(CAO) Ngày 31/3, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái đã ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư (PPP, giai đoạn 1). Đây là 1 trong 3 đoạn tuyến trong cao tốc Dầu Giây (Đồng Nai) - Liên Khương (Lâm Đồng) theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương có tổng chiều dài 73,62km, quy mô 4 làn xe, có 2 làn dừng khẩn cấp, đi qua TP Bảo Lộc và các huyện: Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng.
Dự án có tổng mức đầu tư 17.718 tỷ đồng theo phương thức đối tác công tư; trong đó, vốn ngân sách nhà nước 7.761 tỷ đồng (chiếm 43,8%), vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 9.957 tỷ đồng (chiếm 56,2%), dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác Quý IV năm 2027.
Nhà đầu tư đề xuất dự án là Liên danh Công ty CP Tập đoàn T&T, Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Phương Trang - FUTA GROUP, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành (Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Phương Trang - FUTA GROUP là đại diện Liên danh nhà đầu tư).
Phân kỳ giai đoạn 1 quy mô 4 làn xe, tốc độ khai thác 80 km/h, khoảng 4-5km bố trí một vị trí dừng xe khẩn cấp trong cùng một chiều xe chạy với chiều rộng làn dừng khẩn cấp bảo đảm chiều rộng nền đường theo giai đoạn hoàn chỉnh.
Giai đoạn hoàn chỉnh, đường cao tốc có tốc độ thiết kế 100km/h, quy mô 4 làn xe, có 2 làn dừng khẩn cấp, nền đường rộng 24,75m. Dự kiến có khoảng 47km đường gom và 19km đường ngang để kết nối dân cư hai bên tuyến.

Bản đồ tuyến cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương
Toàn tuyến có 51 cây cầu, trong đó 13 cầu trên tuyến chính, 35 cầu vượt ngang qua đường cao tốc, 3 cầu trong nút giao liên thông. Dự án có 2 trạm thu phí trên chính tuyến và các trạm thu phí phụ tại các nút giao liên thông. Trạm dừng nghỉ của cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương được bố trí hai bên tuyến, thuộc xã Lộc An, H.Bảo Lâm, với quy mô giai đoạn 1 khoảng 5ha/bên.
Ngoài ra, trên tuyến cao tốc bố trí các hạng mục công trình phục vụ khai thác, vận hành cao tốc, như trung tâm điều hành giao thông thông minh, trạm thu phí điện tử không dừng, công trình kiểm soát tải trọng xe... bảo đảm đồng bộ, hiệu quả theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng - cơ quan có thẩm quyền đối với dự án: Dự án đường bộ cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác quý IV/2027, với mục tiêu từng bước hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc Dầu Giây - Liên Khương theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nâng cao khả năng kết nối với mạng lưới giao thông quốc gia, rút ngắn thời gian kết nối các tỉnh Tây Nguyên với khu vực kinh tế trọng điểm phía nam và các trung tâm kinh tế, xã hội, công nghiệp dọc Quốc lộ 20. Đồng thời, nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa, thông thương đối ngoại; tạo bước đột phá phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch, bảo đảm an ninh quốc phòng của tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên; phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của dự án cao tốc đoạn Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc, góp phần quan trọng trong việc mở rộng không gian, xây dựng, phát triển TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng trở thành một vùng đô thị hiện đại.