Lập 'bến cóc' trung chuyển hành khách ra ngoại thành: Liệu có hợp lý?

Thứ Ba, 11/04/2023 10:07

|

(CATP) Gần 50 năm trước, khi còn là học sinh - sinh viên, tác giả bài viết cũng như người dân trên cả nước đã quá ngán ngẩm, "ớn lạnh" với những chuyến xe khách liên tỉnh thời bao cấp. Bà con cô bác thường gọi đây là "chuyến xe bão táp" (tên một bộ phim nổi tiếng của Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1977).

Từ năm 1986 khi đất nước mở cửa đến nay, dịch vụ vận tải hành khách (HK) phát triển rất nhanh, HK đã có thể thoải mái, yên tâm hơn trên những chuyến xe hiện đại, êm ái, tiện nghi. Thế nhưng, đầu tháng 4-2023 này, với 2 chuyến đi quen thuộc bằng xe giường nằm Sài Gòn - Đà Lạt và Đà Lạt - Sài Gòn của Hãng xe Thành Bưởi, một phần ký ức về "chuyến xe bão táp" từ quá khứ đã quay trở lại với lỗi không thuộc về nhà xe. Tại sao?

Ám ảnh từ những "chuyến xe bão táp" thời bao cấp

Sau ngày 30-4-1975, cuộc sống của người dân cả nước còn rất nhiều khó khăn. Ám ảnh đến tận bây giờ đối với nhiều người, nhiều gia đình là những lần bị "hành" trên các chuyến xe khách liên tỉnh, liên huyện. Do thiếu xăng dầu, nhiều xe chở khách đã được độ chế lại thành xe chạy bằng than đá, than củi với cái thùng đốt "khổng lồ" treo sau lưng xe vừa gây nóng nực cho HK vừa nguy hiểm cho giao thông khi các tàn lửa liên tục bắn ra trên nóc thùng như pháo bông, nổ lép bép. Những chuyến xe "đi ngược lịch sử" phát minh của nhân loại này chạy cà rịch cà tang, có khi phải nằm đường 1 - 2 ngày vì bị hỏng.

Những chuyến xe khách do các doanh nghiệp Nhà nước hoặc "công tư hợp doanh" thường được ưu tiên về xăng dầu, không phải chạy bằng than như xe tư nhân, nhưng đó cũng là những "chuyến xe bão táp" đối với HK. Đầu tiên là nỗi khổ xếp hàng mua vé. Những năm đầu thập niên 1980, sinh viên các tỉnh như chúng tôi phải ra Bến xe Miền Đông ở Q.Bình Thạnh từ buổi chiều, thuê chiếc chiếu cáu bẩn, hôi hám trải trên sàn xi-măng đầy bụi, rác trước cửa phòng vé nằm "chờ thời" với cái túi xách đựng quần áo ôm khư khư trước ngực vì sợ bị móc túi, rạch giỏ...

Từ 3 giờ sáng, người cho thuê chiếu sẽ đánh thức khách dậy để thu chiếu. Khách lật đật đi vệ sinh, rửa mặt xong ra đứng xếp hàng chờ mãi đến 5 giờ mới bắt đầu bán vé. Có lần nhích gần đến cửa phòng vé thì như "sét đánh ngang tai" khi nữ nhân viên lạnh lùng tuyên bố qua cái loa rè rè "Hết vé”! Nếu may mắn mua được vé rồi vẫn còn phải chịu đủ gian truân: băng ghế 3 người được nhét tới 4 - 5 khách, ngồi chật cứng với chân co, cổ rụt giữa mùi mồ hôi người, mùi gia cầm, gia súc hầm hập... Xe cứ đi vài chục cây số lại phải dừng trước các trạm kiểm soát nên 300km phải ì ạch mất 14 - 15 tiếng là chuyện thường!

"Bến cóc" trung chuyển mới của nhà xe Thành Bưởi ở khu giáp ranh Bình Chánh - Nhà Bè

Doanh nghiệp phải mở thêm "bến cóc", khách mệt mỏi vì "trung chuyển"

Từ sau đổi mới năm 1986, các trạm kiểm soát bị bãi bỏ, đường thông thoáng hơn và các doanh nghiệp tư nhân được phép nhập xe mới về nên chuyện đi lại đỡ vất vả hơn. Tôi nhớ lần đầu được ngồi trên xe Karosa mới cứng 50 chỗ ngồi, bốn bề toàn kính để ngắm cảnh, ghế rộng rãi, êm ái và được nghe nhạc suốt hành trình. Đó là vào năm 1988, tuyến Đà Lạt - TPHCM hồi đó còn xuất hiện loại xe Toyota "cá mập" 16 chỗ chỉ mất 5 tiếng rưỡi hoặc 6 tiếng từ Đà Lạt về Sài Gòn và ngược lại. Đến những năm 1990 thì dịch vụ vận tải HK tiến thêm một bước dài khi các hãng xe đón - trả khách tận nhà và đặt vé qua điện thoại để được đi trên những xe có giường nằm, phòng riêng với điều hòa, tivi, gối, mền, thậm chí cả gối ôm thoải mái...

Từ ngày 10-01-2023, TPHCM ban hành lệnh cấm xe khách giường nằm và xe trên 30 chỗ trong khung thời gian từ 6 - 22 giờ hàng ngày. Các hãng xe nháo nhào thích nghi với quy định mới. Đầu tháng 04-2023, chúng tôi đã trải nghiệm lệnh cấm này bằng dịch vụ của Công ty Thành Bưởi. Thay vì lên xe chính (phòng nằm hoặc giường nằm) từ 268 Lê Hồng Phong, Quận 5 hoặc số 01 Vĩnh Viễn, Quận 10 rồi chạy một lèo lên Đà Lạt, thì HK phải đi xe trung chuyển 25 chỗ từ đây ra tận khu liên phường ở tận cuối TP.Thủ Đức, gần đường vào cao tốc đi Dầu Giây, đây là bãi đất trống chừng 3.000m2 mới san lấp còn gồ ghề với 1 nhà vệ sinh tạm bợ nhỏ xíu.

Chuyến về xuất phát từ Đà Lạt, xe phòng nằm Thành Bưởi cũng không được vô bến ở Quận 5, Quận 10 trước 22 giờ nên phải chạy vòng theo đường Nguyễn Văn Linh ra "bến cóc" mới lập ở cuối đường Phạm Hùng giáp ranh giữa huyện Bình Chánh với Nhà Bè. Từ đó có xe trung chuyển khách vào lại bến chính của Thành Bưởi ở Lê Hồng Phong, Quận 5 và Vĩnh Viễn, Quận 10.

Xe trung chuyển (bên phải) to ngang ngửa xe giường nằm
Cảnh sang xe ở một "bến cóc" liên phường

Với 2 lần trung chuyển vòng vo mất 50 - 60 phút/lần, khiến hành trình mỗi chuyến tăng thêm 1 tiếng, vừa gây mệt mỏi cho HK vừa tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp (khi phải mua sắm thêm nhiều ôtô trung chuyển và thuê đất, nhà lập "bến cóc" trung chuyển).

Theo chúng tôi hiểu, xe giường nằm và xe trên 30 chỗ ngồi bị cấm vào nội thành TPHCM giờ cao điểm vì sợ góp phần làm tăng khả năng kẹt xe, thế nhưng những chiếc xe trung chuyển 25 chỗ ngồi thì kích thước cũng "một 9 một 10" với xe bị cấm. Điều thứ hai, nếu nói rằng đây là giải pháp nhằm xóa bỏ "xe dù, bến cóc" thì lại càng vô lý, bởi chỉ riêng nhà xe Thành Bưởi ở tuyến Sài Gòn - Đà Lạt và ngược lại đã phát sinh 2 "bến cóc" mới làm vị trí trung chuyển HK từ xe "nhỏ” sang xe "to" (mặc dù 2 xe kích thước không hơn kém nhau nhiều).

Nếu tính luôn các tuyến miền Trung, miền Tây, Tây Nguyên... của gần 60 nhà xe liên tỉnh khác, với hàng trăm tuyến TPHCM đi các tỉnh, huyện thì sẽ phát sinh thêm vô số "bến cóc" trung chuyển mới. Rõ ràng là "lợi bất cập hại", chưa kể còn làm HK phải chịu cảnh "đoạn trường" trung chuyển, tưởng chừng đã biến mất vĩnh viễn sau thời bao cấp...

Rất mong lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải TPHCM sắp tới sẽ có phương án hợp lý, thấu đáo hơn cho vấn đề vốn đã "quá cũ” này!

Bình luận (0)

Lên đầu trang