(CAO) Ngày 24-2, Văn phòng Chính phủ có Văn bản chuyển kiến nghị đến Bộ GTVT xem xét, xử lý và trả lời các công ty vận tải hành khách đường bộ về việc sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô nhằm xóa sổ “xe dù, bến lậu”.
Vấn nạn “xe dù, bến lậu” tồn tại từ lâu mà chưa được giải quyết dứt điểm khiến dư luận rất bức xúc. Theo thời gian, ‘xe khách trá hình’, ‘bến xe khách lậu’ bắt đầu thay đổi phương thức hoạt động, ngày càng tinh vi hơn gây khó khăn trong công tác quản lý, kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Văn bản của Văn phòng Chính phủ
Chưa hết, hoạt động của “xe dù bến lậu” gây thất thu thuế, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, bất bình đẳng và kéo theo nhiều hệ quả xấu. Để đấu tranh với “xe dù bến lậu”, các doanh nghiệp vận tải hành khách tại TP.HCM đồng gửi kiến nghị đến Chính phủ đề nghị xử lý nghiêm tình trạng này; đồng thời tham gia nêu ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Theo các doanh nghiệp vận tải, thời gian qua, Bộ GTVT bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình (GPS) trên ô tô khi tham gia kinh doanh vận tải, tạo sự chuyển biến rõ nét trong quản lý an toàn giao thông. Để xử lý tận gốc “xe dù, xe khách trá hình” cũng phải sử dụng công nghệ (GPS) để giám sát hành trình hoạt động của các xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải. Bên cạnh đó phải có quy định và biện pháp chế tài qua GPS.
Về quy định Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định không được tổ chức bán vé cho hành khách đi xe dưới mọi hình thức, 12 doanh nghiệp vận tải tại TP.HCM kiến nghị điều chỉnh: “Các tổ chức và cá nhân không được tự tổ chức thu gom hành khách lẻ, không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức”. Đây cũng là quan điểm của Chủ tịch UBND TP.HCM tại Công văn số 7063/UBND-ĐT ngày 6-12-2016.
Bởi thực tiễn hiện nay, xe khách trá hình không chỉ trực tiếp gom khách lẻ mà còn lách luật thành lập mới (hoặc liên kết) với các Trung tâm hoặc Công ty để đứng ra gom khách, thậm chí dùng “cò xe” lôi kéo, thu gom khách lẻ tại bến xe (hoặc trước cửa bến xe) rồi đứng ra ký Hợp đồng với Đơn vị kinh doanh vận tải xe hợp đồng, để chở khách đi như xe khách tuyến cố định nhằm trốn thuế, phí bến bãi.
Kiến nghị của các doanh nghiệp vận tải
Về việc này, ông Nguyễn Trí Dũng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xe khách Phương Trang FUTA Bus Lines kiến nghị bổ sung 2 khoản: “Cấm các tổ chức và cá nhân không được tự tổ chức thu gom hành khách lẻ, không được bán vé, thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe dưới mọi hình thức”; “Cấm đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định và lái xe không được sử dụng xe hợp đồng để kinh doanh vận tải khách du lịch bằng ô tô”. Song song là biện pháp chế tài, xử phạt nghiêm minh.
Các doanh nghiệp vận tải cũng kiến nghị giao quyền chủ động cho Doanh nghiệp vận tải đăng ký “nốt tài”, tần suất chạy xe, nhằm tạo sự minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và tự chủ cho doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đưa xe vào Bến xe hoạt động theo tuyến cố định. Đặc biệt, các đơn vị vận tải lớn tại TP.HCM kiến nghị cần quy định rõ “Cấm không được sử dụng bãi đỗ xe, nơi đỗ xe để đón, trả khách và giao nhận, lên xuống hàng hóa, nếu đơn vị vận tải vi phạm sẽ bị phạt thu hồi giấy phép kinh doanh” để xử lý tận gốc bến cóc, bến lậu.
Văn bản của Văn phòng Chính phủ nêu rõ, Bộ GTVT xem xét, xử lý và trả lời các công ty vận tải hành khách đường bộ theo thẩm quyền, gửi Văn phòng Chính phủ để công khai trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trước ngày 15-3-2017.
Cũng về việc xử lý “xe dù bến lậu”, trong buổi họp giữ Chủ tịch UBND TP.HCM và Chủ tịch 24 quận huyện diễn ra ngày 1-3, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP tiếp tục đề nghị Sở GTVT TP xử lý “bến cóc xe dù” để lập lại trật tự, an toàn giao thông, tạo môi trường lành mạnh trong kinh doanh.