Giải đáp pháp luật:

Bị can không biết chữ có được hỗ trợ pháp lý?

Thứ Hai, 24/02/2025 15:01

|

Hỏi: Do mâu thuẫn, cháu tôi có đánh nhau với người khác, bị bắt tạm giam 3 tháng. Cháu không biết chữ thì việc lấy lời khai thế nào cho đúng, gia đình có thể yêu cầu luật sư (LS) hỗ trợ không? (Vương Thị Hường, Phường 4, Quận 3).

Trả lời:

1. Về việc lấy lời khai của người không biết chữ, Điều 133 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 quy định khi tiến hành hoạt động tố tụng (TT) phải lập biên bản theo mẫu thống nhất; trong đó ghi rõ địa điểm, giờ, ngày, tháng, năm tiến hành TT, thời gian bắt đầu và kết thúc, nội dung của hoạt động TT, người có thẩm quyền tiến hành TT, người tham gia TT hoặc người liên quan đến hoạt động TT, khiếu nại, yêu cầu hoặc đề nghị của họ.

Trường hợp người tham gia TT không biết chữ thì người lập biên bản đọc cho họ nghe với sự có mặt của người chứng kiến. Biên bản phải có điểm chỉ của người tham gia TT và chữ ký của người chứng kiến.

2. Về chỉ định người bào chữa (NBC), Điều 76 BLTTHS 2015 quy định:

- Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân của họ không mời NBC thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành TT phải chỉ định NBC cho họ:

+ Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật Hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;

+ Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.

- Cơ quan có thẩm quyền tiến hành TT phải yêu cầu hoặc đề nghị các tổ chức sau đây cử NBC cho các trường hợp nêu trên:

+ Đoàn LS phân công tổ chức hành nghề LS cử NBC;

+ Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước cử trợ giúp viên pháp lý, LS bào chữa cho người thuộc diện được trợ giúp pháp lý;

+ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.

- Những người sau đây được trợ giúp pháp lý miễn phí:

+ Người có công với Cách mạng; người thuộc hộ nghèo; hộ cận nghèo; trẻ em; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

+ Người có khó khăn về tài chính là người thuộc hộ cận nghèo hoặc là người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định pháp luật, bao gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người; người nhiễm HIV.

Bình luận (0)

Lên đầu trang