Trái tim nhân ái của người lính biên phòng nơi biên cương Tổ quốc

Thứ Năm, 21/02/2019 08:25  | Hoàng Quân

|

(CAO) “Nếu anh lên biên giới Việt - Lào nơi Đồn Biên phòng La Lay (Quảng Trị) đóng quân, các anh sẽ thấy được chiến công và trái tim nhân ái của các anh lính biên phòng”.

Lời mời gọi ấy của các cô giáo tiểu học ở xã A Ngo (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) thôi thúc chúng tôi ngược đường rừng núi lên miền biên giới Việt – Lào.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP xuất sắc cùng các em học sinh vùng biên giới trong một lần gặp cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang (em Hồ Thị Nhin đứng bên cạnh Chủ tịch nước).

Ngày đêm bám bản

Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế (BP CKQT) La Lay (thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị) án ngữ bên đường lên cửa khẩu La Lay, sang trung tâm tỉnh Salavan (Lào). Chúng tôi được nghe kể nhiều về việc làm tròn nhiệm vụ với Tổ quốc, trách nhiệm, sự gắn bó, tình yêu thương với nhân dân của cán bộ, chiến sĩ Đồn BP La Lay.

Trong số những người lính ấy, phải kể đến Thượng úy Nguyễn Văn Bằng (SN 1992) - Đội trưởng Đội Tổng hợp Đồn BP CKQT La Lay. Gặp Bằng đúng lúc anh đang bị sốt siêu vi sau những ngày bám dân dân bản, chăm lo cho trẻ em.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Thái Bình, từ nhỏ Bằng ước mơ làm người lính BP. Hình ảnh các chiến sĩ canh giữ đất trời, bảo vệ biên cương… qua ti vi, sách báo khiến anh thích thú và phấn đấu. Học xong cấp 3, anh thi đỗ vào Học viện BP.

Khi còn là học viên, anh đã có nhiều thành tích học tập, rèn luyện. Lúc tốt nghiệp đã mang quân hàm Trung úy, anh được giữ lại làm giảng viên Học viện. Đến Tháng 9-2014, Bằng được phân công đi thực tế tại Đồn BP CKQT La Lay và sau đó nhận công tác ở Đồn đến nay.

Thượng úy Nguyễn Văn Bằng bị sốt nhưng vẫn tươi cười, lạc quan, yêu đời.

Có nhiều thời gian đi thực tế, gắn bó với nhân dân các xã A Bung và A Ngo của huyện Đakrông nơi đơn vị phụ trách nên Bằng thuộc như lòng bàn tay các bản làng, từng căn nhà. Đời sống kinh tế, trình độ văn hóa, hiểu biết của đa số đồng bào Pa Kô, Vân Kiều còn gặp nhiều trở ngại.

Anh và đồng đội cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con, vừa làm nhiệm vụ chính trị vừa hướng dẫn, tuyên truyền bà con lao động sản xuất, bảo vệ biên giới, xây dựng thôn bản, cho con em đến trường.

Ở vị trí công tác nào, Bằng cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vinh dự nhận bằng khen của Bộ Tư lệnh BĐBP tuyên dương Gương mặt trẻ tiêu biểu Bộ đội BP năm 2017; Danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời bác toàn quốc giai đoạn 2015-2017; Chiến sĩ thi đua cơ sở các năm 2013, 2017, 2018; ba năm là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (2012, 2013 và 2017); vinh danh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2017, bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT năm 2017 vì có thành tích xuất sắc, góp phần phát triển giáo dục tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo...

Thượng úy Nguyễn Văn Bằng cùng đồng đội làm nhiệm vụ tuần tra biên giới.

Anh còn đoạt giải nhất cá nhân ở Cuộc thi tìm hiểu 60 năm truyền thống BĐBP (3/3/1959 - 3/3/2019)  và 30 năm ngày BP toàn dân (3/3/1989 - 3/3/2019); tham gia bài thi tìm hiểu mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Lào; là gương mặt trẻ tiêu biểu của lực lượng BĐBP năm 2017; tham gia tích cực, có hiệu quả các phong trào xây dựng đơn vị, văn hóa thể dục thể thao, văn hóa nghệ thuật được tập thể đơn vị, cấp trên ghi nhận...

Giàu lòng nhân ái

Đồn BP CKQT La Lay thực hiện chương trình “Nâng bước chân em đến trường từ năm 2014, nhận đỡ đầu cho 3 em (2 học sinh Việt Nam và 1 học sinh người Lào) với 500.000 đồng và 10kg gạo mỗi em hàng tháng. Trong chuyến sang Lào, chúng tôi gặp em Hồ Thị Nhin (12 tuổi, người dân tộc Pa Kô, ngụ bản La Lay, huyện Sa Muội, tỉnh Salavan, Lào; lớp 6 Trường THCS La Lay A Sói). Từ xa, Nhin rối rít gọi tên “chú Bằng”.

Nhin là 1 trong 3 học sinh của Quảng Trị có hoàn cảnh éo le, học giỏi được Bằng “hộ tống” ra thăm quê hương Bác Hồ ở Nghệ An và ra thủ đô Hà Nội trong dịp 30 học sinh gặp, trò chuyện với cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Lúc đó, bác Quang nhìn Nhin và hỏi: “Gặp bác, cháu có mong muốn gì”. Nhin đáp – “Cháu mong khỏe mạnh, học giỏi để lớn lên giúp đỡ cha mẹ, người dân”.

Thượng úy Nguyễn Văn Bằng cùng em Hồ Thị Nhin và các học sinh ở Lào giáp biên giới.

Sau chuyến đi ấy, Nhin hay kể cho các bạn nghe về những kỷ niệm thú vị cũng như sự ân cần quan tâm, động viên và sẻ chia của lãnh đạo Nhà nước, Bộ GD&ĐT cùng cán bộ chiến sĩ BĐBP của Việt Nam.

Anh Bằng cùng đơn vị trích một phần lương thực hiện chương trình “Bánh mì cho trẻ em đến trường”. Chương trình rất thiết thực, ý nghĩa và lan tỏa yêu thương. Bằng và đơn vị, Chi đoàn Hải quan CKQT La Lay và Chi đoàn các địa phương quyên góp, kêu gọi hỗ trợ và tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Chứng kiến nhiều trẻ em ăn mặc mong manh, Bằng và đơn vị thực hiện chương trình “Áo ấm cho em”, kết nối với các tổ chức từ thiện hỗ trợ quần áo, chăn mền cho trẻ em.

Từ năm 2015, các bạn trẻ các trường đại học, các tổ chức Đoàn trong nước đã đến với trẻ em 2 xã A Bung A Ngo và bản La Lay (Lào). Hơn 15.000 bộ quần áo ấm, sách vở, bút và các vật dụng thiết yếu trị giá gần 500 triệu đồng đã đến tay học sinh nghèo, các hộ khó khăn.

Thượng úy Nguyễn Văn Bằng trao bánh mỳ cho học sinh.

Thượng úy Bằng còn có sáng kiến xây dựng mô hình “Tiết học biên giới”, đứng lớp tuyên truyền nâng cao nhận thức về biên giới lãnh thổ cho học sinh địa phương. Mô hình này đã được nhân rộng trong tỉnh và một số tỉnh học tập ý tưởng, vận dụng.

Anh trực tiếp xin kinh phí từ Viettel tỉnh Thái Bình và các đơn vị hỗ trợ các gia đình ở bản La Lay (Lào) mua sắm các vật dụng thiết yếu. Anh cùng với Đoàn thanh niên tích cực tham gia xây dựng công trình “Ánh sáng vùng biên” trị giá gần 20 triệu đồng; tham gia tích cực các hoạt động tại địa phương...

Những thành tích, chiến công và trái tim nhân ái của Thượng úy Nguyễn Văn Bằng được cấp trên, đơn vị ghi nhận, đánh giá cao; được người dân quý trọng, yêu mến.

Bình luận (0)

Lên đầu trang