Ấn Độ - Pakistan bên “bờ vực” chiến tranh toàn diện sau trận không kích tên lửa

Thứ Tư, 07/05/2025 10:33  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 7/5, CNN dẫn nhận định của các chuyên gia cảnh báo Ấn Độ và Pakistan đang ở trong “vùng nguy hiểm” khi Islamabad thề sẽ trả đũa các cuộc không kích bằng tên lửa của New Delhi và việc đáp trả ăn miếng trả miếng giữa hai bên có nguy cơ sẽ leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện.

Chiến dịch không kích các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Pakistan là chiến dịch quân sự có quy mô lớn nhất mà Ấn Độ thực hiện vào lãnh thổ nước láng giềng kể từ cuộc chiến tranh Ấn Độ-Pakistan năm 1971.

Theo Fahd Humayun - Phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Tufts thì tình hình hiện "rõ ràng là nghiêm trọng và dễ thay đổi. Việc Pakistan trả đũa các hành động của Ấn Độ có thể sẽ là điều không thể tránh khỏi".

Quyết định không kích của Ấn Độ được đưa ra hơn hai tuần sau khi 26 người, chủ yếu là thường dân Ấn Độ, bị thảm sát trong một cuộc tấn công ở khu vực Kashmir do Ấn Độ quản lý. Ấn Độ cáo buộc Pakistan đứng sau vụ tấn công, một cáo buộc mà Pakistan phủ nhận.

Pakistan cho biết 8 người đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Ấn Độ hôm 7/5, bao gồm cả trẻ em, trong những gì mà thủ tướng nước này mô tả là "một hành động chiến tranh". Islamabad cũng tuyên bố đã bắn hạ năm máy bay của Không quân Ấn Độ và một máy bay không người lái trong cuộc tấn công.

New Delhi chưa công khai xác nhận tuyên bố của Pakistan. Mặc dù quyết định tấn công Pakistan của Ấn Độ không phải là điều bất ngờ khi các nhà phân tích đã nói rằng đó là vấn đề thời gian chứ không phải là có hay không, nhưng các chuyên gia cũng lo ngại rằng thế giới có thể chứng kiến ​​sự leo thang căng thẳng hơn nữa giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trong thời gian tới.

Thiệt hại sau đòn không kích bằng tên lửa của Ấn Độ gần Muzaffarabad - Pakistan vào ngày 7/5 

"Nếu chiến tranh leo thang, ngay cả khi không đến ngưỡng hạt nhân, thì rất có thể sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cả người Ấn Độ và Pakistan, cũng như toàn bộ khu vực và thế giới" - Derek J. Grossman, một nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại nhóm nghiên cứu chính sách quốc phòng RAND Corporation có trụ sở tại Mỹ nhận định.

Trong một diễn biến liên quan, các nguồn tin an ninh Pakistan tuyên bố ba trong số năm máy bay Ấn Độ mà họ bắn hạ là máy bay chiến đấu Rafale, được xem là tài sản quý giá của Không quân Ấn Độ khi nước này chỉ mới được mua lại chúng cách đây vài năm trong bối cảnh New Delhi tìm cách tăng cường năng lực quân đội.

Trước đợt leo thang mới nhất này, Ấn Độ có 36 máy bay phản lực Rafale trong lực lượng không quân, được mua từ nhà sản xuất Dassault Aviation của Pháp.

Mảnh vỡ của máy bay Rafale được cho là của Không quân Ấn Độ bị Pakistan bắn hạ - Ảnh: Reuters

Các máy bay phản lực này được đặt hàng lần đầu tiên vào năm 2016 và bắt đầu được giao vào năm 2020. Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ - Rajnath Singh tuyên bố các máy bay phản lực mới này "thuộc loại tốt nhất thế giới" và sẽ giúp Không quân Ấn Độ "mạnh hơn nhiều để ngăn chặn mọi mối đe dọa có thể xảy ra với đất nước".

Vào cuối tháng 4, Ấn Độ đã ký một thỏa thuận trị giá 7,4 tỷ đô la để mua thêm 26 máy bay phản lực Rafale từ Pháp, dự kiến ​​giao hàng từ năm 2030.

Theo nhà sản xuất, các máy bay phản lực này có phiên bản một chỗ ngồi hoặc hai chỗ ngồi và có thể được trang bị tên lửa không đối không, không đối đất và tên lửa chống hạm cũng như pháo 30mm. Dassault Aviation cũng quảng cáo rằng những chiến đấu cơ này sở hữu hệ thống kiểm soát bay, bao gồm khả năng bay ở chế độ lái tự động theo địa hình trong mọi điều kiện thời tiết.

Khoảnh khắc tên lửa nã trúng mục tiêu ở Pakistan 

Rafale không phải là máy bay phản lực tàng hình, nhưng được quảng cáo là không dễ bị phát hiện trên radar. Nó cũng có một lợi thế riêng biệt đó là kinh nghiệm chiến đấu khi Pháp đã sử dụng các loại máy bay này trong các hoạt động ở Afghanistan, Libya, Mali, Iraq và Syria.

Các cuộc không kích của Ấn Độ diễn ra sau nhiều ngày dư luận trong nước gây áp lực lên Thủ tướng Narendra Modi.

Tháng trước, các chiến binh đã tấn công vào khu vực miền núi Pahalgam, giết chết 25 du khách Ấn Độ. Vụ thảm sát ngay lập tức làm bùng nổ căng thẳng trong mối quan hệ vốn đã thù địch giữa New Delhi và Islamabad, với việc New Delhi nhanh chóng đổ lỗi cho nước láng giềng.

Ông Modi là một nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc Hindu mạnh mẽ, người đã tự định vị mình là người bảo vệ quốc gia và năm ngoái đã giành được nhiệm kỳ thứ ba. Sau vụ việc ở Pahalgam, ông ngay lập tức tuyên bố sẽ truy đuổi những kẻ tấn công "đến tận cùng trái đất".

Sau vụ thảm sát, các phương tiện truyền thông của Ấn Độ đã ngay lập tức kêu gọi tấn công trả đũa.

Một người đàn ông bị thương đang được chữa trị ở Bahawalpur, bang Punjab sau đòn không kích của Ấn Độ vào sáng 7/5 - Ảnh: ISPR

Các nhà phân tích trước đó cho biết chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi Modi và Đảng Bharatiya Janata (BJP) của ông đáp trả bằng vũ lực.

“Modi và chính phủ của ông tin rằng việc đáp trả vụ Pahalgam là bắt buộc. Người dân Ấn Độ rất có thể sẽ ủng hộ phản ứng của New Delhi, bất kể cho đó là gì, có lẽ ngoại trừ phản ứng hạt nhân vì họ tin rằng hành động tương tự của Pakistan phải bị ngăn chặn trong tương lai” -  Derek J. Grossman, một nhà phân tích quốc phòng cấp cao đến từ tổ chức tư vấn chiến lược RAND Corporation nhận định với đài CNN.

Ấn Độ nã tên lửa vào lãnh thổ Pakistan khiến nhiều người thiệt mạng
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang