Tài xế dùng tiền lẻ ở trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc, ách tắc kéo dài

Thứ Hai, 07/01/2019 17:42

|

(CAO) Trạm BOT An Sương – An Lạc lại tiếp tục phải xả trạm khi bị một nhóm tài xế dùng tiền lẻ, dừng xe giữa làn không chịu đi để phản đối việc thu phí.

Trưa nay (7-1), một số tài xế ôtô qua trạm thu phí An Sương – An Lạc lại tiếp tục dừng xe không chịu mua vé vì cho rằng chủ đầu tư thu phí quá thời hạn. Vụ việc này khiến cho giao thông trên quốc lộ 1 đoạn qua trạm thu phí An Sương – An Lạc bị ùn tắc nghiêm trọng và chủ đầu tư tiếp tục phải xả trạm.

Một số tài xế lại tiếp tục "vây" trạm thu phí An Sương - An Lạc để phản đối thu phí

Trước đó, vào chiều ngày 3-12-2018, một số tài xế cũng viện dẫn văn bản nói theo hợp đồng giữa Bộ GTVT với Công ty IDICO-IDI cho thấy thời gian bắt đầu thu phí của trạm BOT An Sương - An Lạc từ tháng 4/2004, thời gian thu phí kéo dài 145 tháng cho dự án ban đầu. “Đến nay thời hạn thu phí đã quá 31 tháng và yêu cầu đơn vị đầu tư phải bỏ Trạm thu phí…”, những tài xế này kiến nghị.

Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư và Sở GTVT đã giải thích rõ dự án BOT đầu tư quốc lộ 1 đoạn An Sương đến An Lạc được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận và được điều chỉnh, bổ sung theo quyết định của Bộ GTVT dài gần 14km với tổng mức đầu tư hơn 831,6 tỷ đồng. Chính thức được đưa vào sử dụng từ cuối năm 2004 và bắt đầu thu phí từ ngày 2-1-2005 đến ngày 31-1-2017.

Dù chủ đầu tư đã giải thích nhưng một số tài xế vẫn cố tình đậu xe chặn làm thu phí

Sau đó, thực hiện chương trình kéo giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông nên trước khi kết thúc việc thu phí giai đoạn này, Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng IDICO được Thủ tướng Chính phủ và cơ quan Nhà nước thẩm quyền cho phép tiếp tục đầu tư bổ sung vào hợp đồng BOT các hạng mục đầu tư bổ sung lần 1 công trình cầu vượt tại nút giao Tỉnh lộ 10/Quốc lộ 1 và Tỉnh lộ 10B/Quốc lộ 1 với tổng mức đầu tư hơn 704,5 tỷ đồng, thời gian hoàn thành đưa vào sử dụng 30-8-2013.

Đầu tư bổ sung lần 2 công trình cầu vượt tại nút giao Hương lộ 2/Tây Lân/Quốc lộ 1 với tổng mức đầu tư hơn 407 tỷ đồng, đã được đưa vào sử dụng từ ngày 31-12-2014. Đầu tư bổ sung lần 3 công trình cầu vượt tại nút giao Lê Trọng Tấn/Nguyễn Thị Tú/Quốc lộ 1 với tổng mức đầu tư hơn 511,5 tỷ đồng và đã đưa vào sử dụng từ ngày 17-5-2017.

Tổng mức đã đầu tư đến nay là hơn 2.450 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn đầu tư các hạng mục bổ sung nêu trên theo hợp đồng dự kiến kéo dài từ ngày 1-2-2017 đến 31-1-2033.

Chủ đầu tư buộc phải xả trạm để giao thông qua khu vực này ổn định trở lại

Ông Nguyễn Hồng Ninh – Giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng IDICO (chủ đầu tư dự án) cho biết sau khi được giải thích rõ, tình trạng tụ tập phản đối ở trạm BOT An Sương – An Lạc đã lắng xuống một thời gian. Tuy nhiên từ ngày 4-1 đến nay, một số người lại tiếp tục kéo đến kích động tài xế gây rối.

Từ 10 giờ 9 phút ngày 7-1-2019, các tài xế này sử dụng chiêu trả tiền lẻ, cố tình cho xe dừng đỗ trên làn thu phí. Đỉnh điểm của sự việc là vào khoảng 12 giờ 40, đồng loạt 5 xe ô tô mang biển số TP.HCM và Tiền Giang dừng xe tại 5/6 làn thu phí khiến giao thông ùn tắc nghiêm trọng.

Giao thông trên quốc lộ 1 bị ách tắc tới 6 km

“Dù lực lượng công an có mặt yêu cầu tài xế di chuyển và chúng tôi phải xả trạm nhưng họ vẫn không chịu đi. Đến khoảng 14 giờ 40 phút, tình trạng ùn tắc kéo dài khoảng 6 km từ trạm thu phí đến gần nút giao An Lạc, các xe mới di chuyển ra khỏi trạm. Lúc này giao thông mới thông trở lại”, ông Ninh thông tin.

Theo ông Nguyễn Hồng Ninh, việc phản đối của nhóm tài xế này mang động cơ kích động gây rối vì công ty đã giải thích và cung cấp văn bản pháp lý liên quan nhưng các chủ phương tiện vẫn cố tình không chấp hành và dừng xe tại làn thu phí nhằm gây ách tắc giao thông.

“Chúng tôi vừa có công văn khẩn kiến nghị Công an TP.HCM, Sở Giao thông vận tải và các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nghiêm các hành vi kích động gây rối để đảm bảo việc di chuyển và cung cấp hàng hóa phục vụ Tết của người dân”, ông Ninh nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang