(CAO) Trả lời về việc xử lý vấn đề BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ đã họp và tiếp tục giao Tổng cục Đường bộ hoàn tất các phương án, để chọn một trong hai phương án đó là giữ nguyên trạm phí và giảm mức phí; xây thêm một trạm trên tuyến tránh Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) và thực hiện thu phí cả hai trạm ở tuyến tránh và tuyến chính.
“Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung tiếp thu phương án xây dựng thêm trạm thu phí tại tuyến tránh và thu phí riêng trên hai tuyến đường để hoàn vốn đầu tư ban đầu,” ông Đông nhấn mạnh.
Tại buổi họp báo quý 3 của Bộ Giao thông Vận tải vào chiều 28/9, theo Thứ trưởng Đông, Bộ Giao thông Vận tải từng đề xuất 5 phương án xử lý trạm thu phí BOT Cai Lậy, sau đó gom lại thành 3 phương án. Sau khi Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Chính phủ về các phương án xử lý vấn đề BOT Cai Lậy, Thường trực Chính phủ đã họp và có chỉ đạo.
Bộ Giao thông Vận tải sau đó cũng đã làm việc nhiều lần với các cơ quan của Tiền Giang và các Bộ ngành, trong đó có Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để lấy ý kiến về phương án xử lý.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy từng nhiều lần bị tài xế phản đối
“Nhà nước chắc chắn không có kinh phí để mua lại dự án. Theo chỉ đạo của Chính phủ, mới đây Bộ xem xét tới hai phương án, một là giữ nguyên trạm BOT hiện tại trên Quốc lộ 1 để thu phí cả tuyến chính và tuyến tránh; hai là xây thêm trạm trên tuyến tránh để thu phí riêng từng tuyến. Phương tiện lưu thông tuyến nào thu tuyến đó và hoàn vốn của tuyến đó. Mức phí cả hai bằng nhau,” Thứ trưởng Đông cho hay.
Trước đó, vào đầu tháng chín vừa qua, UBND tỉnh Tiền Giang cũng có có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề xuất 2 phương án xử lý dự án BOT Cai Lậy.
Cụ thể, Phương án 1, giữ nguyên vị trí trạm BOT hiện hữu, giảm phí tối đa phương tiện nhóm 1 từ 35.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt, mở rộng phạm vi giảm phí với người dân khu vực lân cận 10km.
Phương án 2, xây thêm một trạm trên tuyến tránh và thu cả hai trạm ở tuyến tránh và tuyến chính. Phương tiện lưu thông tuyến nào thu tuyến đó và hoàn vốn của tuyến đó. Mức phí cả hai bằng nhau và như mức phí hiện hữu, mở rộng phạm vi giảm phí với người dân khu vực lân cận 10km.
Tỉnh Tiền Giang nghiêng về lựa chọn theo phương án 2 và cho rằng việc thực hiện thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nếu áp dụng, Bộ Giao thông Vận tải phải xác định và cam kết thời gian chính xác hoàn thành trạm thu phí tuyến tránh để thông báo rộng rãi dư luận biết.