(CAO) Ai cũng biết phạm lỗi thì phải chịu phạt, nhẹ thì bị nhắc nhở cảnh cáo, nặng thì bị lập biên bản phạt tiền, giữ xe. Tuy nhiên, không phải người nào cũng tự giác chịu trách nhiệm với lỗi của mình mà tìm đủ mọi lý do để xin xỏ, thậm chí dùng nhiều cách thức để "lừa" CSGT.
Rõ ràng, tâm lý chung của những người vi phạm giao thông là sợ bị phạt, sợ bị giữ phương tiện nên rất lo lắng và trình bày để xin tha.
Tuy nhiên, việc nhiều người cố tình làm khó lực lượng CSGT dù phạm lỗi rành rành quả thực không phải là một hành động văn minh, thậm chí còn có thể bị khép vào tội cố tình chống người thi hành công vụ.
Chính vì thế, người tham gia giao thông nên chấp hành luật giao thông và có ý thức khi điều khiển phương tiện. Nếu như bị dừng xe, xử phạt mà đúng lỗi thì việc nhận lỗi và chấp hành nghiêm chỉnh quy định xử phạt có lẽ mới thực sự là cách hành xử đúng đắn, tôn trọng pháp luật, đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người.
1. Chạy trốn: Trong nhiều trường hợp, người tham gia giao thông vi phạm thấy CSGT đang đứng ven đường, yêu cầu dừng xe lại thì nhi người tìm cánh thoát nạn bằng cách rồ ga vụt chạy hòng thoát được sự truy đuổi của CSGT. Trường hợp này không ít đâu nhé, chủ yếu là các bạn nam to khỏe, bặm trợn và liều lĩnh.
2. Xin xỏ, lấy đủ thứ lý do, năn nỉ ỉ ôi: Cái này phổ biến này. Rõ ràng biết mình sai, thế nhưng cũng ngon ngọt nêu đủ thứ lý do trên trời dưới đất. Thậm chí nhiều người còn bịa ra những tình huống bi đát nhằm lấy lòng thương của CSGT. Ví dụ như có ai đó vào bệnh viện cấp cứu phải vào viện gấp nên vội quá chạy vượt quá tốc độ. Hay đường này em ko quen nên lỡ đi ngược chiều... Điển hình trong số đó là vụ việc thiếu nữ Sài Gòn quỳ lạy cảnh sát khi bị bắt xe được quay video và tung lên mạng ngày 19-12-2013. Theo một số thông tin cư dân mạng cung cấp, thiếu nữ kẹp 3, chạy vào trong ngõ trốn cảnh sát nhưng không thoát. Thừa nhận đã vi phạm luật giao thông, cô gái này liên tục van xin, quỳ lạy...
3. "Xổ" ngoại ngữ giả người nước ngoài để qua mặt CSGT: Tất nhiên, người sử dụng chiêu này thường là phải khá thành thạo ít nhất một ngoại ngữ. Mới đây, câu chuyện về thiếu nữ tên T. (SN 1995) "nói tiếng Hàn, khóc tiếng Việt" khi bị CSGT TP. Đồng Hới tiến hành tuần tra kiểm soát trên đường Trần Hưng Đạo (TP. Đồng Hới, Quảng Bình). Khi lực lượng CSGT yêu cầu thiếu nữ xuất trình giấy tờ xe thì bất ngờ thiếu nữ này chỉ nói toàn tiếng Hàn Quốc rất chuẩn. Sau đó, lực lượng CSGT yêu cầu thiếu nữ nói tiếng Anh thì thiếu nữ này chỉ đứng lắc đầu. Tuy nhiên, cô lại vô tình làm rơi chứng minh thư nhân dân mang tên T. (SN 1995) ở Nam Lý, TP Đồng Hới. Trước "sự cố" này, cô khóc òa bằng tiếng Việt “xin mấy anh chị tha cho em”.
4. Gọi điện cho người thân: Hình ảnh này không hiếm gặp trên đường khi người bị phạt có mối quan hệ với những người có chức có quyền. Chỉ cần một cuộc điện thoại nói chuyện qua lại thì ngay lập tức sẽ được cho đi ngay, khỏi phiền phức, rườm rà.
5. Cãi lý: Đa số những người có khả năng cãi lý là người có hiểu biết cao về các luật giao thông.
6. Giả danh, lợi dụng uy tín xin xỏ CSGT: Khi được yêu cầu xuất trình giấy tờ để kiểm tra, nhiều người đã giả danh quan chức, phóng viên,... với ý đồ lợi dụng uy tín để xin xỏ cơ quan công an. Trường hợp này không phải là hiếm, nhưng cũng không thể qua mắt được các chú CSGT. Đi xe Lexus RX 350 mang biển số giả, tài xế Phan Thành Tùng đã rút thẻ nhà báo giả để xin CSGT khi bị dừng xe kiểm tra trên phố Hà Nội là một trường hợp điển hình mới đây.
7. Đút lót tiền: Hình thức này xảy ra khi các hình thức trên không hiệu quả. Nếu bị phạt sẽ bị lập biên bản, các giấy tờ liên quan sẽ bị các chú CSGT cầm và chờ ngày lên nộp phạt mới được lấy về, nhiều người đã không ngần ngại… đút lót. Để hạn chế tình trạng vi phạm giao thông, tăng cường kỷ cương đối với người tham gia giao thông, Công an TP.HCM đã từng đề xuất biện pháp xử phạt những người có hành vi đưa hối lộ cho CSGT khi vi phạm.