Cần quyết liệt giải quyết ùn tắc cửa ngõ phía Đông TPHCM:

Bài 3: Đường Vành đai 2 thi công theo kiểu "rùa bò”

Thứ Bảy, 06/06/2020 11:23  | Nam Anh

|

(CATP) Tuyến đường Vành đai 2 được xem là tuyến trọng điểm, được kỳ vọng sẽ góp phần giảm tải áp lực về giao cho TPHCM. Tuy nhiên, hơn 14km cuối cùng của dự án đang được thi công theo kiểu "rùa bò”. Đặc biệt, đoạn đường dài 2,75km từ cầu vượt Gò Dưa đến đường Phạm Văn Đồng được khởi công xây dựng từ năm 2017, nhưng đến nay mới đạt khoảng 20% tiến độ.

Công nhân ngưng việc, đi… câu cá!

Dự án đường Vành đai 2 được quy hoạch từ rất sớm (năm 2007), tổng chiều dài là 64km, chạy qua nhiều quận, huyện. Do được khởi công từ lâu, 50km đầu tiên của tuyến đường đã hoàn thành, đi vào hoạt động, khiến người dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, hơn 14km cuối cùng của dự án trong 3 năm trở lại đây lại được thi công với tiến độ "rùa bò”. Nhiều đoạn đường nằm trong dự án do chưa thể giải phóng mặt bằng (GPMB), để mặc cho lau, sậy, cỏ dại mọc đầy.

Đường Vành đai 2 đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến cầu vượt Gò Dưa dài 2,75km, khởi công xây dựng từ năm 2017, do Công ty TNHH Máy và thiết bị Kim Tiến Đức đảm nhiệm phần thi công cầu dẫn và đường dẫn. Thế nhưng trong nhiều tháng qua, đoạn này không thể thi công. Tại công trường, có 2 máy ép cọc nhồi, nhà thầu phải đưa máy vào lùm cây để tránh mưa, nắng. Còn máy trộn bê-tông, máy ủi và máy đào cũng cho thấy nhiều tháng liền không hoạt động.

Hai máy ép cọc ngưng hoạt động nhiều tháng

Khi chúng tôi bước vào công trường mới 2 giờ chiều, nhưng không có dấu hiệu công nhân làm việc. Dựng chiếc xe máy cà tàng cạnh bụi cây, chúng tôi bước vào con lạch nhỏ nằm chắn ngang công trường, phát hiện hơn chục công nhân mặc bộ đồ lao động đang... câu cá giải trí. Nhóm công nhân khác thì chia làm 2 đội, tận dụng mặt bằng công trường để đá bóng. Khi chúng tôi thắc mắc, một công nhân tại đây cho biết, lúc mới khởi công thì rất rầm rộ, nhưng sau đó thì họ chơi nhiều hơn làm, bởi dự án vướng GPMB.

Sau 3 năm, nhà thầu thi công mới chỉ xây được hơn 200m cầu vượt chạy song song với nhau qua một con lạch nhỏ. Bà Nguyễn Thị Nga (gia đình có hơn 2.500m2 đất nằm trong dự án mở đường Vành đai 2) cho biết, giá đất đền bù mà thành phố đưa ra hiện nay chưa tới 12 triệu đồng/m2, quá thấp so với thị trường. Một số hộ dân nơi đây chưa chịu nhận tiền vì lý do này.

Ông Trần Đức Thắng (Tổng giám đốc Công ty cổ phần Văn Phú Bắc Ái - nhà thầu chính đoạn Phạm Văn Đồng - cầu vượt Gò Dưa) cho rằng, tổng vốn đầu tư cho đoạn đường 2,7km là hơn 2.100 tỷ đồng, đã bao gồm cả chi phí GPMB. Hiện nay, tiến độ thi công vẫn chậm do công tác bàn giao mặt bằng chưa hoàn tất. Chưa kể việc di dời các hạ tầng kỹ thuật khác, như: đường dây điện, cáp quang cũng gặp khó khăn. Qua tìm hiểu, đến nay mới bàn giao diện tích mặt bằng được 48,6% và không liên tục (kiểu "da beo"), làm nhà thầu thi công gặp nhiều khó khăn.

Chờ thành phố gỡ vướng

Tương tự, dự án đường Vành đai 2 đoạn nút giao Mỹ Thủy cũng đang bị chậm tiến độ. Theo thiết kế, để giảm tải cho cảng Cát Lái và các đường Đồng Văn Cống, Võ Chí Công, Nguyễn Thị Định..., khi hoàn thiện nút giao thông Mỹ Thủy sẽ có 4 tầng: Phần hầm dưới đất (từ đường Vành đai 2 đi Cát Lái), đường Vành đai 2, cầu vượt hiện hữu và thêm một cầu vượt từ Cát Lái về Q7. Khi nút giao thông này hoàn thành sẽ tách được dòng xe máy vào khu vực, hạn chế thấp nhất nguy cơ về tai nạn giao thông. Tuy nhiên, tiến độ dự án đang bị chậm do vướng công tác bồi thường.

Khởi công đã 3 năm, nhưng chỉ làm xong đoạn cầu vượt dài 200m

Lãnh đạo UBND Q2 cho biết, những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa nhanh, có sự biến động về giá bồi thường (tổng mức bồi thường tăng từ 504 tỷ đồng lên 1.029 tỷ đồng). Sau khi điều chỉnh đầu tư công, Q2 mới thực hiện tiếp các việc, như: thẩm định và trình phê duyệt giá T2, trình duyệt dự án bồi thường, duyệt phương án bồi thường và chi trả bồi thường. Dự kiến việc GPMB bằng sẽ được quận hoàn thành vào năm 2021.

Anh Trần Trọng Nhân (ngụ Q.Thủ Đức) cho biết: "Ngày nào tôi cũng đi làm trên đường Vành đai 2, chỉ một đoạn ngắn thôi mà làm mãi không xong. Đường sá lởm chởm, mất an toàn giao thông, bụi bay mịt mù, rất khó chịu".

Các dự án kết nối đường Vành đai 2 đi qua địa bàn Q9 và Q.Thủ Đức mới dừng ở khâu trình Sở Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo UBNDTP đề xuất chủ trương đầu tư công. Gian nan nhất là đoạn từ ngã ba An Lập (Q.Bình Tân) đến đường Nguyễn Văn Linh (H.Nhà Bè) dài khoảng 5,3km. Khu vực này được đánh giá là có chi phí GPMB rất lớn, khó thu hút nhà đầu tư tham gia.

Đối với 2 đoạn còn lại, gồm: từ cầu Phú Hữu (Q9) đến Xa lộ Hà Nội dài khoảng 3,82km, từ khu vực nút giao Bình Thái trên Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (Q.Thủ Đức) dài khoảng 2km, đang được lập báo cáo nghiên cứu khả thi, phê duyệt phương án bồi thường, GPMB.

Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường Vành đai 2 được khép kín, ngày 28-5 vừa qua, bà Nguyễn Thị Lệ (Chủ tịch HĐND TPHCM) đi giám sát tiến độ xây dựng đường này. Bà Lệ yêu cầu các sở, ngành sớm hoàn thiện hồ sơ để xin chủ trương đầu tư công, trình HĐNDTP phê duyệt. Sở Giao thông - Vận tải phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBNDTP điều chỉnh đề án quy hoạch, để xin duyệt chủ trương đầu tư. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP phải phối hợp với các sở, ngành để giải quyết, trình bày các khó khăn còn vướng.

Mới đây, Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo các đơn vị và địa phương, với dự án đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội và từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng, thành phố giao Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư công. Còn đoạn từ nút giao An Lập đến đường Nguyễn Văn Linh, phải tiến hành các bước đề xuất chủ trương đầu tư công để báo cáo UBNDTP trình HĐNDTP xem xét, cho ý kiến.

(Còn tiếp...)

Bài 2: Mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh để khu Đông cất cánh
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang