Nỗ lực từ các hãng bay
Đến thời điểm hiện nay có 6 hãng hàng không gồm: Vietnam Airlines, Bamboo Airways,Vietjet Air, Pacific Airlines, Vietravel Airlines và Vasco khai thác 56 đường bay nội địa, với tổng tần suất 2.570 chuyến/tuần/chiều (tương đương 367 chuyến/chiều/ngày). Tần suất trên giảm tương ứng 2 đường bay và giảm 217 chuyến/tuần/chiều (tương đương với 31 chuyến bay/chiều/ngày) so với lịch bay mùa đông năm 2019 khi chưa xảy ra đại dịch Covid-19.
Để chuẩn bị mở lại du lịch quốc tế trước 31-3, theo chỉ đạo của Chính phủ, Cục Hàng không Việt Nam quyết định dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các đường bay quốc tế. Toàn bộ chặng bay trở lại bình thường như trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, việc nối lại đường bay thường lệ quốc tế còn cần sự thống nhất của các nước bởi mỗi nước có yêu cầu phòng dịch khác nhau. Sau khi có phản hồi của nhà chức trách hàng không các nước về tần suất chuyến bay, Cục sẽ cấp phép bay cho hãng trong và ngoài nước đưa khách ra vào Việt Nam theo nhu cầu của hãng.
Theo ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), thực hiện chỉ đạo của Chính phủ từ 1-1-2022, Việt Nam đã khai thác trở lại các chuyến bay quốc tế chở khách thường lệ với một số quốc gia, vùng lãnh thổ theo tần suất được thống nhất với nhà chức trách hàng không hai bên. 9 đường bay quốc tế (giai đoạn 1) được khai thác từ ngày 1-1-2022 tới các thị trường trọng điểm như Tokyo, Seoul, Đài Bắc, Bangkok, Singapore, Vientiane, Phnom Penh, San Francisco/Los Angeles, Trung Quốc. Đây là các điểm đến có nhiều lao động người Việt Nam và là đối tác kinh tế thương mại quan trọng.
Ngày 25/2, Bamboo Airways khai trương chuyến bay thẳng Việt Nam - CHLB Đức. Sự kiện có sự tham dự của Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner; Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng; Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn
Từ ngày 15-2, Cục Hàng không Việt Nam đã gửi thư thông báo đến các nhà chức trách hàng không các nước và phát điện văn thông báo hàng không (NOTAM) đến các hãng hàng không về việc dỡ bỏ các hạn chế khai thác trên các đường bay quốc tế thường lệ và thuê chuyến quốc tế.
Theo đó, các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài được phép khai thác với tần suất, đường bay giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ trên cơ sở các thỏa thuận tại hiệp định hàng không song phương, đa phương đã ký kết, không hạn chế tần suất khai thác như giai đoạn xảy ra dịch Covid-19.
Cũng theo ông Ngọc, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã mở lại các đường bay quốc tế đi, đến 20 quốc gia và vùng lãnh thổ (so với lịch bay mùa đông năm 2019, thời điểm trước dịch là 28 quốc gia và vùng lãnh thổ), bao gồm: Campuchia, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Qatar, Singapore, Đài Loan, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Lào, Trung Quốc, Pháp, Đức, Anh, Úc, Nga và Mỹ. Còn 8 quốc gia, vùng lãnh thổ chưa mở lại các đường bay là Brunei, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Macau, Phần Lan, Ý, Thụy Sĩ.
Với hàng không nội địa, ông Ngọc cho biết đến nay lượng hành khách đi lại bằng máy bay đã tăng đáng kể, một số thời điểm như dịp lễ, Tết xảy ra ách tắc cục bộ tại một số sân bay. Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các hãng hàng không giải quyết kịp thời và chủ động quyết định tần suất khai thác trên các đường bay nội địa đảm bảo nguyên tắc thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Hỗ trợ mạnh mẽ cho phục hồi kinh tế
Đại diện Bamboo Airways nhận định thị trường hàng không sẽ khôi phục trong năm nay và lên kế hoạch mở rộng mạng bay lên gần 40 đường bay quốc tế. Đối với khu vực châu Á, Đông Bắc Á, hãng khai thác đường bay quốc tế thường lệ Hà Nội - Narita, Hà Nội - Đài Bắc và Hà Nội - Incheon (Hàn Quốc).
Trong khu vực Đông Nam Á, Bamboo Airways triển khai đường bay TPHCM - Singapore, Thái Lan trong tháng 3 và dự kiến phát triển nhiều đường bay tới Lào, Campuchia trong dịp hè. Với các đường bay dài đến châu Âu, Australia, Mỹ, Bamboo Airways sẽ triển khai các chặng bay kết nối Hà Nội với Frankfurt, TPHCM với Melbourne, Hà Nội - London. Hãng cũng dự kiến tổ chức các đường bay TPHCM - Frankfurt, Hà Nội/TPHCM - Berlin/Munich và đặc biệt là đường bay thẳng đến Mỹ trong giai đoạn tới.
Hiện hãng đã mở bán vé các chặng bay quốc tế thường lệ giữa Việt Nam với Anh, Đức, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore từ tháng 2 đến 26-3 với mức giá từ 211.000 đồng/chiều (chưa thuế, phí) với các đường bay Đông Nam Á; 1,2 triệu đồng/chiều với các đường bay Đông Bắc Á và 2,3 triệu đồng/chiều với các đường bay đến châu Âu, Australia.
Vietnam Airlines đã khôi phục các đường bay thường lệ đến 15 nước và vùng lãnh thổ gồm Mỹ, Australia, Nga, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Lào và Campuchia. Trong đó các chặng đến châu Âu với tần suất 1-2 chuyến khứ hồi mỗi tuần, nhiều nhất là chặng đến Hàn Quốc, Singapore, Campuchia, Mỹ với 4 - 5 chuyến hàng tuần. Hãng cũng chuẩn bị mở lại đường bay đến Malaysia.
Từ ngày 15-2, Vietnam Airlines tiếp tục khai thác các đường bay này, đồng thời tiến tới phục hồi hoàn toàn mạng bay quốc tế trên cơ sở chấp thuận của nhà chức trách tại các điểm đến và theo nhu cầu thị trường.
Hãng Vietjet Air đã khai thác trở lại các đường bay quốc tế thường lệ kết nối Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan với tần suất một chuyến khứ hồi mỗi tuần. Dự kiến, hãng tăng tần suất đến Hàn Quốc, Đài Bắc lên 5 chuyến khứ hồi, 4 chuyến khứ hồi cho các đường bay đến Nhật Bản, Singapore và 3 chuyến đến Thái Lan hàng tuần. Hãng cũng lên kế hoạch khai thác trở lại các đường bay đến những quốc gia khác trong khu vực cũng như đến Ấn Độ, Nga.
Về quy định phòng dịch đối với người nhập cảnh Việt Nam, hành khách sẽ phải đảm bảo điều kiện theo quy định của Bộ Y tế. Khi lên máy bay, khách cần có giấy chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính với nCoV có hiệu lực trong 72 giờ; giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vaccine hoặc giấy chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19.
Sau khi xuống máy bay, hành khách đã tiêm đủ liều vaccine hoặc F0 khỏi bệnh sẽ cách ly tại nhà 3 ngày; tiêm chưa đủ liều thì cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày. Hành khách chưa tiêm đủ liều hoặc chưa được chứng nhận khỏi bệnh sẽ phải có giấy xác nhận đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cách ly y tế tại nhà, hoặc xác nhận đã đặt chỗ khách sạn (tối thiểu 7 ngày). Khi hành khách làm thủ tục lên máy bay, hãng hàng không sẽ kiểm tra các giấy tờ này.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, hành khách nhập cảnh có thể sử dụng hộ chiếu vaccine (nếu có). Đây là công cụ để chứng minh hành khách đã tiêm chủng đầy đủ. Nếu không có hộ chiếu vaccine, hành khách có thể dùng bản giấy cứng như thông thường.
Trước đó đầu tháng 4-2020, trong bối cảnh dịch Covid bùng phát mạnh trên thế giới, Việt Nam dừng toàn bộ đường bay thương mại với các nước, vùng lãnh thổ trên thế giới. Một số hãng hàng không sau đó đã được khai thác lại các chuyến bay quốc tế, song chỉ chở hàng hóa vào và chở khách từ Việt Nam đi. Các chuyến bay đưa khách đến Việt Nam chỉ thực hiện theo sự cho phép của cơ quan chức năng.