Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Chí Thành:

Ngàn phen "vào sinh ra tử", chưa một lần chùn bước! (kỳ 1)

Thứ Tư, 04/10/2023 09:19  | Văn Cương

|

(CATP) Hơn một phần năm thế kỷ, đứng giữa lằn ranh sinh tử và chưa một lần chùn bước, Trung tá Thành trở thành tấm gương tiêu biểu của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH).

Vừa trở về TPHCM sau khi hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ nước bạn Thổ Nhĩ Kỳ trong công tác khắc phục thảm họa động đất kinh hoàng, Trung tá Nguyễn Chí Thành cùng đồng đội lại lặn tìm nạn nhân ở biển Cần Giờ cách đất liền hơn 19km, dưới độ sâu 30m. Đây là 2 vụ cứu nạn, cứu hộ mới nhất, nguy hiểm nhất trong số hàng ngàn vụ mà Trung tá Thành đã thực hiện suốt 22 năm qua.

Hơn một phần năm thế kỷ, đứng giữa lằn ranh sinh tử và chưa một lần chùn bước, Trung tá Thành trở thành tấm gương tiêu biểu của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH). Anh là cá nhân duy nhất cùng 6 tập thể thuộc lực lượng Công an được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) theo Quyết định số 704/QĐ-CTN ngày 13/6/2023 của Chủ tịch nước.

TRUI RÈN TỪ "TIỂU ĐỘI CẤP CỨU"

Sinh năm 1981 tại H.Củ Chi, nhà nằm cạnh sông Sài Gòn, từ nhỏ cậu bé Nguyễn Chí Thành đã quen với việc mò cua, bắt ốc và rất thích bơi lội. Gần gũi sông nước, Thành từng chứng kiến nhiều bạn bè cùng trang lứa bị đuối nước dẫn đến cái chết thương tâm, hay những vụ người lớn bị tai nạn lật ghe, vài ngày sau mới tìm được thi thể không còn nguyên vẹn. Trong dòng họ Thành, có hai người em cô cậu bị đuối nước, không cứu được.

Vào nghề

Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, do hoàn cảnh gia đình nghèo, đông anh chị em, Thành không thi đại học mà ở nhà phụ giúp cha mẹ kiếm sống. Bước ngoặt cuộc đời là khi anh trúng tuyển nghĩa vụ công an vào năm 2001. Sau thời gian thao luyện, Thành được phân công về Đội PCCC Trung tâm thuộc Phòng Cảnh sát PCCC, nay là Đội Công tác chữa cháy và CNCH (Đội 3) thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an TPHCM, rồi gắn bó với đơn vị này đến nay. Đội 3 là một trong 6 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND theo Quyết định số 704/QĐ-CTN ngày 13/6/2023 của Chủ tịch nước.

Sau năm 1975, lực lượng CNCH trên địa bàn TPHCM rất khiêm tốn, chỉ có 10 cán bộ, chiến sĩ (CBCS), được đặt tên là "Tiểu đội cấp cứu", biên chế thuộc Đội PCCC Trung tâm. Dù lực lượng mỏng nhưng tiểu đội thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, như: cứu người trong đám cháy; lặn cứu người gặp tai nạn dưới nước (té sông, té giếng, chết đuối, tự tử); cứu nạn giao thông, ghe, tàu bị đắm; xử lý các sự cố về nổ khí gas, hóa chất; mò tìm tang vật hỗ trợ cho việc phá án; xử lý một số trường hợp khẩn cấp khác như thú dữ xổng chuồng, tổ ong nguy hiểm... Công việc của tiểu đội bất kể giờ giấc, trực chiến 24/24 giờ, sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu thuộc địa bàn TPHCM và các tỉnh lân cận. Anh Thành nhớ lại: "Mới chập chững vào nghề, tôi may mắn được phân công về Tiểu đội cấp cứu. Nơi đây có những CBCS CNCH dày dạn kinh nghiệm, là tấm gương sáng để tôi học hỏi, rèn luyện, phấn đấu suốt hơn 22 năm qua".

Trung tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc Công an TPHCM chúc mừng các đơn vị, cá nhân thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH

Sau khi Sở Cảnh sát PCCC TPHCM được thành lập ngày 13/9/2006 (đơn vị thí điểm đầu tiên cả nước), Đội PCCC Trung tâm được nâng cấp thành Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về chữa cháy và CNCH. Tiểu đội cấp cứu cũng được nâng cấp trở thành Đội CNCH chuyên nghiệp thuộc đơn vị này. Đến năm 2010, Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về chữa cháy và CNCH tách ra thành 2 đơn vị: Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về chữa cháy và Phòng CNCH thuộc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM.

Thực hiện đề án của Chính phủ, ngày 09/4/2019, Bộ trưởng Bộ Công an ký quyết định thành lập Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH thuộc Công an TPHCM, gồm 10 đơn vị trực thuộc, trong đó có Đội 3, sáp nhập từ Phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về chữa cháy và Phòng CNCH. Dù có sự thay đổi về tổ chức, nhưng nhiệm vụ chữa cháy và CNCH trên địa bàn TPHCM được Đội 3 liên tục duy trì xuyên suốt từ năm 1975 đến nay. Lực lượng Đội 3 phát triển ngày càng lớn mạnh, trở thành đơn vị chủ lực, tiên phong trong công tác chữa cháy và CNCH không chỉ đối với TPHCM mà còn chia sẻ kinh nghiệm cho lực lượng chữa cháy và CNCH cả nước.

Từ lúc vào nghề đến nay, Trung tá Nguyễn Chí Thành đã có 22 năm gắn bó với Đội 3 và hơn một thập niên anh giữ chức vụ Phó Đội trưởng phụ trách công tác CNCH. Niềm vui và sự tự hào nhân đôi khi Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an TPHCM đón nhận cùng lúc 2 danh hiệu Anh hùng LLVTND do Chủ tịch nước phong tặng cho tập thể Đội 3 và cá nhân Trung tá Thành vì "đã có thành tích đặc biệt xuất sắc đột xuất trong gìn giữ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc".

Hai vụ "thử lửa" nhớ đời

Năm đầu tiên vào nghề, chiến sĩ Nguyễn Chí Thành đã trải qua 2 vụ "thử lửa" để lại ấn tượng khó quên trong đời. Đó là vụ cháy tại rừng quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang) tháng 4/2002 và vụ hỏa hoạn tại tòa nhà Trung tâm Thương mại quốc tế (gọi tắt là ITC) trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q1, TPHCM) vào tháng 10/2002.

Vụ cháy rừng U Minh Thượng xảy ra ngày 02/4/2002, kéo dài gần một tháng. Cục Cảnh sát PCCC - Bộ Công an đã điều động 14 đơn vị phía Nam tham gia chữa cháy. Lực lượng PCCC - Công an TPHCM do Đại tá Lê Tấn Bửu (thời điểm đó là Phó trưởng phòng, nguyên Đội trưởng Đội PCCC Trung tâm, sau này là Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM) làm Trưởng đoàn, cùng 30 CBCS, 3 xe chữa cháy, 20 máy bơm khẩn trương lên đường làm nhiệm vụ. Đích thân Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC Bùi Văn Ngần trực tiếp chỉ huy trận chiến này.

Trung tá Nguyễn Chí Thành nhận danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND

Đây là vụ "thử lửa" lớn đầu tiên anh Thành được lãnh đạo đơn vị điều động tham gia, một thử thách không nhỏ đối với người chiến sĩ trẻ mới vào nghề. Rừng U Minh Thượng là rừng nguyên sinh rộng hàng ngàn héc-ta, cây cối dày đặc, địa hình hiểm trở. Do xe chữa cháy không thể tiếp cận hiện trường, anh Thành cùng đồng đội phải dùng sức đào kênh dài 4km, đặt máy bơm (cứ khoảng 200m đặt 1 máy bơm) dẫn nước vào rừng để chữa cháy. Đơn vị đóng quân giữa rừng, anh Thành và đồng đội còn liên tục bị muỗi tấn công. Không may bị bệnh sốt rét phải đi cấp cứu, nhưng sau khi khỏe lại, anh Thành xin được tiếp tục ra trận chiến đấu. Sau gần 20 ngày toàn lực lượng căng mình chống lửa, với các mũi tấn công cùng phương án tác chiến hiệu quả, ngọn lửa dần bị khuất phục. Đến ngày 19/4/2002, đám cháy được dập tắt hoàn toàn.

Anh Thành kể: "Tôi cùng đồng đội phải thay nhau túc trực chữa cháy trên diện tích rộng từ 5 - 7km²! Ngoài lửa, chúng tôi còn đối mặt với các loài động, thực vật trong rừng nguyên sinh rất nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng bất cứ lúc nào. Trong trận chiến này, có lúc cận kề với cái chết, nhưng với tinh thần "vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, tôi cùng đồng đội đã vượt qua mọi hiểm nguy để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhờ đó đã bảo vệ được 700 héc-ta rừng nguyên sinh, ngăn chặn không để lửa cháy lan sang 10.000 héc-ta rừng trồng".

Còn tòa nhà ITC có 4 mặt tiền, cao 6 tầng, với diện tích sàn hơn 6.500m2, được sử dụng làm trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, nhà hàng ăn uống, vũ trường... Vụ hỏa hoạn kinh hoàng xảy ra vào đầu giờ chiều 29/10/2002, khi có hàng trăm người đang ở trong tòa nhà. Ngọn lửa xuất phát từ tầng 3, nơi có vũ trường Blue đang sửa chữa (do thợ hàn bất cẩn gây ra cháy) rồi nhanh chóng bùng lên dữ dội, lan ra cả tòa nhà. Công an TPHCM đã huy động toàn lực lượng PCCC và CNCH cùng phương tiện tham gia chiến đấu với vụ cháy gây hậu quả tàn khốc nhất từ trước đến thời điểm này.

Nhiệm vụ đầu tiên là cứu người. Anh Thành cùng đồng đội khẩn trương giải cứu, đưa hơn 100 người mắc kẹt trong tòa nhà ra ngoài an toàn bằng 2 chiếc thang. Công việc tiếp theo là chữa cháy. Suốt hơn 4 tiếng đứng trên chiếc xe thang cao 32m lủng lẳng giữa không trung, anh Thành cầm vòi phun nước vào tòa nhà. Chỉ cần run chân hay gió lay mạnh lắc lư thang làm mất thăng bằng là có thể rơi xuống đất như chơi! Đó là chưa kể lửa trong tòa nhà bùng lên bất chợt táp vào mặt các CBCS chữa cháy hay những mảnh kính vỡ bắn ra, rất nguy hiểm. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, ngọn lửa cơ bản được khống chế, anh Thành cùng đồng đội chia nhóm nhỏ, thâm nhập vào các tầng của tòa nhà tìm kiếm, đưa nạn nhân ra ngoài trong hoàn cảnh sức nóng khủng khiếp và khói độc dày đặc. Suốt nhiều giờ ra vào tòa nhà đến kiệt sức, mấy lần anh Thành bị ngất xỉu, nhưng vừa tỉnh lại là anh lao vào làm việc, đồng đội của anh cũng vậy.

Việc tìm kiếm liên tục đến gần 10 giờ sáng hôm sau, thi thể cuối cùng trong số 54 nạn nhân được tìm thấy. Đó là một phụ nữ bị mắc kẹt trên la phông của phòng vệ sinh tầng 3, do anh Thành phát hiện. Chẳng chút do dự và không ngại mùi hôi bốc lên nồng nặc, anh Thành cùng đồng đội xốc thi thể người phụ nữ lên vai đưa xuống nhà, nước ứ trong cơ thể lẫn máu của nạn nhân thấm ướt cả áo các anh.

Ngoài công việc CNCH, anh Thành còn được giao nhiệm vụ thống kê toàn bộ số nạn nhân trong vụ cháy. Có đến 60 người tử nạn (54 người chết trong tòa nhà, 6 người nhảy từ trên cao xuống đất tử vong), trong đó nhiều nạn nhân bị lửa thiêu cháy nghiêm trọng, phải nhận dạng bằng giám định ADN. Toàn bộ các thông tin liên quan được anh Thành ghi chép cẩn thận. Vụ cháy còn làm hơn 100 người khác bị thương...

Tối 28/9/2023, trong chương trình "Lễ trao thưởng và tôn vinh điển hình tiên tiến về PCCC và CNCH" năm 2023 do Bộ Công an tổ chức, Đội Công tác chữa cháy và CNCH (Đội 3) thuộc Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an TPHCM cùng Trung tá Nguyễn Chí Thành vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND. Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an TPHCM nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã gắn Huy hiệu Anh hùng LLVTND lên lá cờ truyền thống của lực lượng và trao Quyết định của Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho Trung tá Nguyễn Chí Thành. Đây là phần thưởng cao quý của của Đảng, Nhà nước ghi nhận những chiến công đặc biệt xuất sắc, nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể CBCS Đội 3 và cá nhân Trung tá Nguyễn Chí Thành trong công tác PCCC và CNCH.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang