(CAO) Một trong 4 đối tượng gây ra vụ cướp từng là tài xế của
nhà xe suốt hơn 3 năm nên nắm rõ quy luật giờ giấc đi lại, vị trí để tiền (của khách gửi) trên xe rồi cùng đồng bọn tạo “kịch bản”, dàn cảnh va quệt, thực hiện vụ cướp khá ngoạn mục.
Dù xe Thành Bưởi hiện chỉ có ba chuyến hoạt động từ bến xe Miền Đông (BXMĐ) đến bến xe Lữ Gia (Đà Lạt), nhưng mỗi ngày nhà xe này vẫn chở hàng nghìn người từ TP.HCM lên Đà Lạt với danh nghĩa chở khách hợp đồng. Các chuyên gia khẳng định, đây là kiểu lách luật, né thuế, phí.
Xe hợp đồng trá hình vận chuyển khách tuyến cố định trốn thuế
Ngày 26/12, trong vai một hành khách, PV liên hệ qua tổng đài nhà xe Thành Bưởi để đặt vé về TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) lúc 15h15. Nhân viên hỏi thẳng là muốn đến bến Thành Bưởi ở số 1 Vĩnh Viễn (quận 10) hay đón dọc đường? PV thắc mắc bến ở đường Vĩnh Viễn đã bị cấm, nhân viên cho biết, cứ tới đó sẽ có xe trung chuyển ra đại lộ Đông Tây, đường Nguyễn Văn Cừ hoặc một số tuyến đường gần đó.
Xe trung chuyển của Thành Bưởi đưa khách đến trước số nhà 39 Trần Nhân Tôn để chuyển qua xe giường nằm chờ sẵn trước đó
Đúng 15h, PV đến quầy làm thủ tục tại bến xe Thành Bưởi ở số 1 Vĩnh Viễn, được nữ nhân viên đưa một phiếu thông tin. Trên phiếu ghi biển số xe đi, số giường, nơi đến và giờ xe chạy. Ở dưới có ghi chú: “Phiếu này không phải là vé. Nhân viên không thu tiền khi cấp phiếu này cho khách. Quý khách lấy hóa đơn GTGT trong ngày”.
Đến 15h10, nhân viên mời chúng tôi lên xe trung chuyển BKS 51B-159.66 để đưa đến trước số nhà 39 Trần Nhân Tôn (quận 10). Tại đây, một chiếc xe giường nằm BKS 51B-189.79 của Thành Bưởi nằm chờ. Nhân viên hối hả “lùa” chúng tôi lên xe để bắt đầu hành trình và thu tiền trên xe. Khi PV xin lại phiếu thông tin thì nhân viên không đồng ý và cũng không đưa lại bất kỳ giấy tờ gì để chứng minh khách đã sử dụng dịch vụ. Trên xe lúc này có hơn 30 hành khách. Hầu hết đều là khách lẻ, đi tuyến cố định không ký hợp đồng theo đoàn hoặc bán vé theo quy định.
Trên suốt hành trình, xe Thành Bưởi còn thường xuyên dừng ngoài đường để đón khách như ở văn phòng tại ngã tư Hàng Xanh và ngã tư Thủ Đức. Khi đến địa bàn Đồng Nai, Bảo Lộc, nhà xe này còn dừng trả khách dọc đường.
Theo ông Nguyễn Hoàng Huy, Phó giám đốc BXMĐ, hiện Thành Bưởi chỉ đăng ký hoạt động trong bến ba xe, mỗi ngày có ba chuyến đi Đà Lạt vào các khung giờ: 8h, 10h, 12h. Từ ngày 1/12 - 22/12, Thành Bưởi bán tổng cộng 1.256 vé. Hiện, Sở GTVT chỉ cấp 29 phù hiệu tuyến cố định cho Công ty TNHH Thành Bưởi chạy tuyến bến xe Miền Tây - Cần Thơ. Ông Trần Văn Phương, Phó tổng giám đốc bến xe Miền Tây cũng xác nhận, mỗi ngày có 30 chuyến xe của Thành Bưởi đi Cần Thơ.
Liên hệ với nhân viên tổng đài để đặt vé đi Đà Lạt, nhân viên cho biết, trung bình 30 phút có một chuyến xe giường nằm loại 40 chỗ xuất bến ở số 1 Vĩnh Viễn. Nếu tính theo nhân viên này tức là khoảng 48 chuyến/ngày. Thế nhưng, theo khảo sát của PV tại bến xe số 1 Vĩnh Viễn, số xe Thành Bưởi xuất bến rất lớn. Ngày bình thường có khoảng 70 - 90 xe (có lúc một giờ xuất bến hai hoặc ba xe). Riêng ngày thứ sáu, từ bến xe số 1 Vĩnh Viễn có 140 xe xuất bến đi Đà Lạt và ngày chủ nhật có đến 145 xe Thành Bưởi từ Đà Lạt về.
Phiếu thông tin nhà xe Thành Bưởi cung cấp cho PV
Một chuyên gia tính toán, mỗi xe giường nằm 40 chỗ, trung bình 100 chuyến/ngày, như vậy số lượng chỗ mà Thành Bưởi cung cấp cho hành khách từ TP HCM - Đà Lạt trong một ngày là 4.000 chỗ. Với giá vé 210.000 đồng/khách nếu không xuất vé mà chỉ sử dụng phiếu đặt chỗ, Thành Bưởi sẽ né được 10% thuế giá trị gia tăng. Như vậy, chỉ tính sơ mỗi ngày, riêng thuế giá trị gia tăng đã né được hàng chục triệu đồng và mỗi năm né thuế hàng chục tỷ đồng.
Nhà nước thất thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm
Không riêng Thành Bưởi, hiện ở TP.HCM tồn tại rất nhiều nhà xe sử dụng hình thức xe hợp đồng, xe Open tour để vận chuyển khách tuyến cố định. Ông Nguyễn Hoàng Huy cho biết, có ít nhất 91 đơn vị tổ chức đón, trả khách tại các trụ sở văn phòng và các điểm giữ xe trên địa bàn thành phố (đặc biệt, tại các khu vực trung tâm các quận 1, 5, 10, Tân Bình, Bình Tân…). Các bãi giữ xe tổ chức đón, trả khách hoạt động có quy mô, có tổ chức như: Bãi xe số 1 Vĩnh Viễn của Thành Bưởi; Bãi xe Trân Bảo Trân số 397 Đinh Bộ Lĩnh, Bình Thạnh; Bãi giữ xe số 391 Đinh Bộ Lĩnh, Bình Thạnh; Bãi giữ xe số 1 Bắc Hải, phường 14, Q.10; Bãi giữ xe Diệu Thanh tại 62 Tân Thành, phường Tân Thành, Q. Tân Phú; Bến xe 722 Âu Cơ, Q. Tân Phú.
Để làm rõ hơn về việc thu thuế các nhà xe trên, ngày 26/12, PV Báo Giao thông đã gửi công văn đến Chi cục Thuế quận 10 để trao đổi thông tin về việc các nhà xe trá hình, né thuế. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết, nhà xe Thành Bưởi không đăng ký nộp thuế ở đây?! PV sang Chi cục Thuế quận 5 và quận 1, hai cơ quan này hẹn sẽ thông báo sau… Theo Sở GTVT TP.HCM, đơn vị này đã cấp 134 phù hiệu Thành Bưởi chạy theo dạng hợp đồng. Hàng ngày, Sở GTVT đều nhận được các bản hợp đồng, danh sách hành khách của Thành Bưởi gửi về hộp thư điện tử cho chuyến hành trình từ TP.HCM - Đà Lạt. Số lượng xe hợp đồng này khá tương đồng với số tài xuất bến của xe Thành Bưởi chạy tuyến TP.HCM - Đà Lạt. Thông tin từ nhà xe Phương Trang cho biết, một ngày nhà xe này có 10 chuyến từ Bến xe Miền Đông đi Đà Lạt. Tổng chi phí bến bãi (nốt tài, phí vệ sinh, đậu đỗ...) là 245.000 đồng/chuyến, chưa kể thuế giá trị gia tăng (10%/vé). Nếu làm một phép so sánh, với từ vài chục đến cả trăm chuyến xe (thứ 2 - thứ 5 khoảng 70 chuyến/ngày; thứ 6 - thứ 7 và chủ nhật khoảng 100 - 140 chuyến/ngày) từ TP HCM (bến số 1 Vĩnh Viễn, Q.10) đi Đà Lạt, mỗi ngày xe Thành Bưởi đã né được hàng chục triệu đồng tiền phí, thuế. |
Chiều 27/12, PV Báo Giao thông thực tế nhiều tuyến đường trên địa bàn Q.5. Ghi nhận trên đường Trần Nhân Tôn (P.9, Q.5), hai xe hợp đồng (loại trên 30 chỗ ngồi) của nhà xe Kim Mạnh Hùng BKS 51B-143.89 và 51B-140.44 chạy tuyến TP.HCM - Bình Phước ngang nhiên dừng đỗ chờ giờ lăn bánh.
Ngay sau xe Kim Mạnh Hùng, xe hợp đồng Minh Tâm BKS 51B-145.78 (loại gần 50 chỗ ngồi) cũng đỗ chiếm 1/3 làn đường. Còn tại đường An Dương Vương, đoạn giao với đường Lê Hồng Phong, một xe khách (loại trên 30 chỗ ngồi) của nhà xe Phương Nhiều BKS 93B-006.21 nằm chờ “ăn khách”. Phía bên kia đường, xe Út Ngọc (loại 16 chỗ) cũng choán hết một phần đường. Ở đường Nguyễn Chí Thanh, xe Huệ Nghĩa (chạy tuyến Châu Đốc, An Giang) cũng ngang nhiên bắt khách giữa đường.
PV đến văn phòng của nhà xe Tân Hoàng Anh tại địa chỉ 215 Lê Hồng Phong (Q.5) để hỏi mua vé đi Phan Rang (Ninh Thuận). Một nam nhân viên (khoảng 25 tuổi) cho biết, giá vé hiện nay là 140 nghìn đồng/người/giường nằm. “Mỗi ngày, Tân Hoàng Anh có 4 chuyến đi Phan Rang, xuất bến lúc 10h30, 12h, 20h và 22h. Xe chất lượng cao, loại 45 giường. Đi chuyến nào, anh cứ đến đây sẽ có xe đón. Lên xe mới phải trả tiền vé…”, nam nhân viên nói.
Còn tại chân cầu Bình Triệu (đoạn giáp ranh giữa QL13 và QL1, quận Thủ Đức), nhà xe Hoàng Long (chạy tuyến TP HCM đi các tỉnh phía Bắc và ngược lại) ngang nhiên lập một bến cóc và tổ chức đưa đón khách tại đây đã nhiều năm. Theo tìm hiểu của PV, xe Hoàng Long đăng ký tại BXMĐ và bán vé trực tiếp (tại quầy vé BXMĐ) và bán vé online. Theo một lãnh đạo BXMĐ, dù Công ty Hoàng Long có bán vé online nhưng phải xuất vé tại quầy trong BXMĐ (nơi đăng ký) và xe cũng phải đỗ ở trong bến còn hoạt động như phản ánh của PV là hoàn toàn trái luật.
Trong khi đó, tại đường Thái Phiên (Q.11), nhà xe Tuấn Hưng (lộ trình bến xe Miền Tây - bến xe Cà Mau) hoạt động đưa đón khách khá rầm rộ. Trên đường Lê Lai (phường Bến Thành, Q.1), PV thường xuyên chứng kiến nhiều nhà xe như: Cao Lâm, Tuấn Travel, Phi Loan dừng đỗ ở ven đường. Đường Phạm Ngũ Lão (phường Bến Thành, Q.1) bị xe hợp đồng lữ hành Tâm Hạnh ngang nhiên chiếm dụng, lên xuống hàng.
Một lãnh đạo BXMĐ cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 10.000 hành khách từ TP.HCM sử dụng loại hình xe hợp đồng, xe Open Tour để đi các tỉnh, thành phố khác. Chỉ tạm tính trung bình mỗi chỗ 200.000 đồng không qua bán vé, như vậy số tiến Nhà nước thất thoát 10% thuế giá trị gia tăng mỗi năm cả trăm tỷ đồng.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Hoàng Minh, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, vấn đề quản lý loại hình xe hợp đồng trá hình đang có khó khăn. Bởi, loại xe này để có một danh sách khách hàng “giả” đối phó với cơ quan chức năng không khó. Phiếu xác nhận thông tin khách hàng cũng là một cách họ “lách luật” để bán vé cho từng khách hàng. Tồn tại hiện nay, xe chạy hợp đồng vẫn lợi dụng từng hợp đồng để “bắt thêm khách công cộng”. Nhiều xe lợi dụng chỉ một vài người đi đã ghi trong hợp đồng, đến gần các trạm, dọc đường để đón thêm khách.
Sở GTVT TP HCM đã kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những quy định quản lý vận tải hành khách đường bộ phù hợp với thực tiễn quản lý, không để quy định có kẽ hở như hiện nay. Trong đó, có việc xây dựng quy chế riêng về phối hợp cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho đơn vị kinh doanh vận tải giữa Sở GTVT và Sở Kế hoạch và Đầu tư. Bởi, việc hình thành bến cóc cũng một phần do việc cấp giấy chứng nhận dễ dàng mà không kiểm tra chặt chẽ về điều kiện hoạt động vận tải.