(CAO) Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an vừa ban hành văn bản đề nghị Công an các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, đồng thời rà soát, đánh giá những tồn tại bất cập trong hoạt động vận tải hành khách trên đường thủy nội địa.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công an về triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 26/2/2022 tại vùng biển Cửa Đại, Hội An, Quảng Nam, Cục Cảnh sát giao thông đã có điện chỉ đạo Công an các tỉnh, thành phố tập trung phối hợp với các lực lượng chức năng khẩn trương rà soát, kiểm tra, thống kê, đánh giá thực trạng tất cả hoạt động vận tải hành khách liên quan đến phương tiện thủy nội địa gồm: Hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định, ngang sông, dọc sông, du lịch, lễ hội, lưu trú nghỉ đêm…
Thời gian qua, Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an TPHCM đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền luật giao thông đường thủy nội địa, những nội dung của Nghị định 139/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, trong đó có nhiều điểm mới, tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm và phòng, chống đuối nước ở trẻ em.
CSGT đường thủy phổ biến pháp luật cho người dân khi đi phà
Đại úy Huê Duy Nguyên, Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an TPHCM cho biết: "Mức phạt được điều chỉnh theo hướng tăng từ gấp 3 lần cho đến 30 lần tùy theo hành vi vi phạm. Bên cạnh việc xử phạt hành chính bằng tiền còn có một số biện pháp xử lý kèm theo ví dụ như tạm giữ giấy chứng nhận khả năng chuyên môn Thuyền trưởng thời gian từ 3 tháng đến 6 tháng. Một trong những điểm mới trong Nghị định 139 là việc xác định lỗi dựa trên công suất máy của phương tiện...
Tuyên truyền các điểm mới trong Nghị định 139
Lực lượng Cảnh sát đường thủy tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường thủy. Trong đó tập trung kiểm tra ngay tại các đầu bến, các địa bàn phức tạp về hoạt động vận tải hành khách, kiên quyết đình chỉ hoạt động và không cho xuất bến đối với các phương tiện không đảm bảo điều kiện an toàn như chở quá số người quy định, thiếu thiết bị an toàn, cứu sinh, cứu đắm, không có danh sách hành khách theo quy định… hoặc khi điều kiện thời tiết không bảo đảm".
Đại úy Huê Duy Nguyên cho biết thêm: Lực lượng cảnh sát đường thủy tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm khi hoạt động trên tuyến thủy nội địa, đặc biệt là các lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, như là sử dụng phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; người điều khiển phương tiện và làm việc trên phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn…
Công tác tuyên truyền của lực lượng Cảnh sát giao thông nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; xây dựng văn hóa tham gia giao thông an toàn, xây dựng văn hóa ứng xử đúng pháp luật, xóa bỏ thói quen tùy tiện vi phạm quy tắc giao thông, hình thành ý thức tự giác tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông, góp phần phòng ngừa, hạn chế và kéo giảm tai nạn giao thông đường thủy.
Người dân mặc áo phao khi đi qua phà
Là một người thường xuyên đi đò qua sông, đối với những quy định mới tăng mức xử phạt này, ông Trần Văn Lực, người dân thành phố Thủ Đức chia sẻ: "Trong thời gian tới, mức xử phạt nặng hơn thì người dân càng phải thận trọng hơn, khi sử dụng phương tiện thủy nội địa thì chúng tôi sẽ càng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tuân thủ quy định tốt hơn, đó là bảo vệ cho mình và cho mọi người.
Anh Lê Đình Sơn, người dân Phường 16, Quận 8 cho biết: Không phải ai đi đò cũng mang áo phao, nhiều khi được phát áo phao cũng không mặc vì ngại áo phao nhiều người sử dụng nên dính mồ hôi, ngại dơ…
Hướng dẫn Nghị định mới cho người dân khi di chuyển bằng phà
Trả lời cho vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hoàng, nhân viên phà Phú Định, Quận 8 cho biết: Chúng tôi kiên quyết, nhắc nhở mọi người lên phà phải mang khẩu trang, mặc áo phao đầy đủ, nếu không chấp hành thì chúng tôi từ chối, không cho lên phà.
Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát đường thủy cũng phối hợp với chính quyền các địa phương, trường học, tuyên truyền phòng, chống đuối nước cho trẻ em và chủ phương tiện giao thông đường thủy, đồng thời tặng áo phao cho các em học sinh.
Tặng phao cho trẻ em để đảm bảo an toàn khi đi phà
Ngoài việc cung cấp kiến thức về cách xử lý tình huống, công tác cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố bất ngờ hoặc tai nạn giao thông đường thủy, lực lượng Cảnh sát giao thông cũng yêu cầu các chủ doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải hành khách kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện sau thời gian dài không hoạt động do dịch Covid-19 trước khi đưa vào sử dụng để đảm bảo an toàn, góp phần chung tay giữ gìn trật tự an toàn giao thông thủy.