TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành 183km đường sắt Metro

Thứ Hai, 01/07/2024 10:36

|

(CAO) Đến năm 2035, TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành 6 tuyến đường sắt Metro với tổng vốn đầu tư lên lên gần 35 tỷ USD để từng bước hoàn thiện trục “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của TP.

UBND TPHCM vừa gửi HĐND TPHCM tờ trình đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TPHCM theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị. Theo đó, mục tiêu của đề án nhằm phát triển đường sắt đô thị hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội của TPHCM.

Đồng thời, hình thành phương thức vận tải văn minh, hiện đại, góp phần tái cấu trúc hệ thống giao thông công cộng của TP, xây dựng văn hóa giao thông, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Hướng tới đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới khu vực và quốc tế vào năm 2045; phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2030 đảm nhận từ 15-20%, đến năm 2035 đạt 40-50% và sau năm 2035 đạt 50-60%.

metro-2_1862_1117_881.gif" style="width:100%;border: solid 1px #ffffff" title="" />
TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2035 hoàn thành 183km đường sắt Metro

Để đạt được mục tiêu trên, TP.HCM dự kiến từ nay đến năm 2035 sẽ hoàn thành 6 tuyến Metro với tổng chiều dài 183 km. Cụ thể, đến năm 2030 hoàn thành khoảng 31km đường sắt đô thị, bao gồm: tuyến đường sắt đô thị số 1 (đoạn Bến Thành - Suối Tiên), tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Bốn Thành - Tham Lương), 24 nhà ga và 2 depot.

Đến năm 2035, sẽ hoàn thành khoảng 183km đường sắt Metro. Cụ thể, hoàn thành tuyến đường sắt đô thị số 1: 40,8km/40,8km; Tuyến đường sắt đô thị số 2: 20,22km/62,8km; Tuyến đường sắt đô thị số 3: 29,53km/62,17km; Tuyến đường sắt đô thị số 4: 36,82km/43,4km; Tuyến đường sắt đô thị số 5: 32,5km/53,87km và Tuyến đường sắt đô thị số 6: 22,85km/53,8km.

Theo tính toán của UBND TP.HCM, tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng và vận hành khai thác sơ bộ chưa bao gồm lãi vay trong quá trình xây dựng giai đoạn từ nay đến năm 2035 khoảng 837.249 tỷ đồng, tương đương 34,92 tỷ USD. Số tiền này không bao gồm vốn đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 1. Trong đó giai đoạn từ nay đến 2025 cần khoảng 7.188 tỷ đồng (0,3 tỷ USD); giai đoạn năm 2026-2030 cần khoảng 478.065 tỷ đồng (19,94 tỷ USD) và giai đoạn năm 2031-2035: khoảng 351.996 tỷ đồng (14,68 tỷ USD).

Ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng đường sắt đô thị là trục “xương sống” của hệ thống hạ tầng giao thông vận tải của TP. Phát triển hệ thống đường sắt đô thị là tất yếu khách quan, là động lực quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững của TP trong thời gian tới. Phát triển đường sắt đô thị gắn kết với phát triên đô thị, bảo vệ môi trường, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa tạo động lực phát triển liên kết vùng TP.HCM.

Bình luận (0)

Lên đầu trang