, thành thường xuyên túc trực bên trong cây xăng chờ đón khách bất kể ngày đêm.
Những chiếc xe đậu san sát với đủ lý do: rửa xe, đổ xăng, sửa xe, thay nhớt... nhưng thực chất là đang gom khách; cạnh đó là những quán nước có hàng chục hành khách (HK) đi các tuyến miền Bắc, miền Trung mang theo hành lý đứng ngồi nhốn nháo đợi xe xuất bến.
Có mặt tại khu vực này, chúng tôi thấy chỉ trong vòng 40 phút đã có hơn 20 xe ghé vào rước khách. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, lập tức có đội quân cảnh giới báo động, phụ xe nhanh chóng đóng cửa, lên xe bỏ đi. Chiếc nào chạy không kịp thì chạy thẳng vào trạm xăng đổ... dầu!
Tương tự, tại cây xăng Sóng Thần, TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương lúc nào cũng có 10 - 15 XK từ nhiều tỉnh miền Trung, miền Bắc vào đây chờ đón trả khách. Trong khi đó, nhiều nhà xe ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Nội, Quảng Bình... cũng tấp nập chất hàng vào thùng xe và trên nóc. Bên trong cây xăng, hàng chục xe giường nằm khác cũng đang chờ đến lượt xếp hàng, xuất bến.
Cây xăng Sóng Thần trở thành bến xe tự phát
Theo người dân địa phương, "bến cóc" này tồn tại trong các cây xăng đã nhiều năm; vào dịp giáp Tết, hoạt động càng rầm rộ. Theo luật bất thành văn, các xe vào đây ngoài việc phải đổ xăng, rửa xe thì chủ xe phải trả khoản tiền "bến bãi" từ 1,5 - 2 triệu đồng/lượt đón, trả khách. Ngay cả những chiếc dừng đón khách phía ngoài cũng bị thu tiền. Nhưng khi chúng tôi thắc mắc, người quản lý cây xăng này cho biết, đó chỉ là lấy tiền vệ sinh mà thôi (!).
Dịp này, dọc QL1A (đoạn từ TPHCM đến KCN Amata, tỉnh Đồng Nai) có đến gần 10 "bến cóc" tương tự. Nơi tập trung nhiều HK được kể đến gồm: KCN Amata, ngã ba Vũng Tàu, Suối Tiên, cầu vượt Sóng Thần, hầm chui Linh Trung, Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM, Bến xe (BX) Lam Hồng, cầu vượt Gò Dưa... thường xuyên nhộn nhịp "xe dù" đón khách. Chúng tôi bám theo chiếc XK biển số Hải Phòng 15M-67... để theo dõi, quả nhiên khi xe vừa vượt qua cầu Bình Phước thì tài xế dừng đột ngột giữa đường (trước cây xăng Thanh Bình) để đón khách.
Tài xế ngang nhiên dừng lại bắt khách giữa đường
Gặp tình huống này, nhiều xe máy và ôtô chạy phía sau cũng phải thắng gấp. Mặc cho những tiếng la ó, tài xế XK vẫn dừng lại, để phụ xe lao xuống, chạy về phía 5 vị khách đang chờ. Chưa đầy 1 phút ngã giá giữa lơ xe và HK (1,2 triệu/người cho chuyến xe về Vinh) thì nhóm 5 người đã bị phụ xe kéo ba lô, túi xách đẩy lên xe, miệng liên tục hối thúc: "Lẹ lên mấy bố, không thì công an đến mệt lắm, tiền xe của mấy người không đủ đóng phạt đâu!".
Xe dừng đón khách chắn hết lối đi
Công khai bán vé "xe dù"
Hiện nay, các KCN trên địa bàn TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương được nhiều hãng XK mở điểm bán vé công khai. Tại KCN Sóng Thần có Hãng xe Minh Phúc với tấm bảng in dòng chữ Bán vé xe Tết. Đi sâu vào trong, Hãng xe Trương Duy cũng căng băng-rôn quảng cáo chương trình bán vé xe Tết mua trước sẽ được giảm giá.
Khi chúng tôi tìm hiểu về chất lượng xe, các nhân viên ở đây vồn vã: "Anh yên tâm, tụi em là xe VIP nên rất lịch sự, chạy đến cuối tuyến mới dừng, không có chuyện bắt khách dọc đường. Xe xuất phát đúng giờ nên anh phải đến trước 30 phút". Tương tự, nhiều KCN ở Biên Hòa cũng được một số hãng xe đi miền Trung, miền Bắc quảng cáo chương trình bán vé xe Tết khá rầm rộ.
Tại các "bến cóc", các hãng xe đều dán mác "chất lượng cao", "xe hợp đồng" nhằm đánh lừa HK có nhu cầu đi các tuyến từ Nam Định, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Bình. Thậm chí một số nhà xe còn thuê đất làm chỗ đậu xe, biến tướng thành các "bến cóc" vừa bán vé vừa đón trả khách. Trong khi đó, tình trạng "xe dù" chạy vòng quanh đón khách trái phép ở cầu vượt ngã tư Ga đến Khu chế xuất Linh Trung cũng nở rộ. Trên tuyến này, "xe dù" thường dừng, đỗ trái phép ven đường.
Hành nghề xe ôm tại khu vực cầu vượt Sóng Thần đã hơn 10 năm, anh Trần Văn Mạnh cho biết, mỗi chuyến xe xuất bến đi các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh... thì bên ngoài cũng có từ 2 - 3 "xe dù" chạy cùng giờ và cứ lòng vòng với tốc độ "rùa" để bắt khách. Như vậy, mỗi giờ trên đoạn này có hàng chục "xe dù" hoạt động. Hễ thấy có người mang hành lý, đứng ngồi trên vỉa hè là các tài xế đột ngột tấp vào, bất chấp phương tiện đang lưu thông trên đường để chèo kéo khách. Túc trực bên cạnh BX lưu động này là lực lượng xe ôm, taxi làm "vệ tinh" móc nối.
Nhiều nhà xe giăng biển bắt khách
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo BX Miền Đông cho biết, những năm qua tình trạng "xe dù, bến cóc" hoạt động ngày càng phức tạp, tinh vi, khiến lượng xe ra vào bến sụt giảm nghiêm trọng. Hai năm gần đây số xe hoạt động tại bến giảm 30% - 40%, có tuyến sụt tới 50% vì nhiều doanh nghiệp (DN) rời bến ra ngoài chạy "xe dù". Hiện BXMĐ chỉ còn hơn 100 DN đăng ký kinh doanh vận tải HK. Trong đó, các DN đăng ký chỉ còn 2.098 xe vận tải HK theo tuyến cố định. Từ số lượng xe này, nhiều DN kinh doanh vận tải đã tổ chức các điểm đón, trả khách không đúng quy định.
Đáng lo hơn, "xe dù, bến cóc" hoạt động ngay bên cạnh các BX của thành phố. Đặc biệt, những điểm đón, trả khách này đã trở thành "điểm đen" về ANTT, gây mất an toàn giao thông, làm thất thu ngân sách nhà nước mỗi năm hàng chục tỷ đồng. Không dừng lại đó, "xe dù, bến cóc" còn tạo ra môi trường kinh doanh bất bình đẳng, gây thiệt hại lớn cho người dân cũng như các DN làm ăn chân chính...