(CATP) Theo Sở GTVT TPHCM, hiện nay trên địa bàn thành phố đã và đang tập trung triển khai khoảng 216 dự án hạ tầng giao thông, với tổng vốn đầu tư khoảng 78.158 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách TP và nguồn vốn ngoài ngân sách (theo hình thức đối tác công tư).
Trong đó có 208 dự án được đầu tư từ ngân sách thành phố với tổng vốn đầu tư khoảng 52.245 tỷ đồng. Trong năm 2019 đã hoàn thành 17 dự án, với tổng vốn đầu tư khoảng 2.092 tỷ đồng; các dự án còn lại đang triển khai thi công phấn đấu hoàn thành trong năm 2020 và giai đoạn 2021 – 2025.
Các dự án được đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách (theo hình thức đối tác công tư) là 8 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 25.914 tỷ đồng, chưa kể đến các dự án xây dựng công trình giao thông nội khu do các nhà đầu tư các khu chức năng tự đầu tư hay một loại các công trình giao thông nông thôn của chương trình xây dựng nông thôn mới.
Mục tiêu đặt ra trong năm 2020 đối với các dự án giao thông là TP hoàn thành một số dự án trọng điểm: Cầu Thủ Thiêm 2, một số hạng mục Nút giao Bến xe Miền Đông để đồng bộ với việc di dời BXMĐ, Cải tạo mặt đường Tỉnh lộ 10B để cải thiện hướng giao thông về Long An; hoàn thành hầm chui An Sương ở cửa ngõ QL1, QL22 phía Bắc thành phố… Khởi công các dự án như: dự án nút giao Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ, một số dự án khu vực sân bay TSN như đường Hoàng Hoa Thám, mở rộng đường Trường Trinh đoạn từ CMT8 đến Phạm Văn Bạch, đặc biệt là đẩy nhanh các thủ tục để sớm phê duyệt, triển khai công tác GPMB của dự án Phan Thúc Duyện nối dài (song hành đường Cộng Hòa) để phục vụ cho Xây dựng nhà ga T3 và khu vực sân bay TSN.
Ngoài ra còn có các dự án phục vụ cho khu vực cảng Cát Lái như đường Nguyễn Duy Trinh từ nút giao 990 đến Vành đai 2, tiếp tục giai đoạn 2 của nút giao Mỹ Thủy, mở rộng đường Đồng Văn Cống, có thể dùng nguồn lực của thành phố để sớm xây dựng nút giao An Phú ngay đầu Cao tốc TPHCM - Long Thành… Đẩy nhanh các thủ tục cho các dự án khép kín Vành đai 2.
Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã đạt khoảng 68% khối lượng và dự kiến sẽ hoạt động vào cuối năm 2021 (ảnh CTV)
Theo Sở GTVT, hiện nay tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã đạt khoảng 68% khối lượng. Chủ đầu tư đã có những kế hoạch thiết thực hơn để cập nhật tiến độ chi tiết, đẩy nhanh tiến độ thi công với mục tiêu hoàn thành công trình đưa vào khai thác là Quý IV năm 2021.
Dự kiến trong năm 2020 lũy kế tiến độ thực hiện dự án đạt khoảng 90%, các công trình hạnh mục chính sẽ được hoàn thành, đồng thời sẽ triển khai các bước thủ tục, khép nối các công đoạn để chuẩn bị thử nghiệm vận hành.
Đối với Tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành – Tham Lương), hiện nay chủ đầu tư đã chủ động làm việc với các Nhà tài trợ để thu xếp vốn theo dự án điều chỉnh; phối hợp với các Sở ngành và quận huyện liên quan triển khai công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư và di dời hạ tầng kỹ thuật. Thời gian dự kiến hoàn thành dự án này là năm 2026.
TP cũng đang tiếp tục đề xuất đầu tư ODA ưu tiên tập trung cho Tuyến số 5-giai đoạn 1; dự kiến 2020 sẽ trình hội đồng thẩm định nhà nước và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trước khi trình Quốc Hội. Các tuyến khác sẽ tiếp tục kêu gọi đầu tư và nghiên cứu, đề xuất giải pháp đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), chủ động trao đổi, làm việc với các Nhà tài trợ để xúc tiến các dự án đường sắt đô thị đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư như tuyến như tuyến Metro 2 giai đoạn 2, Metro 3a, Metro5...
Theo Sở GTVT, trong giai đoạn 2021 – 2025, TP quyết tâm đầu tư hoàn chỉnh tuyến Vành đai 2 nhưng để phát huy mạng lưới giao thông TP theo quy hoạch TP đã kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT và các Bộ ngành liên quan hỗ trợ TP trong việc đầu tư xây dựng các tuyến Vành đai 3 và 4 vì hiện tại TPHCM mới chỉ có đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương và đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Tuy nhiên, tuyến Long Thành- Dầu Dây hiện cũng đang quá tải nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của TP với vai trò là trung tâm kinh tế phía Nam.
Do đó, TPHCM kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT và các Bộ ngành liên quan sớm xem xét nghiên cứu, đầu tư các đường cao tốc khác theo quy hoạch như đường bộ cao tốc TP.HCM – Mộc Bài (đã được giao về cho TPHCM và tỉnh Tây Ninh), đường bộ cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, nghiên cứu xây dựng giai đoạn 2 của 2 tuyến cao tốc hiện có (TP.HCM – Trung Lương và đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây)…Song song đó, TP cũng kiến nghị xem xét điều chỉnh quy hoạch đường sắt TP.HCM – Cần Thơ và tuyến đường sắt nhẹ TPHCM - Long Thành để đồng bộ với triển khai sân Bay Long Thành.