Hàng trăm hộ dân bị cô lập vì cây cầu huyết mạch chìm trong nước

Thứ Tư, 11/11/2015 12:27  | Oanh Nguyên

|

(CAO) Đã hơn 20 năm nay, mỗi khi mùa mưa đến, người dân trong ấp Tân Phú, xã Thuận phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước lại lo lắng và sống chung với cảnh băng suối để đi lại vì cây cầu dân sinh trong ấp đảm bảo cho cuộc sống hằng ngày của bà con bị nước nhấn chìm.

Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa mưa là bà con trong ấp Tân Phú, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú lại bắt đầu lo lắng trông về dòng nước – nơi có cây cầu dân sinh duy nhất nay đã bị nhấn chìm.

Cây cầu bắc qua suối Nhung làm bằng bê tông có chiều dài khoảng 5m, rộng hơn 1m và không có lan can 20 năm nay đã luôn là phương tiện qua lại của hơn 100 hộ dân sinh sống trong khu vực này để họ đưa con cái đến trường, mua bán, trao đổi nông sản và đi làm thuê làm mướn tìm kế mưu sinh. Thế nhưng, việc đi lại dường như chỉ có thể dễ dàng vào những ngày nắng ráo.

Cứ vào mùa mưa là bà con trong ấp Tân Phú, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú lại bắt đầu lo lắng trông về dòng nước

Bà Trịnh Thị Long, một người dân đã có nhiều năm sinh sống tại đây cho biết: “Mỗi khi cầu ngập, bà con ở đây đều phải tự dựa vào trí nhớ để mò mẫm tìm vị trí cây cầu để men theo. Tuy nhiên, nếu mưa lớn, nước dâng quá cao thì hầu như không thể băng qua được. Trong khi đó, bên kia cầu lại là trường tiểu học nên các cháu bé trong ấp đều phải nhờ người lớn cõng qua để đến trường. Nhưng chỉ cần có mưa lớn, dòng nước chảy xiết thì việc đến trường của các cháu đều không thể tiếp tục”.

Mỗi mùa mưa lũ qua đi, cây cầu lại càng thêm xuống cấp bởi bị dòng nước chảy ăn mòn. Sau nhiều năm, lớp bê tông của cây cầu gần như đã bị nứt vỡ một nửa, còn mặt cầu nay đã ngổn ngang, lởm chởm những cát đá.

Do thiết kế cầu quá thấp, ngoài ra thời gian còn làm nó xuống cấp nghiêm trọng nên chỉ cần một cơn mưa nhỏ, đã bị nhấn chìm trong nước. Đó là chưa kể đến những lúc cao điểm vào tháng 10, tháng 11, nước có thể lên cao đến 2m.

Biết là nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn phải lựa chọn di chuyển liều lĩnh kiểu này

Mặc dù vậy, do nhu cầu đi lại, nhiều người dân trong ấp vẫn liều lĩnh lựa chọn băng qua mặc cho nguy hiểm lúc nào cũng luôn luôn chực chờ. Ở đây số trường hợp bị ngã hoặc bị nước cuốn trôi xảy ra không phải là ít.

“Bà con trong ấp đều là đồng bào nghèo, chỉ đi làm thuê làm mướn được ngày nào lấy tiền ăn ngày đó nên bắt buộc phải băng qua suối. Mưa nhỏ nước ngập ít thì còn dễ men theo chứ vào những lúc mưa lớn, thanh niên như tôi đều phải cởi bỏ quần áo để bơi qua. Ai cũng biết là nguy hiểm, bởi nước chảy xiết lắm nhưng chúng tôi cũng là bất đắc dĩ”, anh Sa Ti Kin, người dân trong ấp Tân Phú tâm sự.

Còn muốn tránh đi qua đây thì người dân sẽ phải chọn cách chạy vòng hàng chục cây số - phương pháp không được mấy người lựa chọn bởi mất rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc.

Những khi có người đau ốm, sinh nở, cần cấp cứu gấp, nhiều người cứ cuống cuồng không biết làm cách nào để rút ngắn quãng đường đến trạm y tế.

Bịt ống pô lội qua dòng nước siết trong mùa nước còn thấp điểm

Vẫn chưa vào thời điểm nước dâng cao, thế nhưng việc thiếu một cây cầu kiên cố đang làm ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, sinh hoạt và sản xuất của hơn 100 hộ dân. Mặc dù chưa có thương vong đáng tiếc nào xảy ra.

Thế nhưng để người dân ấp Tân Phú không phải ngày ngày lo lắng trước việc đi lại thiếu an toàn như hiện tại thì các cấp chính quyền cần sớm quan tâm đầu tư xây dựng một cây cầu nối 2 bờ suối Nhung để việc đi lại của bà con được thuận lợi, an toàn. Ước mơ về một cây cầu vẫn luôn là một nỗi niềm đau đáu trong lòng của bà con nơi đây.

Trước những khó khăn của bà con, chính quyền xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cơ quan chức năng để hỗ trợ xây cầu cho người dân.

Ông Phan Văn Thắng, chủ tịch UBND xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú cho biết, xã đã lên phương án quy hoạch xây dựng cũng như thiết kế cây cầu, nhưng do gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn nên đến nay vẫn chưa thể thực hiện được.

Clip hàng trăm hộ dân bị cô lập vì cây cầu huyết mạch chìm trong nước:

Bình luận (0)

Lên đầu trang