(CATP) Chuẩn thiết kế cao tốc là mỗi bên 3 làn và 1 làn dừng khẩn cấp, tổng cộng 2 bên là 8 làn xe. Nhưng ở nước ta có nhiều tuyến cao tốc quan trọng hiện đang "nghẹt thở" trong 4 làn, thậm chí có tuyến chỉ 2 làn xe. Đường nhỏ, ít làn, tốc độ giới hạn thấp, không có trạm dừng chân, các thiết kế hạ tầng chưa đảm bảo an toàn giao thông, tiềm ẩn những tai nạn khó lường...
Cao tốc hay "thấp tốc"?
Theo số liệu của Bộ GTVT, tổng số đường cao tốc khởi công từ đầu năm 2023 đến nay là 1.332 km; hiện cả nước đang triển khai thi công 1.693km đường bộ cao tốc và dự kiến đến cuối năm nay, cả nước sẽ có 1.852km cao tốc. Đây là điểm sáng, rất sáng trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, nối kết các vùng kinh tế trên cả nước, để phát triển kinh tế. Nhưng với tốc độ xây dựng các tuyến cao tốc khá nhanh, đang bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt về chất lượng và an toàn giao thông (ATGT).
Lấy tuyến cao tốc Bắc - Nam làm ví dụ. Một số đoạn tuyến cao tốc đã hoàn thành đầu tư xây dựng theo phương án phân kỳ và đưa vào khai thác như đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - QL45... đều chỉ có 4 làn xe và tốc độ tối đa chỉ 80km/giờ, khiến nhiều tài xế ngạc nhiên, thắc mắc vì sao với tốc độ đó mà vẫn được gọi là "cao tốc"?
Ngay cả cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vận tốc thiết kế 80 km/giờ với 4 làn xe, chưa có làn dừng khẩn cấp (có một số điểm dừng khẩn cấp), rất mất an toàn giao thông. Chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi thông xe, tuyến cao tốc này đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) và bắt đầu quá tải. Trong năm 2021, tuyến cao tốc huyết mạch này đã xảy ra 144 vụ TNGT, làm chết 6 người, bị thương 32 người. Lo ngại tuyến cao tốc này sẽ sớm trở thành nút cổ chai, UBND tỉnh Tiền Giang ngay sau đó đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ đầu tư giai đoạn 2 dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo đúng quy hoạch 6 làn xe cao tốc và 2 làn khẩn cấp trước năm 2030.
Tương tự, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây là tuyến huyết mạch kết nối giao thông, kinh tế giữa TPHCM với vùng Ðông Nam bộ, Tây Nguyên nhưng cũng chỉ có 4 làn xe và cũng nhanh chóng chịu tình trạng quá tải. UBND tỉnh Đồng Nai đánh giá cao tốc này là trục giao thông chính kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dù xây dựng theo quy hoạch là 8 làn xe cũng sẽ không đáp ứng yêu cầu thực tế trong tương lai gần. UBND tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét đầu tư, mở rộng tuyến cao tốc này lên 10 - 12 làn xe, tức gấp 3 lần hiện tại.
Những vật dụng để bên đường báo hiệu "nhà vệ sinh 0 đồng" trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết
Tệ nhất vẫn là tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai (262km), vận tốc tối đa 100km/giờ, vận tốc tối thiểu là 60km/giờ, đi qua các tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, được đưa vào sử dụng hơn 8 năm qua, chỉ có 2 làn xe. Đoạn tuyến Yên Bái lên Lào Cai dài hơn 124km nhưng lại không có dải phân cách cứng, khá chật hẹp, trong khi lưu lượng tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, thậm chí nhiều TNGT nghiêm trọng đã xảy ra. Tuyến này vẫn tồn tại 16 "điểm nóng" người dân tụ tập đón xe và hàng trăm điểm mở hàng rào trái phép, gia súc, vật nuôi thường ung dung qua lại cao tốc!
Những bất cập "dở khóc dở cười"!
Những tuyến cao tốc đã xây dựng và đưa vào khai thác từ lâu với những bất cập có thể dễ hiểu như tầm nhìn không xa, không thấy được tương lai gần sẽ bị quá tải; thiếu kinh phí đầu tư nên thường chỉ 2 - 4 làn đường... Nhưng những tuyến cao tốc mới vẫn chưa thể rút kinh nghiệm, lại giẫm chân vào những sai lầm trước đó, thậm chí còn tệ hơn nữa.
Tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (55km) đi qua địa phận TP.Cần Thơ và Kiên Giang...) mới đây cũng xôn xao vì hàng trăm con vịt đi lạc vào cao tốc, khiến các phương tiện trên cao tốc này buộc phải dừng lại. Mới đưa vào vận hành vài năm nay nhưng tuyến cao tốc này vẫn tồn tại nhiều bất cập. Một số khu vực rào chắn thép bị hư hỏng, bị người dân xung quanh tháo dỡ để canh tác khiến cho tình trạng vật nuôi của người dân hai bên đường có thể đi lạc vào cao tốc. Tuyến cao tốc này được thiết kế 4 làn xe, vận tốc tối đa 80km/giờ nhưng các phương tiện đều di chuyển với tốc độ thấp hơn nhiều bởi vướng các "ổ gà, ổ voi" do mưa, sụt lún nền đất do chất lượng công trình kém.
Tuyến Phan Thiết - Dầu Giây được thiết kế 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp với tốc độ tối đa 120km/giờ, tổng vốn đầu tư hơn 12.570 tỉ đồng từ nguồn ngân sách, vừa mới được đưa vào sử dụng, đã có dấu hiệu quá tải khi có khoảng 15.000 lượt xe qua lại, riêng ngày cuối tuần hơn 20.000 lượt.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đoạn đi qua địa phận tỉnh Bình Thuận bị ngập nước do mưa lớn. (Nguồn: otofun)
Tuyến cao tốc này chỉ mới đưa vào sử dụng khoảng ba tháng qua đã xảy ra tình trạng ngập cục bộ do cống thoát nước không kịp, làm ôtô chết máy, trôi dạt xuống lề, ùn tắc như đã xảy ra sáng 27/7. Đoạn bị ngập tại km27 thuộc huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Nước tràn qua ngập cả 2 bên dải phân cách cao tốc. Đặc biệt trên tuyến này còn có nhiều đoạn bị mất sóng điện thoại, rất bất tiện cho tài xế lẫn hành khách. Tình trạng này cũng xảy ra trên tuyến cao tốc La Sơn (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) - Túy Loan (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng).
Tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết (101km), có vốn đầu tư khoảng 11.000 tỉ đồng) lại không có trạm dừng chân, khiến nhiều người không thể đi vệ sinh khi cần thiết, buộc tài xế phải tấp vào lề đường khẩn cấp để "giải quyết nỗi buồn", với nhiều cảnh "dở khóc dở cười"! Dọc theo tuyến cao tốc này là hình ảnh lạ lùng của những bảng hiệu "nhà vệ sinh 0 đồng" do người dân tự dựng tạm bợ để giúp hành khách giải quyết "nỗi buồn".
Hơn 200km liền mạch trên 2 đoạn cao tốc mới từ Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây rất phi lý khi hoàn toàn không có trạm dừng nghỉ nào. Do vậy, tài xế và hành khách buộc phải đi vệ sinh giữa đường, gây mất vệ sinh và mỹ quan. Dễ dàng nhận thấy từ đầu đường nhánh dẫn từ quốc lộ 1 vào cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đầy rẫy rác thải do tài xế, hành khách dừng lại vệ sinh trước khi lên tuyến chính. Ở những dải dừng khẩn cấp cũng có tình trạng tương tự.
Việc di chuyển trên tuyến chính dài 200km mà không có trạm dừng nghỉ là rất nguy hiểm cho lái xe. Đặc biệt 100km đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết chỉ có 2 làn chạy nên có sự cố là rất nguy hiểm. Do cả 200km cao tốc không có trạm dừng nghỉ, nên đến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây thì tài xế mới tấp vào nghỉ ngơi, đổ xăng dầu, gây cảnh quá tải ở các nhà vệ sinh tại đây!
Mới đây, Bộ GT-VT đã yêu cầu Cục Đường bộ và các đơn vị vận hành kịp thời phát hiện những bất cập, tồn tại phát sinh trong quá trình khai thác tạm các tuyến cao tốc, trong tháng 5 phải ban hành quy định quản lý, bảo trì. Tuy nhiên đến nay nhiều bất cập trên các tuyến cao tốc vẫn chưa có chuyển biến.