(CAO) Bộ Công an vừa hoàn thành dự thảo Thông tư Quy định quy trình điều tra, giải quyết TNGT đường bộ và sẽ lấy ý kiến đóng góp để đưa vào áp dụng thực tế trong thời gian tới.
Dự thảo quy định rõ việc tổ chức tiếp nhận tin báo về TNGT phải thực hiện 24/24 giờ các ngày trong tuần; công bố số điện thoại tiếp nhận tin báo vụ TNGT trên các phương tiện thông tin đại chúng và dán công khai tại phòng trực ban của đơn vị.
Cán bộ nhận tin báo về vụ TNGT đường bộ phải hỏi rõ và ghi vào Sổ theo dõi vụ TNGT các thông tin theo mẫu; sau khi nhận tin báo vụ TNGT phải báo cáo ngay lãnh đạo trực chỉ huy đơn vị để chỉ đạo việc điều tra, giải quyết theo quy định của lực lượng CSGT.
Các mục điều tra vụ TNGT gồm: Nội dung điều tra, xác minh tình tiết của vụ TNGT; chuẩn bị khám nghiệm hiện trường; khám nghiệm hiện trường; tạm giữ, xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề và tạm giữ người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ liên quan đến vụ TNGT theo thủ tục hành chính; khám nghiệm phương tiện giao thông liên quan đến vụ TNGT; ghi lời khai của những người điều khiển phương tiện giao thông có liên quan đến vụ TNGT; ghi lời khai của những người bị nạn và người có liên quan khác trong vụ TNGT; ghi lời khai của những người làm chứng; giám định chuyên môn; một số hoạt động khác để thu thập tài liệu liên quan đến vụ TNGT; xem xét kết quả xác minh vụ TNGT.
Lực lượng làm nhiệm vụ phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra nồng độ cồn và chất gây nghiện của các lái xe
Trong thông tư cũng quy định rõ tại Điều 7 về việc giải quyết ban đầu khi cán bộ CSGT đến hiện trường vụ TNGT. Cụ thể là thông báo kịp thời cho cơ sở y tế nơi gần nhất (cấp cứu 115) để tổ chức cấp cứu người bị nạn.
Trường hợp người bị thương còn nằm trên đường giao thông phải đánh dấu vị trí người bị nạn, tổ chức sơ cứu trước khi đưa nạn nhân đi cấp cứu; trường hợp sử dụng phương tiện giao thông liên quan đến vụ tai nạn để đưa người bị nạn đi cấp cứu phải đánh dấu vị trí của phương tiện, vị trí dấu vết trên phương tiện; tạm giữ giấy tờ của phương tiện và giấy tờ của người điều khiển phương tiện (nếu có).
Trường hợp hiện trường vụ TNGT đã gây ùn tắc giao thông phải báo cáo lãnh đạo đơn vị mình và các cơ quan, đơn vị có liên quan nơi xảy ra vụ TNGT để có phương án tăng cường lực lượng, phương tiện, phân luồng giao thông, giải quyết ùn tắc từ xa.
Trong thông tư này, Bộ Công an ghi rõ, CSGT được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cấp cho lực lượng CSGT để kiểm tra ngay nồng độ cồn hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng của người điều khiển phương tiện liên quan đến vụ TNGT tại hiện trường hoặc yêu cầu cơ sở y tế kiểm tra nồng độ cồn trong máu của người điều khiển phương tiện liên quan đến vụ tai nạn đang được cấp cứu.
Dự thảo thông tư hướng dẫn quy trình điều tra, xử lý TNGT của CSGT đường bộ được đưa ra lấy ý kiến người dân, các bộ ngành từ tháng 3-2016 nhưng lùi lại đến nay. Trong các bản dự thảo thông tư này trước đây có quy định về trường hợp xảy ra vụ TNGT liên quan đến cán bộ cao cấp, nêu rõ trường hợp xe của cán bộ đó không đủ điều kiện đi tiếp, thì phải giải quyết cho họ đến địa điểm an toàn hoặc đến nơi cần thiết theo yêu cầu; nếu xe của cán bộ này đủ điều kiện đi tiếp thì lập biên bản..., yêu cầu lái xe ký xác nhận rồi giải quyết cho đi; định thời gian yêu cầu lái xe đến trụ sở công an để giải quyết. Tuy nhiên, trong dự thảo thông tư mới nhất này (lần 3) nội dung nêu trên được lược bỏ.
Sau khi lấy ý kiến đóng góp (dự kiến 2 tháng), dự kiến thông tư này sẽ được áp dụng vào thực tiễn nên hiện CSGT vẫn áp dụng Thông tư số 77/2012/TT-BCA ngày 28-12-2012 quy định quy trình điều tra, giải quyết TNGT đường bộ của CSGT đường bộ.