(CATP) Theo thống kê của Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, 8 tháng đầu năm 2024 (từ ngày 15/12/2023 đến 14/8/2024), toàn quốc xảy ra 16.043 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 7.077 người, bị thương 12.248 người, so với 8 tháng đầu năm 2023 giảm 836 người chết (-10,56%). Riêng tại thủ đô Hà Nội, từ 15/12/2023 đến 29/9/2024, Công an (CA) thành phố này đã kiểm tra, xử lý 59.423 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (NĐC), phạt tiền 262,766 tỷ đồng, tước 21.930 giấy phép lái xe (GPLX), tạm giữ 59.423 phương tiện các loại.
Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) - Bộ CA - đánh giá: "Số vụ TNGT và số người chết được kéo giảm trong thời gian gần đây là điều đáng khích lệ, cho thấy công tác đấu tranh, xử lý vi phạm nói chung, đặc biệt là liên quan đến NĐC, đã mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần ngăn chặn hành vi vi phạm là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến TNGT. Qua đó cũng cho thấy nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của đông đảo người dân bước đầu đã có kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra... Để tiếp tục kéo giảm số người chết do TNGT, chúng tôi đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện với tinh thần tăng cường tuyên truyền đi đôi với quyết liệt xử lý đúng quy định pháp luật. "Không có vùng cấm, không có ngoại lệ", "Làm việc xuyên đêm, xuyên Tết", tập trung ngăn chặn những hành vi dẫn đến TNGT, nhất là vi phạm NĐC, chất kích thích".
Cục CSGT luôn xác định mục tiêu làm sao để kiềm chế, kéo giảm TNGT xuống thấp nhất. Một trong những nguyên nhân gây TNGT, mất trật tự an toàn giao thông (TTATGT) là tài xế vi phạm NĐC và chất kích thích. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2024 Cục CSGT tiếp tục chỉ đạo CA các địa phương tập trung xử lý với tinh thần trên, tập trung ngăn chặn những hành vi dẫn đến TNGT. Quyết tâm hình thành bằng được thói quen văn hóa "đã uống rượu, bia thì không lái xe".
Bà Nguyễn Thị Minh Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý xử lý VPHC & TDTHPL - Bộ Tư pháp, trả lời câu hỏi tại buổi họp báo
Liên quan đến nội dung này, Trung tá Phạm Đức Hoàng, Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 14 - Phòng CSGT - Công an TP. Hà Nội, cho biết: "Hiện nay, ý thức chấp hành quy định giao thông (GT) của người dân đã tốt dần lên, một số người biết sợ, không còn nhiều lái xe điều khiển ôtô sau khi uống rượu, bia; đặc biệt là công chức, viên chức, lực lượng vũ trang giảm hẳn việc uống rượu, bia trong ngày làm việc. Giảm thiểu các vụ TNGT liên quan đến NĐC, đặc biệt là các vụ TNGT liên hoàn liên quan đến NĐC giảm hẳn...".
Được biết việc quyết liệt xử lý vi phạm NĐC của lực lượng chức năng thời gian qua đã tác động tích cực đến đời sống xã hội. Việc lựa chọn đúng một trong những nguyên nhân chính gây TNGT và mất TTATGT để đưa ra biện pháp xử lý quyết liệt đã giúp giảm thiểu TNGT do tài xế lái xe sau khi sử dụng rượu bia, bảo vệ tính mạng, tài sản đồng thời giúp người dân nâng cao ý thức khi tham gia GT, hạn chế hành vi lái xe sau khi sử dụng rượu, bia. Du khách sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi đến một quốc gia có Luật GT nghiêm minh, an toàn.
Tại 1 chốt kiểm tra NĐC của Phòng CSGT - CA tỉnh Bắc Ninh qua 2 tiếng đồng hồ với hàng trăm lượt người điều khiển phương tiện được kiểm tra, nhưng không có trường hợp nào vi phạm về NĐC. Thời gian qua, lực lượng CSGT - CA tỉnh Bắc Ninh đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện thông điệp "Đã uống rượu bia, không điều khiển phương tiện" bằng nhiều hình thức: tuyên truyền trực tiếp tới người dân, dán tờ rơi thông điệp tại các hàng quán... Bên cạnh đó, lực lượng CSGT thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên tất cả các cung đường bất kể ngày đêm và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, không có vùng cấm, vì thế ý thức người tham gia GT đã tăng lên đáng kể.
Về công tác xử lý vi phạm NĐC của CSGT trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, lực lượng CSGT đã làm rất tốt, đặc biệt qua xử lý vi phạm NĐC tạo được ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, khi ý thức thay đổi thì GT sẽ thay đổi.
Bộ Tư pháp trả lời về đề xuất giữ nguyên mức phạt đối với vi phạm nồng độ cồn
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp tổ chức sáng 07/10, một trong những nội dung được báo chí quan tâm là quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm NĐC.
Theo đó, mới đây Bộ CA đã chuyển hồ sơ đến Bộ Tư pháp để thẩm định dự thảo (lần 3) Nghị định (NĐ) về xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) về TTATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ (GTĐB), trừ điểm, phục hồi điểm GPLX. Trong dự thảo này, Bộ CA đề xuất giữ nguyên mức phạt về vi phạm NĐC như NĐ100/2019/NĐ-CP.
Về nội dung trên, bà Nguyễn Thị Minh Phương, Phó cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (VPHC & TDTHPL) - Bộ Tư pháp, cho biết ngày 04/10 bộ này và Cục Quản lý xử lý VPHC & TDTHPL thực hiện thẩm định dự thảo NĐ về xử phạt VPHC về TTATGT trong lĩnh vực GTĐB, trừ điểm và phục hồi điểm GPLX. Theo quy định hiện hành, xử phạt vi phạm NĐC có NĐ100/2019/NĐ-CP và NĐ123/2021/NĐ-CP.
Bà Phương thông tin, theo Luật TTATGT đường bộ, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là điều khiển phương tiện tham gia GTĐB mà trong máu hoặc hơi thở có NĐC. Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cũng quy định nghiêm cấm điều khiển phương tiện GT mà trong máu hoặc hơi thở có NĐC.
"Vì vậy, quan điểm của Cục Quản lý xử lý VPHC & TDTHPL là việc quy định hình thức xử phạt, mức phạt đối với từng hành vi VPHC phải căn cứ vào tính chất, mức độ xâm hại trật tự quản lý hành chính nhà nước của hành vi đó”, bà Phương cho biết. Bên cạnh đó, một trong những yêu cầu khi quy định về hình thức và mức xử phạt VPHC còn phải bảo đảm tính giáo dục, răn đe và tính hợp lý khả thi khi triển khai thực hiện.