Giấc mơ Exciter của “hiệp sĩ” từng 500 lần bắt cướp.

Thứ Hai, 08/08/2016 00:55  | Hoàng Sơn

|

(CAO) “Bắt cướp vì đam mê, bắt cướp vì bất bình, bắt cướp vì không thể chịu được sự lộng hành của tội phạm, bắt cướp không vụ lợi,…” đó là những lời mà đồng nghiệp, anh em khi nhắc về “hiệp sĩ” Hoàng.

 

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ thuật Bình Định, người thanh niên Trần Văn Hoàng cùng vợ - chị Trần Thị Xí, rời quê lên Sài Gòn mưu sinh trong suốt ba mươi năm qua. Cứ ngỡ đến với chốn phồn hoa đô thị, cuộc sống của hai vợ chồng sẽ khá hơn, nào ngờ cái tính chân chất, thật thà của người con miền Trung cùng bản lĩnh của người học võ đã thúc đẩy “chàng trai xứ võ” từng bước dấn thân vào con đường “nghiện săn bắt cướp”, và với thành tích hơn 500 lần bắt cướp; anh đã được người dân gọi với cái tên trìu mến là “hiệp sĩ” Hoàng.

Bắt cướp vì đam mê

Bắt cướp vì đam mê, bắt cướp vì bất bình, bắt cướp vì không thể chịu được sự lộng hành của tội phạm, bắt cướp không vụ lợi,…đó là những lời mà đồng nghiệp, anh em khi nhắc về “hiệp sĩ” Hoàng.

Nhắc về lần đầu tiên bắt cướp, đôi mắt anh Hoàng như sáng lên, kể thao thao về diễn biến sự việc. Năm 1995, anh Hoàng cùng người bạn đồng huơng là Đinh Văn Chính vào Sài Gòn lập nghiệp. Trong lúc đạp xe trên đường Nguyễn Thái Bình thì nghe bà con truy hô ‘cướp!cướp!’ và người dân hai bên đường túa ra đuổi theo hai đối tượng trên chiếc xe Dream.

Do người ngồi sau tay cầm con dao tự chế quơ tứ phía. Với con mắt của người học võ, anh Hoàng ước chừng thủ pháp của đối tượng mà chạy ‘zíc-zắc’ áp sát, tung cú đá vào cổ, làm đối tượng rớt xuống xe và khống chế. “Người dân lúc thấy bắt được chạy đến hỗ trợ mình liền. Đó là lần đầu tiên tôi bắt đầu bắt cướp!”, “hiệp sĩ” Hoàng nhớ lại.

Với công việc hằng ngày là chạy xe ôm nhưng thấy các đối tượng cướp giật ngày càng manh động, gây lo sợ cho người dân, nhưng không ai dám chống cự. “Tài sản mất đi không nói, nhưng tính mạng con người rất quý. Cướp giật, trộm cắp xảy ra rủi ro cho tính mạng là rất cao”, chính ý nghĩ đó đã thôi thúc anh bước vào hành trình săn bắt cướp, phòng chống tội phạm.

Nhớ như in các chiến công bắt cướp trong những ngày đầu, “Đua tốc độ áp lực lắm chứ. Mình phải luồng lách như thế nào để không gây nguy hiểm cho những người đang đi đường.”, anh Hoàng kể lại.

“Đối tượng sử dụng dao tấn công thì ban đầu cũng sợ, nhưng riết cũng bình thường, mình con nhà võ nên dễ dàng nắm bắt được động tác của đối tượng”, “hiệp sĩ” Hoàng cười xuề xòa khi nhắc về những lần đương đầu với tội phạm manh động.

Nợ nần mà suốt ngày đi bắt cướp

Nhiều bạn bè, hàng xóm cứ hỏi “Sao không tìm việc nào thu nhập ổn định lo cho vợ rồi trả nợ mà cứ suốt ngày xách xe chạy nhông nhông. Bắt được cướp thì được vài trăm với cái bằng khen. Tính mạng ông sao rẻ quá.”, nặng hơn là “nợ nần mà suốt ngày đi bắt cướp”.

Nhưng đối với anh Trần Văn Hoàng việc săn bắt cướp dường như đã là một phần hơi thở của cuộc sống, không thể tách rời. Ngay cả vợ anh nghe vậy cũng chỉ cười “tính ổng vậy, săn bắt cướp ngấm trong máu ổng rồi”. Những lời nói trách móc cũng từ tai này sang tai kia đi mất.

Công việc chính của “hiệp sĩ” Hoàng là nghề xe ôm, theo lý giải việc này có nhiều thời gian tham gia phòng chống tội phạm và có giờ rảnh rỗi phụ giúp vợ buôn bán; nhiều lúc là khuân hàng chạy lực lượng chức năng đi tuần tra dọn dẹp lòng lề đường.

“Chạy xe ôm thực ra cũng chỉ chạy chơi, đa phần là đi với người quen kiếm tiền uống cà phê và gỡ chút xăng cộ. Mình làm săn bắt cướp thì cũng ớn, lỡ đối tượng cố tình gài người giả khách đón xe đi điểm này kia với giá cao rồi tới nơi bị bao vây đánh thì lúc đó chết chắc. Nhiều khi chạy xe ôm thì ít mà đi bắt cướp lại siêng”, anh Hoàng kể.

Nhắc về gia đình, “hiệp sĩ” Hoàng hồ hởi nhắc về chuyện cả nhà đều có chiến công săn bắt cướp. Người vợ dáng người nhỏ nhắn nhưng hơn chục năm trước, cũng đã từng cùng quần chúng nhân dân bắt đối tượng trộm chiếc xe đạp giá trị gần 3 cây vàng. Dù bị đạp và kéo lê hơn 10 m nhưng vẫn không buông tay. Người con trai duy nhất của gia đình cũng từng hỗ trợ cha mình 5, 6 vụ cướp và trong lúc còn là sinh viên đã từng tự tay bắt được 4 vụ trộm, cướp.

Sau một khoảng thời gian tiếp xúc, anh Hoàng mới trải lòng mình với chúng tôi khi kể về hoàn cảnh. Hai vợ chồng hiện đang thuê trọ, thu nhập chính trong gia đình là nhờ buôn bán nón bảo hiểm. Nhưng trong thời điểm này, có mấy ai còn nhu cầu mua nón, có hôm bán hai, ba cái được vài chục ngàn, gỡ gạc được bằng tiền bán bao tay, khẩu trang nhưng nhiêu đó đâu đủ chi tiêu trong gia đình, thế là lại đi vay.

“Tôi rất hãnh diện khi vợ không bỏ mình, các khoảng tiền chi tiêu trong gia đình đều do vợ lo. Thiếu hụt thì lại đi vay, dần dần lãi mẹ đẻ lãi con. Ngày nào cũng đóng tiền đứng, tiền ngồi nhưng chuyện này chưa xong lại đến chuyện khác. Tới nổi chiếc xe vừa mới sửa xong lại đem đi cầm để có tiền trả thợ sửa…”, “hiệp sĩ” Hoàng tâm sự.

“Mình làm từ cái tâm nên không thể bỏ nghề”

Khi chúng tôi đặt câu hỏi về việc từ bỏ nghiệp bắt cướp, “hiệp sĩ” Hoàng, cười nói: “Làm được 21 năm nay rồi, đâu phải mới hôm qua, hôm kia đâu mà nói bỏ là bỏ. Lớp trẻ, các anh em tin tưởng mình, xã hội còn cần mình, mình cũng còn sức lực thì tại sao phải bỏ cái việc mà mình làm vì đam mê. Quan điểm đã rõ ràng từ ngày đầu bắt cướp là không vụ lợi, không nghĩ lợi ích cá nhân thì việc mình làm mình chịu”.

Với quan điểm làm vì xã hội không tư lợi cá nhân, làm vì cái tâm. Các thành viên trong nhóm săn bắt cướp được quán triệt tư tưởng từ những ngày đầu bước vào. Thời gian gần đây, ngoài 7 thành viên nòng cốt của nhóm thì có thêm sự tham gia của 5 thanh niên với tuổi đời khá trẻ.

Từ từ thì cũng quen, nhưng anh vẫn luôn tự nhủ với mình và nhắc các anh em không được chủ quan rồi gây tai nạn cho người tham gia giao thông khi đang rượt đuổi đối tượng

Các thành viên được phân công nhiệm vụ rõ ràng khi tham gia săn bắt cướp, người thì ở lại hiện trường với nạn nhân, người thì truy đuổi, người phá đối tượng cản địa, người trình báo lực lượng chức năng.

Điều mà các thành viên phải ghi nhớ trong những lần rượt đuổi là tránh gây tai nạn cho người tham gia giao thông. Có những hôm bệnh mệt lã người, nhưng nghe anh em gọi điện “ra tập trung” thì người đàn ông này lại tiếp tục nài xe dạo quanh các hang cùng ngõ hẻm, phòng chống tội phạm.

“Trong khi tham gia, nếu có rủi ro thì anh em hùn tiền tự hỗ trợ lẫn nhau. Trường hợp khó khăn thì viết đơn xin các cơ quan ban ngành hỗ trợ. Tôi thường nói ‘khi các con còn quý chú, anh em còn quý chú, chú còn sát cánh. Khi các con trưởng thành, xã hội không còn cần tới chú thì chú sẽ nghỉ’. Mình làm từ cái tâm nên không thể bỏ nghề được”, anh Hoàng chia sẻ.

Giấc mơ Exciter của người “hiệp sĩ” săn bắt cướp

Biết rằng muốn bắt được cướp thì phải sửa lại toàn bộ động cơ để chiếc xe có khả năng tăng tốc nhanh nhất. Điều này đồng nghĩa với việc, chi phí bảo dưỡng xe sẽ ngày càng nhiều và tuổi thọ của chiếc xe sẽ giảm theo cấp số nhân.

“Xe cộ thì hư liên tục, tiền bạc thì không có nhiều đêm tôi nằm trằn trọc rất nhiều, nghĩ mà ứa nước mắt. Có tháng vừa vay tiền làm xe hết 10 triệu nhưng chạy được vài bữa lại banh, tháng sau lại tiếp tục mượn thêm 10 triệu đắp vào làm xe, nhưng xe chạy không được. Xe thì phải làm ‘máy lớn’ mới đi bắt cướp được. Mình đổ biết bao nhiêu công sức, tiền bạc vào xe cộ, xăng nhớt đi làm việc nghĩa có tính toán chi đâu. Vợ con thì mong ước có cái bảo hiểm cho an tâm, nhưng mình thì thấy chả cần.”

“Chiếc wave hiện tại được một người bạn làm công an thương tình tặng nên nó mang tính kỷ niệm lắm, nhưng giờ xe cũng đã xuống nhiều quá. Chi phí sữa chữa mỗi lần đi không còn kham nổi. Chỉ mơ ước có được một chiếc Exciter để làm một con xe mạnh, chinh chiến trong lúc săn bắt cướp, giúp ích cho xã hội”, “hiệp sĩ” Hoàng chia sẻ.

Khi yêu cầu chụp ảnh chiếc xe Wave đã "chinh chiến" với anh Hoàng bấy lâu, thì PV mới biết chiếc xe đang được cầm tại một hiệu cầm đồ ở P.12, quận Tân Bình để trả tiền làm máy lại và xoay xở cuộc sống khó khăn. Chủ tiệm cầm đồ biết gia đình anh Hoàng khó khăn nên đồng ý cầm chiếc xe và giấy tờ nhưng không lấy lãi.

Không hy vọng mạnh thường quân cho tiền trả nợ, không cầu sức khỏe bình an cho bản thân. Người “hiệp sĩ” trung niên chỉ tâm nguyện có được một chiếc Exciter để chinh chiến trên mọi nẻo đường trong hành trình săn bắt cướp, giúp đời, giúp người để thỏa niềm đam mê trong cái tuổi đã xế chiều!

Chung tay hỗ trợ hiệp sĩ "Trần Văn Hoàng" để anh vượt qua khó khăn trong cuộc sống, tiếp tục rong ruổi giúp đời, giúp người. Mọi hỗ trợ xin gửi về Ban công tác Bạn đọc - Báo Công an TP. Hồ Chí Minh - Số 110 đường Nguyễn Du - Quận 1 - TP. Hồ Chí Minh hoặc thông qua tài khoản từ thiện: Báo Công an TPHCM (XHTT) số 0071001983085 - Ngân hàng Vietcombank TP.HCM.

Bình luận (1)

Từ nghĩa cử cao đẹp , mong các cơ quan có thẩm quyền đọc qua bài báo này ủng hộ anh đang cần những phương tiện gì ? Cũng như các nhà hảo tâm giúp đỡ anh để anh an tâm phục vụ đất nước cũng như cộng đồng được an toàn hơn khi mà cướp giật đang hoành hành.

Nguyễn thị khương - Thứ Hai, 08/08/2016, 08:15 Trả lời | Thích
Lên đầu trang