Anh hùng LLVTND Nguyễn Chí Thành: Nghìn phen "vào sinh ra tử", chưa một lần chùn bước!

Kỳ 3: Hết lòng vì dân...

Thứ Sáu, 06/10/2023 08:15  | Văn Cương

|

(CATP) Còn gì đau đớn hơn khi gia đình có người thân bị tai nạn, không toàn mạng hay mất tích. Ở bất cứ đâu, dù chỉ là phần thi thể, hay mảnh xương, chiếc răng, vật kỷ niệm…, Trung tá Nguyễn Chí Thành cùng đồng đội cũng cố công tìm kiếm, nhằm giúp gia đình nạn nhân giảm bớt đau thương, mất mát. Không chỉ chia sẻ nỗi đau, anh Thành và lực lượng CNCH còn vui chung với gia đình nạn nhân sau những vụ cứu nạn ngoạn mục.

"Ấn tượng khó phai"

Đã hơn 15 năm trôi qua nhưng Trung tá Nguyễn Chí Thành vẫn không thể quên cái ngày anh lặn xuống sông Vàm Cỏ (tỉnh Long An) để mò tìm nửa thi thể của người đàn ông bị tai nạn nổ sà lan, gây chấn động dư luận.

Vụ nổ xảy ra vào sáng 07/01/2008 trên chiếc sà lan tải trọng 110 tấn, được đóng mới chuẩn bị hạ thủy trên sông Vàm Cỏ. Trên sà lan lúc đó có 7 công nhân đang làm việc. Tại nạn khiến 5 người thợ hàn và sơn phần trước mũi sà lan bị tử nạn. Trong đó, thi thể của anh Trần Quang (SN 1981, ngụ H.Bến Lức, Long An) bị đứt đôi, nữa thân trên văng lên mái nhà kho cách sà lan khoảng 50m; nữa thân dưới rơi xuống sông, mất tích.

Lực lượng cứu hộ tại chỗ đã lặn tìm kiếm cả ngày nhưng chưa có kết quả. Được yêu cầu hỗ trợ, Trung tá Thành và 20 đồng đội nhận lệnh lên đường. Sau nhiều giờ ngâm mình dưới đáy sông sâu đến 20m, nước chảy xiết, anh Thành chạm tay vào một "vật thể lạ”. Sờ sờ, bóp bóp trúng phần nội tạng, rồi hai chân, "kình ngư” rất mừng khi biết chắc đó là nửa thi thể của nạn nhân, liền đưa lên bờ, trước sự thán phục của nhiều người.

Một vụ nổ khác ghi lại "dấu ấn" trong đời Trung tá Thành, Thiếu tá Huỳnh Văn Tuấn và đồng đội là vụ tại nạn xảy ra lúc 15 giờ 30 chiều 17/10/2014, tại Công ty TNHH Đ.H (chuyên sản xuất, mua bán giống cây trồng và sản xuất phân bón) ở đường Lê Thị Riêng, P.Thới An, Q12, TPHCM. Một tiếng nổ như phá núi phát ra san bằng toàn bộ nhà xưởng của Công ty Đ.H, 7 căn nhà lân cận sụp đổ, hơn 80 căn bị bể kính, sập la phông, nứt tường... Tại hiện trường xuất hiện hố sâu 2m, rộng 3m do vụ nổ gây ra, nhiều chai nhựa, thùng phuy bị móp méo văng khắp nơi tạo ra cảnh hỗn độn, hoang tàn. Mùi hóa chất bốc lên nồng nặc.

Trung tá Nguyễn Chí Thành tại Hội nghị tuyên dương "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả”

Nguyên nhân của vụ nổ được xác định là do trong quá trình sản xuất, đóng gói phân bón đã xảy ra sự cố nổ bếp gas mini, tạo áp suất lớn và lửa đã kích nổ các bao, thùng chứa hóa chất nguy hiểm. Lúc xảy ra vụ tai nạn, có 3 công nhân đang làm việc gồm bà Huỳnh Thị và con gái cùng chị Nguyễn Thị Ngọc. Cả 3 đều thiệt mạng, trong đó chỉ có con gái bà Thị nhận dạng được, còn hai nạn nhân không toàn mạng.

Anh Thành nhớ lại: "Nhiều phần thi thể của 2 nạn nhân văng xa hàng trăm mét, "bay" lên nóc mấy căn nhà ở độ cao gần 20m. Tôi và Thiếu tá Huỳnh Văn Tuấn cùng đồng đội và lực lượng tại chỗ, tất cả gần 50 người, lúc dưới đất, lúc trèo lên nóc nhà để tìm kiếm từng mảnh thịt, xương nát vụn rải rác khắp nơi. Cảnh tượng kinh hoàng, ai nhìn thấy cũng hoảng sợ, một số bạn mới vào nghề CNCH cũng bị sốc. Nhưng nghĩ tới sự tang thương, mất mát của gia đình nạn nhân, anh em liền khẩn trương bắt tay vào công việc. Sau hai ngày nỗ lực, chúng tôi đã tìm kiếm được khoảng 15kg mảnh thi thể của 2 nạn nhân. Kết quả không như mong muốn nhưng đó là tất cả những gì mà anh em chúng tôi có thể làm được để giúp gia đình nạn nhân giảm bớt phần nào nỗi đau".

Những vụ cứu nạn ngoạn mục

Ngày 23/5/2008, tại Tổng công ty cấp nước (số 1 Công trường quốc tế, Q3, TPHCM) xảy ra vụ sập hầm nước. Tai nạn khiến 14 nạn nhân rơi xuống hầm ở độ sâu hơn 8m, trong đó có 1 người phụ nữ đang mang thai. Nhiều người bị chấn thương, không đi lại được. Trong khi đó, hầm sâu, tối om, thiếu không khí, dưới đáy hầm có nhiều bùn trơn trượt. Tình hình rất nguy hiểm, cần nhanh chóng giải cứu, nếu trễ sẽ gây thương vong cho các nạn nhân, các chiến sĩ tham gia CNCH cũng không bảo đảm an toàn.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ khẩn trương, anh Thành cùng đồng đội đã giải cứu toàn bộ nạn nhân đưa ra ngoài an toàn, để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người dân thành phố, được các cấp lãnh đạo biểu dương, khen thưởng. Vụ cứu nạn thành công không chỉ khẳng định trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng CNCH mà còn thể hiện rõ tinh thần "vì dân phục vụ”, luôn đặt tính mạng của người dân lên hàng đầu.

Trung tá Thành đưa thi thể nạn nhân từ độ sâu 20m lên tàu cứu nạn

Một tai nạn khác cũng xảy ra năm 2008 tại một công trình xây dựng cao tầng ở Q7, TPHCM. Một phần giàn giáo tầng 4 của công trình bị sập, khiến khối bê tông đổ ập xuống tầng 3. Vụ tai nạn khiến 1 phụ nữ tử vong, mắc kẹt trên giàn giáo, người nhà yêu cầu phải đưa xác nạn nhân xuống ngay.

Phía dưới là 1 nạn nhân bị dính chặt trong đống bê-tông, còn sống nhưng tính mạng "ngàn cân treo sợi tóc". Nhận lệnh từ chỉ huy, anh Thành có mặt ngay tại hiện trường, hội ý với đồng đội phương án giải cứu. Thực hiện nhanh "công tác tư tưởng", động viên thân nhân người phụ nữ xấu số, anh Thành trao đổi với bác sĩ về sức khỏe và thời gian cho phép để cứu nạn nhân còn sống, bảo đảm an toàn tính mạng.

Với tinh thần cứu người khẩn trương, trong một không gian chật hẹp, anh Thành quyết tâm thực hiện nhanh nhất, tối đa không qua 20 phút. Đặt trường hợp xấu, nếu công tác CNCH không thành, bác sĩ vẫn kịp thời tháo khớp nạn nhân, giữ được tính mạng. Sau 17 phút dùng tay moi đống bê tông đang chôn chặt người phụ nữ, anh Thành thở phào nhẹ nhõm khi "lung lay" được nạn nhân.

Vụ cứu nạn nghẹt thở đã thành công, anh Thành ôm lấy đồng đội vui mừng đến trào nước mắt. Nạn nhân chẳng những được cứu sống mà còn thoát khỏi cảnh bị tàn phế suốt đời. Để đưa người bị nạn ra ngoài an toàn, Trung tá Thành đã quên thân mình đang hứng chịu khối bê tông lớn và giàn giáo có thể sập, đè chết anh bất cứ lúc nào.

Kỷ lục mới về lặn sâu…

Rạng sáng 22/3/2023, ông Nguyễn Thành Được (SN 1985, ngụ H.Cần Giờ, TPHCM) đến Trạm kiểm soát Biên phòng Cần Thạnh trình báo chiếc tàu đánh cá do ông làm chủ gặp nạn. Ông Được cho biết, con tàu dài 10m, rộng 5m, trong khoang chứa nhiều vật dụng. Sau khi đánh bắt cá trở về, đến khu vực Sở đáy Đại Khơi (thuộc vùng biển Cần Giờ), tàu đánh cá va chạm vào cọc đáy lưới cá của người dân trên biển bị thủng, nước tràn vào khiến tàu lật úp, chìm xuống biển. Trên tàu có 7 người, trong đó có 6 nạn nhân đã được ghe cá của người dân cứu, riêng ông Phạm Chí Thanh (SN 1986, ngụ khu phố Hưng Thạnh, thị trấn Cần Thạnh) bị chìm cùng con tàu đánh cá.

Lực lượng cứu nạn, cứu hộ do Trung tá Nguyễn Chí Thành chỉ huy phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng đến vị trí tàu đánh cá bị chìm

Tiếp nhận thông tin, Đồn Biên phòng Cần Thạnh (Biên phòng TPHCM) đã triển khai lực lượng tiếp cận hiện trường, xác định tàu cá chìm sâu ở khu vực nước chảy xiết, có xoáy nên công tác tìm kiếm gặp nhiều khó khăn.

Nhận được lệnh hỗ trợ, tìm kiếm nạn nhân, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (PC 07) - Công an TPHCM đã cử tổ CNCH gồm 13 cán bộ, chiến sĩ do Trung tá Nguyễn Chí Thành trực tiếp chỉ huy đến ngay hiện trường. Sau khi liên hệ với chính quyền địa phương nắm bắt tình hình vụ việc, anh Thành phối hợp với Đội Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an H.Cần Giờ và Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Cần Thạnh sử dụng tàu đưa lực lượng và phương tiện ra vị trí CNCH, triển khai công tác tìm kiếm nạn nhân.

Anh Thành kể, vị trí tàu chìm cách đất liền khoảng 10 hải lý (19km), ở độ sâu hơn 30m. Lúc này biển động, sóng to, dưới đáy biển nước chảy rất mạnh, xoáy khiến cho việc khoanh vùng khu vực tàu chìm rất khó khăn. Sau khi hội ý với các cơ quan chức năng, nắm rõ những thông tin cần thiết, anh Thành và đồng đội bắt tay thực hiện nhiệm vụ.

Trải qua nhiều đợt lặn, tổ CNCH đã tìm thấy con tàu chìm, liền vào trong khoang để tìm nạn nhân. Lúc này, tàu bị lật nghiêng làm đồ đạc trong khoang bị xáo trộn, che hết tầm nhìn, gây khó khăn cho việc tìm kiếm nạn nhân. Dòng nước dưới đáy biển chảy rất mạnh, có thể làm con tàu va đập, gây nguy hiểm cho anh em đang ở trong khoang. Với quyết tâm cao, cùng các biện pháp nghiệp vụ và kinh nghiệm nhiều năm CNCH, anh Thành đã phát hiện một thi thể trong cabin. Anh cùng đồng đội nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi tàu.

Thi thể ông Thanh được đưa lên bờ, bàn giao cho chính quyền địa phương xử lý. Để tránh bỏ sót nạn nhân, anh Thành cùng đồng đội tiếp tục lặn tìm kiếm lại một lần nữa. Khi xác định không còn người bị nạn mắc kẹt trong khoang tàu, anh em mới rời khỏi con tàu quay vào bờ, kết thúc công việc tìm kiếm CNCH.

Anh Thành chia sẻ: "Đây là trường hợp lặn biển đầu tiên, cũng là ca khó vì nằm rất xa bờ, ở độ sâu kỷ lục. Lúc đầu, chúng tôi hơi lo lắng vì không có phương tiện chuyên dụng để lặn biển. Chúng tôi chia ra làm nhiều nhóm, thay phiên lặn, chui vào khoang tàu để tìm kiếm. Cả tổ gần như kiệt sức nhưng không anh em nào bỏ cuộc, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ bằng tinh thần, trách nhiệm cao nhất. Việc CNCH thành công, được chính quyền địa phương khen ngợi, gia đình nạn nhân cảm kích, biết ơn. Lãnh đạo TPHCM, Ban Giám đốc CATP nhiệt liệt khen ngợi, tặng Bằng khen, giấy khen..."

(Còn tiếp...)

Kỳ 2:
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang