(CATP) Cứ vào dịp cuối năm, nhu cầu giao lưu hàng hóa phục vụ sản xuất, kinh doanh, du lịch, lễ hội sẽ tăng cao dẫn đến nguy cơ ùn tắc giao thông (GT) tại các khu vực cửa ngõ ra vào thành phố (TP), các khu vực đưa đón hành khách công cộng như: sân bay Tân Sơn Nhất, nhà ga, bến xe, khu vực giao nhận hàng hóa.
"Ma trận" kẹt xe
Theo quan sát của chúng tôi, hiện nay, tại các nút GT như: ngã tư Hàng Xanh, An Phú và những tuyến đường ra vào cảng biển Cát Lái (TP.Thủ Đức), ngã sáu Công trường dân chủ (Võ Thị Sáu - Cách Mạng Tháng Tám), đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình), Trường Trinh (Q.Tân Phú), cầu vượt Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp)... luôn trong tình trạng ùn ứ, kẹt xe vào giờ cao điểm. Mặc dù lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) luôn túc trực để điều phối, phân luồng GT nhưng do lượng phương tiện quá lớn đổ về cùng thời điểm nên tình trạng ùn tắc vẫn không thuyên giảm.
Tại cửa ngõ Tây Bắc TPHCM, nối Q12 với Q.Gò Vấp cũng trong tình trạng tương tự khi hàng nghìn người chôn chân, phải nhích từng chút một vào ngày cuối tuần hoặc giờ cao điểm sáng - chiều. Kẹt xe thường xuyên là tuyến đường Quang Trung - trục đường huyết mạch nối Q12 với Q.Gò Vấp.
Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM, toàn TP còn 69 vị trí rào chắn (lô cốt) trên 28 tuyến đường, tập trung ở khu vực cửa ngõ sẽ gây cản trở, nguy cơ ùn tắc cao dịp Tết dương lịch 2024. Thông tin trên được ông Nguyễn Kiên Giang, Phó trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng GT đường bộ, Sở GTVT TPHCM cho biết tại buổi họp báo kinh tế - xã hội định kỳ của UBND TPHCM chiều 21/12.
Trong đó, không ít "lô cốt" án ngữ thời gian dài gây ùn tắc GT, khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân khó khăn. Cụ thể, "lô cốt" các công trình mọc lên trên nhiều tuyến đường ở TPHCM như: Nguyễn Duy Trinh, Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Lương Định Của (TP.Thủ Đức), Nguyễn Văn Linh (Q7), Quốc lộ 50 (H.Bình Chánh), Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (Q.Tân Bình)...
Người dân TPHCM ám ảnh với nạn kẹt xe giờ cao điểm
Để giải quyết các vấn đề có liên quan, giảm ùn tắc GT ở các đoạn có rào chắn, "lô cốt" công trình, Sở GTVT TPHCM sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan phân làn đường dựa theo thực tế. Thanh tra Sở và các nhóm phản ứng nhanh phải bảo đảm trật tự an toàn GT tại các khu vực trọng điểm. Đồng thời, biện pháp căn cơ chính là đẩy nhanh tiến độ xây dựng của các công trình GT trọng điểm như: nút giao An Phú, hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ.
Để khắc phục tình trạng này, Sở GTVT TPHCM sẽ có thông báo tạm ngưng đào đường trong 2 ngày 31/12/2023 và 01/01/2024 để phục vụ Tết dương lịch; tạm ngưng đào đường từ 18 tháng Chạp (28/01/2024) đến hết mùng 8 tháng Giêng (17/02/2024) để phục vụ Tết Nguyên đán.
Thực hiện nhiều phương án
Nhằm hạn chế nguy cơ ùn tắc GT dịp lễ hội, sự kiện cuối năm 2023 và dịp Tết năm 2024, TPHCM sẽ tăng cường thực hiện các biện pháp điều động, giám sát, xử lý các "điểm đen" về ùn tắc và tai nạn GT trên địa bàn... Đặc biệt là tại các cửa ngõ TP và khu vực Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, TPHCM sẽ thực hiện các biện pháp điều động, tăng cường phương tiện công cộng phục vụ người dân.
Trong đó, tập trung điều chỉnh biểu đồ xe buýt đến các khu vực như: bến xe, nhà ga, sân bay...; chuẩn bị phương tiện để đáp ứng kịp thời khi nhu cầu vận tải tăng cao trong dịp cuối năm trên địa bàn TP; phối hợp với Tổng công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn, Sở GTVT các tỉnh, TP khu vực phía Nam cùng các bến xe trên địa bàn chuẩn bị phương án nhằm điều động, tăng cường phương tiện công cộng, không để thiếu xe phục vụ nhân dân, đặc biệt trong thời gian cao điểm Tết Nguyên đán năm 2024.
Bên cạnh đó, Sở GTVT TPHCM lên kế hoạch phối hợp với lực lượng CSGT, CA các quận, huyện để tổ chức phân luồng GT hợp lý, không để xảy ra ùn tắc kéo dài, đặc biệt là trên các tuyến đường cửa ngõ TP, khu vực tổ chức lễ hội xuân, tuyến đường kết nối với các đầu mối GT trọng điểm; hướng dẫn lộ trình lưu thông cho người dân đi và về TP vào dịp lễ Tết Nguyên đán.
TP cũng sẽ tổ chức phân luồng GT hợp lý, không để xảy ra ùn tắc kéo dài, đặc biệt là trên các tuyến đường cửa ngõ của TP, khu vực tổ chức các lễ hội mừng xuân đón Tết, các tuyến đường kết nối với các đầu mối GT trọng điểm. Cùng với đó, hướng dẫn các lộ trình lưu thông cho người dân đi và về TP vào dịp Tết Nguyên đán. TP cũng sẽ tăng cường tuần tra, phát hiện và sửa chữa kịp thời các bất cập hạ tầng GT đường bộ, đặc biệt là trên các tuyến đường khu vực trung tâm, quốc lộ, đường trục chính, cửa ngõ ra vào TP... Đồng thời, TPHCM sẽ tiếp tục thông tin trên các nhóm phản ứng nhanh của các đơn vị liên quan để kịp thời triển khai lực lượng xử lý kịp thời các bất cập, sự cố, tai nạn trên địa bàn; tiếp tục triển khai kế hoạch xử lý các "điểm nóng" về tai nạn GT, các điểm nguy cơ ùn tắc GT; tổ chức rà soát, chuẩn bị một số vật tư nhằm dự phòng cho các tình huống cấp bách có thể xảy ra, bảo đảm hoạt động GTVT của TP được thông suốt, an toàn.
Ngoài ra, Sở GTVT TPHCM cũng chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ, thanh tra Sở tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm quy định về thi công trên đường bộ đang khai thác; đặc biệt là việc chậm khắc phục các bất cập, hư hỏng mặt đường, chậm tái lập mặt đường, không tuân thủ đúng phương án tổ chức phân luồng GT phục vụ thi công đã được thông qua.
Nhằm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết năm 2024, Sở GTVT TPHCM cho biết đã điều chỉnh biểu đồ xe buýt đến các khu vực như bến xe, nhà ga, sân bay... Riêng Bến xe Miền Đông mới, Sở GTVT tổ chức nhiều tuyến xe buýt kết nối với 1.300 lượt/ngày, tần suất hoạt động 6-15 phút/chuyến, tăng thời gian hoạt động trên các tuyến từ 4 giờ 30-21 giờ hằng ngày.