(CATP) Tỉnh Bình Phước có nhiều "điểm đen tử thần" trên các cung đường huyết mạch. Nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng đã xảy ra tại đây bao năm qua gây nỗi kinh hoàng cho người đi đường và các tài xế (TX).
Nỗi ám ảnh ở dốc cầu 38
"Muốn đến Bù Đăng phải băng qua được dốc cầu 38", câu nói cửa miệng của người dân huyện Bù Đăng lâu nay đã trở thành minh chứng cho sự nguy hiểm của đoạn dốc này. Khúc cua "tử thần" trên nằm ở Quốc lộ (QL) 14, cuối 1 con dốc cao, ngoằn ngoèo thuộc xã Đức Liễu. Ở chân dốc chính là khúc cua "cùi chỏ” nối vào cầu 38 - chiếc cầu dài bắc qua thượng nguồn sông Bé. Do là tuyến đường huyết mạch nối Đông Nam Bộ với Tây nguyên nên lưu lượng xe khách, ôtô tải, xe đầu kéo trên tuyến này rất dày. Dẫu vậy, đoạn trên lại tương đối hẹp, chỉ thiết kế mỗi bên 1 làn xe và không có con lươn ngăn cách. Đoạn dẫn tới cầu 38 nhiều dốc (có chỗ cao 45%), khúc cua và tầm nhìn bị hạn chế bởi đồi núi, cây cối 2 bên, vì thế đây luôn là cung đường mà các TX ngán ngẩm.
Đi ngày đã khó, về đêm đoạn này không có đèn đường nên trở thành "cửa ải" thách thức cánh TX, khi TNGT xảy ra thường xuyên tại đây; có lúc chỉ trong vòng 1 tháng, 4 vụ tai nạn thảm khốc đã xảy ra: từ 30/4 đến 02/5/2019, xe đầu kéo container lật khi vào khúc cua, đè chết 2 người; ôtô tải và xe khách đối đầu khiến TX tử vong, 3 nữ sinh đi xe máy (XM) tông nhau làm 1 người tử nạn.
Một vụ tai nạn giao thông tại dốc cầu 38
Bà Đỗ Thị Kim (nhà ở ngay đầu cầu 38) chia sẻ: "Điểm đen này có từ 20 năm trước, mỗi năm xảy ra vài chục vụ TNGT tại đây. Vì thế, vợ chồng tôi tự lập trạm sơ cứu để giúp người bị nạn, nhất là vào ban đêm. Tôi vẫn còn nhớ mùng 3 Tết năm 2008, ngay tại cầu 38 này, vợ chồng tôi đã sơ cứu nạn nhân của 27 vụ TNGT xảy ra tại đây".
Cần nâng cao ý thức giao thông
Ngoài cầu 38, trên QL14 còn "khúc cua tử thần" cầu Nha Bích (xã Minh Lập, Chơn Thành). Đây cũng là "điểm nóng" TNGT của tỉnh Bình Phước. Ngày 01/2/2023, xe tải 47H-00098 đã va chạm với 1 XM ngay giữa cầu làm 2 nạn nhân trên XM tử vong tại chỗ. Anh Văn Công (ngụ thị trấn Chơn Thành) cho biết: "Tôi từng chứng kiến 2 vụ lật xe container và ôtô tải ngay khi vào cua tại dốc cầu này, do cua gấp cộng với độ dốc lớn nên nhiều TX "ẩu" tí là "lọt lề" ngay. Giờ do đã làm gờ giảm tốc và có đèn tín hiệu cảnh báo nên đỡ hơn nhiều".
Theo quan sát của chúng tôi, đoạn cua nguy hiểm cách cầu Nha Bích khoảng 200m cũng gấp cùi chỏ gắt, nhưng nguy hiểm hơn là trước khi vào cua lại là đường thẳng kéo dài nhiều cây số. Do 2 bên đường vắng nhà dân nên TX thường chủ quan, cho xe chạy tốc độ cao, khi phát hiện có cua gấp thì khó kiểm soát được và... bay vào lề! Trong khi đó, mặt cầu khá hẹp, khi xe chạy nhanh qua dễ va quẹt, gây tai nạn.
Các điểm cua gấp trên tuyến ĐT 741 (Đồng Xoài - Phước Long) cũng nguy hiểm không kém; trong đó nổi lên 2 "điểm đen" Cầu Rạt (huyện Phú Riềng) và dốc Thuận Lợi (xã Thuận Lợi, Đồng Phú). Tại dốc cua Thuận Lợi, dù đường khá rộng nhưng do điểm cua quá gắt, độ dốc cao nên nhiều xe chở nặng thường xuyên mất lái gây TNGT nghiêm trọng...
Trao đổi với PV, Thượng tá Lê Đức Trình, Phó phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Bình Phước, cho biết: "Hầu hết các điểm đen đều nằm ở những khúc cua dốc, đường hẹp, tầm nhìn hạn chế, chỉ cần sơ sẩy sẽ dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Cơ quan chức năng đã gắn gờ giảm tốc, biển cảnh báo tốc độ, đèn chiếu sáng..., nhưng chỉ giúp giảm nguy cơ tai nạn, quan trọng vẫn là ý thức của các TX".
Theo kỹ sư cầu đường Nguyễn Xuân Đạt, phương án tối ưu giúp giảm nguy cơ tai nạn tại các "điểm đen" này là nắn tuyến, mở rộng đường, hạ độ dốc tại những khu vực trên, tuy nhiên do kinh phí nhiều nên rất khó thực hiện ở thời điểm hiện tại. Phương án tối ưu nhất vẫn là TX, người đi đường cần tuân thủ nghiêm Luật giao thông khi qua đây.