(CAO) Việc nhiều hãng hàng không phải trả tàu bay do những khó khăn tài chính hậu đại dịch Covid-19 để “tái cấu trúc” cũng như một số tàu bay phải ngừng cất cánh để kiểm tra, bảo trì khiến thị trường hàng không Việt Nam lo thiếu tàu bay khi mùa cao điểm hè đến gần.
Ngày 18/3, thông tin hãng hàng không Pacific Airlines trả hết toàn bộ tàu bay để tái cơ cấu, cùng với đó, trên tất cả các trang bán vé máy bay trực tuyến cũng như trên trang web chính thức của Vietnam Airlines, các chuyến bay của Pacific Airlines từ ngày 18/3 trở đi cũng hoàn toàn biến mất khiến nhiều khách hàng xôn xao.
Tối cùng ngày, đại diện Pacific Airlines cho biết đang tiến hành tái cấu trúc đội bay và mạng đường bay để đảm bảo và gia tăng hiệu quả hoạt động. Trong thời gian này, một số đường bay có thể thay đổi kế hoạch hoặc tạm dừng khai thác.
Pacific Airlines đã xây dựng và triển khai phương án đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho hành khách. Những hành khách bị ảnh hưởng sẽ được thông báo lịch bay mới hoặc chuyển sang các chuyến bay của Vietnam Airlines.
Vị đại diện cho biết theo lộ trình tái cấu trúc đội bay, Pacific Airlines sẽ thuê máy bay của Vietnam Airlines để nâng cao hiệu quả hoạt động của hãng, cũng như tối ưu hóa nguồn lực trong VNA Group. Hai bên đã trao đổi và đang hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để hoàn thành thỏa thuận, sớm đưa máy bay vào khai thác phục vụ hành khách.
Đồng thời, Pacific Airlines cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ và phối hợp từ Vietnam Airlines trong việc sử dụng chung một số cơ sở hạ tầng, nguồn lực phục vụ hành khách như quầy thủ tục, phương tiện phục vụ mặt đất…
“Tái cơ cấu doanh nghiệp là một trong những giải pháp tự thân hữu hiệu, được nhiều hãng trên thế giới và Việt Nam áp dụng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 để lại hậu quả nặng nề, kéo dài cho ngành hàng không. Hoạt động này được đánh giá là cần thiết để Pacific Airlines phục hồi hiệu quả, thích nghi nhanh chóng với môi trường mới và phát triển ổn định trong tương lai”, theo đại diện Pacific Airlines.
Trước đó Bamboo Airways cũng dừng khai thác và trả toàn bộ đội tàu bay 3 chiếc Embraer E190 sử dụng trên các đường bay Hà Nội-Huế/Đồng Hới/Côn Đảo và TPHCM - Đồng Hới/Côn Đảo để thực hiện tái cơ cấu, cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, ổn định hoạt động khai thác, tiến tới cân đối được thu chi và mở rộng, tăng trưởng trở lại. Tương tự, từ ngày 1/4/2024, hãng này cũng sẽ dừng khai thác đối với đường bay thẳng Hà Nội-Côn Đảo.
Bên cạnh nguyên nhân “tái cấu trúc”, đội bay của một số hãng hàng không còn bị suy giảm do ảnh hưởng bởi các yếu tố kỹ thuật. Tháng 9/2023, Nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) đã thông báo về việc Pratt&Whitney phải thực hiện việc triệu hồi động cơ PW1100 để thực hiện việc kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu. Việc này ước tính có thể ảnh hưởng đến 600-700 động cơ PW1100 đang khai thác trên các đội bay hoạt động trên toàn thế giới.
Để giải quyết việc thiếu hụt đội bay, Cục hàng không Việt Nam đã yêu cầu các Hãng hàng không Việt Nam chủ động kế hoạch khai thác và có phương án dự phòng bổ sung số lượng tàu bay bị thiếu hụt do dừng bay. Một số hãng cũng đang nỗ lực tìm thuê tàu bay để bù đắp vào khoảng trống thiếu hụt.
Đồng thời, Cục yêu cầu các hãng hàng không công bố danh sách các chuyến bay thay đổi giờ khai thác để hành khách có thông tin bố trí hành trình đi lại cho phù hợp. Thực hiện nghiêm túc các nghĩa vụ của người vận chuyển đối với hành khách theo quy định của pháp luật và thực hiện đúng quy định kê khai, niêm yết, công khai thông tin về giá, không để xảy ra tình trạng tăng giá vé trái quy định.