13 NẠN NHÂN, CHỈ CÓ 4 NGƯỜI ĐƯỢC “CÔNG NHẬN”
Sau phần thủ tục, HĐXX phúc thẩm tóm tắt lại nội dung bản án sơ thẩm số 09/2019/HS.ST ngày 29-3-2019 của TAND tỉnh Trà Vinh (bản án 09). Liên quan đến vụ án này, Báo CATP đã có bài phản ánh (đăng ngày 24-9-2019), chỉ ra nhiều điểm bất thường.
Theo đó, năm 2009, Nguyễn Thị Phượng Anh (SN 1980, ngụ khóm 4, thị trấn Trà Cú, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) xây dựng phòng trọ, mở quán giải khát số 777 tại khóm 4, thị trấn Trà Cú, để kinh doanh. Chi phí cho việc xây dựng khoảng 1 tỷ đồng, bị cáo vay mượn và tham gia các dây hụi.
Từ năm 2010 đến đầu 2014, để có vốn kinh doanh và có tiền trả nợ, đóng lãi, đóng hụi, tiêu xài cá nhân, Anh làm thêm dịch vụ cho vay tiền đáo hạn ngân hàng. Những ai cần số tiền lớn, bị cáo vay của người khác rồi cho vay lại với lãi suất cao để hưởng chênh lệch. Thời gian đầu, Anh nói rõ mục đích vay rồi trả tiền đầy đủ nên lấy được lòng tin của chủ nợ.
Khi tạo sự tin tưởng, nhiều người tiếp tục cho Anh mượn tiền, dù con nợ không nói rõ mục đích vay để làm gì. Đến cuối năm 2014, Anh nợ nhiều người và mất khả năng chi trả. Thế nhưng, từ năm 2015 đến đầu 2017, Anh tiếp tục vay của 13 người với tổng số tiền 56,854 tỷ đồng, rồi tuyên bố vỡ nợ.
Bị cáo Nguyễn Thị Phượng Anh tại tòa phúc thẩm
Trong số 13 nạn nhân, chỉ có 4 người được xác định là bị hại, bị cáo Anh dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt 7,822 tỷ đồng. Số còn lại là giao dịch dân sự, trở thành “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” trong vụ án.
Tuyên bố bị cáo phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tòa cấp sơ thẩm xử phạt Anh 13 năm tù; buộc bị cáo trả lại cho 4 bị hại số tiền đã chiếm đoạt.
Do không được tòa tuyên về quyền lợi liên quan đến số tiền bị chiếm đoạt 22,18 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Hiền (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) đã có đơn kháng cáo, đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem xét lại toàn diện vụ án. Ngoài bà Hiền, một số nạn nhân cũng gửi đơn kêu cứu khắp nơi vì bị “bỏ rơi”.
LỘ RÕ DẤU HIÊU BỎ LỌT TỘI PHẠM
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện VKSND cấp cao tại TPHCM, giữ quyền công tố, cho rằng: án sơ thẩm xác định tư cách “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” đối với bà Hiền là có căn cứ nên đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo của nạn nhân, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Bảo vệ quyền lợi cho bà Hiền, hai luật sư (LS) Trần Hải Đức và Nguyễn Minh Tường (Văn phòng LS Trần Hải Đức, TPHCM) cùng chỉ ra bản án sơ thẩm có nhiều sai phạm nghiêm trọng về cả tố tụng lẫn nội dung. Cụ thể:
Thứ nhất, theo hồ sơ vụ án, ngay từ đầu, các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm xác định có 11 bị hại với số tiền rất lớn, trong đó có bà Hiền. Tuy nhiên, sau đó số bị hại chỉ có 4 người, bị chiếm đoạt 7,822 tỷ đồng; còn lại trở thành “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”. Đến khi xét xử, TAND tỉnh Trà Vinh với HĐXX do thẩm phán Nguyễn Văn Thành ngồi chủ tọa, ra bản án số 09, “bỏ rơi” toàn bộ những người liên quan này.
Việc tòa cấp sơ thẩm chưa làm rõ nguồn tiền mà bị cáo Anh đã chiếm đoạt của các nạn nhân nhưng lại tách ra thành hai nhóm “bị hại” (xử lý hình sự) và “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” (dân sự) là chưa đủ căn cứ. Khi ra phán quyết, tòa “quên” tuyên phần quyền lợi của nhóm “dân sự” lại càng sai hơn.
Thứ hai, tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Anh thừa nhận, trong một số lần mượn tiền, có chồng bị cáo là ông Lê Quốc Thanh đi cùng và có ký vào giấy mượn với số tiền hơn 4,75 tỷ đồng. Tuy nhiên, hồ sơ vụ án không thể hiện giấy mượn tiền này.
Việc ông Thanh ký tên xác nhận nợ của vợ nhằm tạo vị thế, lòng tin đối với các bị hại; lấy ảnh hưởng cá nhân để lừa dối, hòng chiếm đoạt số tiền lớn hơn của nhiều người. Rõ ràng, ông Thanh có liên quan rất lớn đến vụ án nhưng lại không được đưa vào tham gia tố tụng.
Thứ ba, bị cáo Anh sử dụng phần lớn số tiền chiếm đoạt tiền của các nạn nhân để mua đất, xây nhà, mở quán, sắm xe sang... rồi tuyên bố vỡ nợ, ngay sau đó “thuận tình ly hôn” với ông Thanh.
Tiếp đến, bị cáo mang nhiều tài sản “tặng”, bán giá rẻ cho người thân (hơn 1.200m2 nhà, đất nằm ở khu vực thị trấn Trà Cú sầm uất, có giá thị trường nhiều tỷ đồng nhưng bị cáo “vừa bán vừa cho”, chỉ thu về 70 triệu đồng). Hành vi của bị cáo nhằm hợp thức hóa việc trốn tránh trách nhiệm của ông Thanh. HĐXX cấp tòa sơ thẩm không làm rõ để có biện pháp thu hồi tài sản, trả lại cho các nạn nhân.
Theo các LS, tòa cấp sơ thẩm có nhiều mâu thuẫn, không thống nhất từ nhận định cho đến đánh giá các tình tiết, chứng cứ dẫn đến phán quyết không khách quan, lộ rõ dấu hiệu bỏ sót người, lọt tội. Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, LS đề nghị tòa cấp phúc thẩm hủy bản án 09.
Nghiên cứu toàn diện hồ sơ vụ án, qua tranh tụng công khai tại phiên tòa, HĐXX phúc thẩm xét thấy ý kiến của LS là có căn cứ nên chấp nhận. Sau khi nghị án, HĐXX tuyên: chấp nhận kháng cáo của bà Hiền, hủy toàn bộ bản án 09 của TAND tỉnh Trà Vinh, trả lại hồ sơ để điều tra, truy tố và xét xử lại theo đúng quy định của pháp luật...