Chủ phương tiện có thể bị phạt từ 28 - 64 triệu đồng nếu xe quá tải

Thứ Tư, 28/06/2017 12:12  | Hoàng Sơn

|

(CAO) Sáng 28-6, Đội CSGT Rạch Chiếc - Phòng CSGT ĐB-ĐS (Công an TP.HCM) đã ra quân triển khai công tác xử lý các phương tiện có hành vi vận chuyển hàng hoá vi phạm quy định về chở hàng vượt quá trọng tải của Giấy chứng nhận đăng kiểm.

Trong buổi ra quân, nhiều phương tiện đã bị lực lượng chức năng yêu cầu đến Trạm cân số 2 (P.Linh Đông, Q.Thủ Đức) để cân tải trọng.

Đội CSGT Rạch Chiếc ra quân xử lý các phương tiện có hành vi vận chuyển hàng hoá vi phạm quy định về chở hàng vượt quá trọng tải của Giấy chứng nhận đăng kiểm

"Tụi tui đâu muốn chở quá tải, xe chở quá tải chạy ì ạch, dễ chết máy rất nguy hiểm. Chưa kể mức phạt mới cao quá trời, đâu ai muốn làm liều nhưng đi làm công ăn lương, chủ xe yêu cầu chở thì phải chở chớ sao dám cãi", một tài xế cho hay.

Theo Phó đội Trưởng đội CSGT Rạch Chiếc - Trung tá Phan Minh Phước, quá trình xử lý còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều tài xế khi thấy bóng dáng tổ công tác là cho phương tiện dừng đậu gây ùn ứ kéo dài; tổ công tác buộc phải ngừng xử lý vi phạm để điều tiết giao thông.

"Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng đơn vị vẫn tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm xe tải trọng quá tải khi qua lưu thông qua địa bàn đơn vị đảm trách, nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông", Trung tá Phan Minh Phước nhấn mạnh.

Đa phần các trường hợp xe quá tải chở hàng lẻ bên ngoài

Ngoài ra, để chủ động trong công tác xử lý vi phạm quá tải, các đơn vị CSGT được trang bị công cụ phương tiện chuyên dụng - cân cầm tay. Nhưng khi sử dụng, người vi phạm lại chất vấn lực lượng thi hành nhiệm vụ về 'kiểm định cân', 'tem phiếu kiểm định' và yêu cầu được kiểm tra.

"Các công cụ hỗ trợ cho lực lượng công an đều có phiếu kiểm định rõ ràng. Người dân được quyền kiểm tra và chúng tôi sẵn sàng giải trình tất cả thắc mắc tại đơn vị", Trung tá Phước cho biết thêm.

Tổ công tác sau khi tạm dừng phương tiện sẽ yêu cầu vào trạm cân kiểm tra
"Một chiếc xe quá tải tham gia giao thông rất nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn. Bánh xe, thùng, sắt xi, đai ốc tại các đầu nhíp, khung xe sẽ bị biến dạng giảm sức bền; độ ma sát với mặt đường lớn nên tài xế phải dùng nhiều lực hơn để đánh lái. Hệ thống phanh không hoạt động hiệu quả và xe phải trượt một đoạn mới dừng hẳn”, Thạc sĩ Phan Văn Đáo – Nguyên Trưởng khoa Cơ khí – Động lực, Đại học Sư phạm Kỹ Thuật TP. HCM nhận định.

Liên quan đến cân cầm tay, một cán bộ Cảnh sát Giao thông chia sẻ, các tài xế khi bị kiểm tra, họ yêu cầu đến doanh nghiệp gần nhất để cân đối chiếu. Khi cân của doanh nghiệp có số ký cao hơn thì họ không đồng ý, cho rằng 'cân gian' và yêu cầu lấy số liệu cân của tổ công tác. Di chuyển nhiều nơi nên việc xử lý vi phạm mất rất nhiều thời gian.

"Các doanh nghiệp hiện nay chấp hành luật giao thông rất tốt, họ đưa tự đưa xe đến trạm cân hoặc yêu cầu tài xế cân xe trước khi lưu thông, tránh bị xử phạt ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Đa phần trường hợp xe qua tải hiện nay là do chạy lẻ bên ngoài", vị cảnh sát giao thông cho hay.

Nhiều phương tiện bị tổ công tác yêu cầu vào trạm kiểm tra

Bên cạnh công tác tăng cường xử lý của Cảnh sát Giao thông, Nghị định 46/2016/NĐ-CP thay thế Nghị định 171/2013/NĐ-CP cũng đã nâng mức xử phạt đối với tài xế và chủ xe về các hành vi vận chuyển hàng hoá vi phạm quy định về chở hàng vượt quá trọng tải theo giấy Chứng nhận kiểm định.

Mức phạt cao nhất đối với xe quá tải trên 150%, lái xe sẽ bị tước GPLX 3-5 tháng và phạt tiền từ 8-12 triệu đồng (Điều 24). Chủ phương tiện sẽ bị phạt 28-32 triệu đối với cá nhân và tổ chức là 56-64 triệu đồng (Điều 30).

Bình luận (0)

Lên đầu trang