(CAO) Tại buổi sơ kết 10 ngày triển khai kế hoạch phối hợp giữa Phòng CSGT Công an TPHCM và công an quận, huyện và TP.Thủ Đức trong công tác kiểm soát nồng độ cồn, nhiều tín hiệu tích cực đã được ghi nhận. Trong đó, người dân TP đã bước đầu hình thành thói quen không điều khiển xe sau khi uống rượu, bia.
Tối 03/12, Thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó Trưởng Phòng CSGT, CATP nhận định: Sau 10 ngày thực hiện nghiêm công tác rà soát, xử lý vi phạm liên quan tới nồng độ cồn, người dân TP đã thể hiện sự hợp tác tích cực với lực lượng chức năng, ghi nhận nhiều chuyển biến trong ý thức khi tham gia giao thông cũng như đồng thuận rất cao với quy định “đã uống rượu bia thì không lái xe”.
CSGT
TPHCM thực hiện kiểm tra nồng độ cồn đối với một tài xế xe khách giường nằm
Đại diện Phòng CSGT chia sẻ: "Khi có đám tiệc, nhiều người cũng ý thức hơn, chủ động đi các phương tiện công cộng như: xe Grab, taxi, xe ôm hoặc thuê lái xe đưa đón… khi sử dụng ruợu bia hoặc từ chối rượu bia. Đó là sự chuyển biến tốt lan toả rất nhanh trong ý thức cuả mỗi người.
Mục đích của việc tổng kiểm soát nồng độ cồn cả ngày lẫn đêm thời gian qua là vì tính mạng con người là trên hết, việc thực hiện nhằm kéo giảm tối đa tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn - nhất là thời điểm này nhiều bữa tiệc tổng kết năm, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán đang đến gần".
Kiểm tra nồng độ cồn với tài xế hoạt động tại cảng Cát Lái
Trước những tín hiệu chuyển biến tốt sau 10 ngày thực hiện, các cụm tuần tra kiểm soát giao thông tổng kiểm soát vi phạm nồng độ cồn của CSGT TPHCM sẽ thay đổi hình thức tuần tra kiểm soát theo từng giai đoạn để bố trí các tổ công tác cho phù hợp với thời gian, địa điểm ở từng tuyến đường nhằm kéo giảm tai nạn giao thông liên quan đến nồng độ cồn trong thời gian tới.
Một tổ chuyên đề thực hiện tổng kiểm soát trên Quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn TP.Thủ Đức
Trước đó, Phòng CSGT CATP đã tổ chức 10 cụm CSGT gồm lực lượng thuộc Phòng CSGT, Đội CSGT - Trật tự Công an các quận, huyện, TP.Thủ Đức ra quân kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện toàn thành phố cả ngày lẫn đêm. Mỗi ngày thực hiện 4 ca, mỗi ca kéo dài 6 giờ làm việc.
Việc tổ chức các cụm kiểm soát này giúp các đơn vị CSGT chủ động trao đổi về địa bàn tuần tra, kiểm soát; luân phiên khu vực tuần tra, kiểm soát, bảo đảm nguyên tắc không bị trùng lắp hoặc bỏ sót địa bàn.
Thông qua đó, còn tạo thế liên hoàn, đan xen, chủ động bố trí lực lượng kiểm tra tại một điểm kết hợp tuần tra, kiểm soát lưu động không để người vi phạm tránh né các vị trí, khu vực kiểm soát của lực lượng chức năng, đồng thời tăng cường công tác thông tin, phối hợp giữa các đơn vị giáp ranh.
Từ ngày 24/11 đến hết 2/12, CSGT TPHCM đã thực hiện tổng kiểm soát 51.358 trường hợp (18.041 ô tô; 33.317 môtô); đã lập biên bản xử lý 1.484 trường hợp ( 51 ô tô; 1.435 mô tô). Trong đó, có 2 tài xế dương tính ma túy; 6 trường hợp người điều khiển xe mô tô dương tính với ma túy và 1 trường hợp vừa dương tính mà túy vừa vi phạm nồng độ cồn.