‘Kỳ án’ vụ kiện mua máy in C1100- Konica Minolt: Tiến hành thẩm định lại máy in

Thứ Bảy, 07/12/2024 12:00

|

(CAO) Liên quan đến vụ kiện mua máy in C1100- Konica Minolt đã kéo dài hơn 10 năm và trải qua rất nhiều phiên tòa, ngày 6/12, Hội đồng thẩm định đã tiến hành thẩm định tại chỗ đối với vật chứng là máy in tại hai địa điểm ở Quận 3 và quận Bình Thạnh.

Tham gia hội đồng thẩm định gồm: Chủ tịch hội đồng định giá là đại diện Sở Tài chính, đại diện Cục Quản lý thị trường TPHCM, đại diện Viện kiểm sát nhân dân (VKS) TPHCM, Hội đồng xét xử (HĐXX) cấp phúc thẩm TAND TPHCM gồm 3 thẩm phán (bà Phùng Thị Như Mai, bà Vũ Thị Hường và bà Trương Thị Quỳnh Trâm), bà Phan Thị Thu Hiền - đại diện chính quyền cơ sở, các đương sự trong vụ kiện, riêng Sở Khoa học Công nghệ TPHCM từ chối tham gia Hội đồng thẩm định (trước đó Sở Khoa học Công nghệ đã có công văn về việc Sở không có chức năng trong việc thẩm định liên quan vụ kiện này).

Vật chứng vụ kiện đã 'trùm mền' gần 10 năm, được mở ra để thẩm định và ông Lương Vĩnh Kim (góc phải) người đã phải đóng cửa doanh nghiệp khi mua máy in C1100 để đi kiện khi cho rằng mình bị lừa dối.

Tại địa điểm 474 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường 2, Quận 3; Thẩm phán Phùng Thị Như Mai thông báo việc Tòa tiến hành "xem xét, thẩm định tại chỗ" và "thẩm định giá" máy in C1100 theo quyết định.

Thẩm phán Phùng Thị Như Mai thông báo các thành viên tham gia hội đồng và các đại diện của đương sự, cùng luật sư của các bên, được lên nơi đặt máy để "xem xét, thẩm định tại chỗ" và "định giá" máy in C1100. Những người khác, kể cả các phóng viên không được lên. Sau khi, chiếc máy in C1100 được mở bạt che cho Hội đồng xem xét, thẩm định tại chỗ. Đại diện của Konica Minolta phải gọi nhân viên kỹ thuật đến để mở máy cho Hội đồng thẩm định tiến hành xem xét, thẩm định bộ IC-602C, vì thế phải chờ đợi lâu.

Sau đó, đoàn di chuyển đến địa điểm ở đường 12 cư xá Chu Văn An, quận Bình Thạnh để xem xét, thẩm định màn hình của máy in C1100. Tại đây, mặc dù chủ nhà, chính quyền địa phương cũng như các thành viên của hội đồng không có ý kiến gì về việc tác nghiệp của các phóng viên nhưng thẩm phán tiếp tục yêu cầu phóng viên không được tiếp cận khu vực thẩm định.

Thẩm phán Phùng Thị Như Mai hỏi đại diện Sao Nam và Konica Minolta để họ xác nhận màn hình này có phải là màn hình của máy in C1100 mà họ bán cho Saigonbook hay không, nhưng cả hai đại diện của Sao Nam và Konica Minolta đều không xác nhận, với lý do là do màn hình bị tháo rời nên không có cơ sở xác định có phải màn hình của máy in C1100 hay không. Thẩm phán hỏi nguyên đơn về việc có đồng ý lắp màn hình vào máy in C1100 cho Sao Nam và Konica Minolta xem để xác nhận hay không nhưng cũng bị từ chối.

Việc "xem xét, thẩm định tại chỗ" và "thẩm định giá" kết thúc bằng hai biên bản, có chữ ký của các thành viên hội đồng xét xử, đại diện Sở Tài Chính, đại diện Cục Quản lý thị trường TPHCM và các đương sự, luật sư.

Trong ‘kỳ án’ này, trước đó, Thẩm phán Nguyễn Thị Tình Duyên cũng đã từng ‘‘xem xét, thẩm định tại chỗ’’ vào ngày 08/7/2022 đối với máy in C1100.

Trước đó, Thẩm phán Nguyễn Thị Tình Duyên cũng đã ‘‘xem xét, thẩm định tại chỗ’’ vào ngày 08/7/2022 đối với máy in C1100.

Như Báo Công an TPHCM từng đưa tin, nhiều năm trước, vụ kiện do nguyên đơn là Công ty TNHH Phát hành sách Sài Gòn (Saigonbook) khởi kiện khi cho rằng mình bị lừa dối trong việc mua máy in C1100- hãng Konica Minolta với giá cao; bị đơn là Công ty TNHH Thương mại - Tư vấn - Kỹ thuật Sao Nam (Công ty Sao Nam); người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gồm: Công ty TNHH Konica Minolta Business Solutions Việt Nam (KMV), Công ty TNHH MTV cho thuê tài chính Ngân hàng ÁChâu (ACBL). Vụ việc từng đưa ra xử phúc thẩm lần 3 nhưng tạm ngừng phiên tòa để giám định máy. TAND gửi văn bản đến hai nơi để thực hiện việc thẩm định là Công ty Cổ phần Thẩm định giá Vinacontrol và Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM để định nghĩa về thuật ngữ ngành in nhưng không có kết quả.

Vụ án này đã kéo dài 10 năm, trải qua 3 bản án sơ thẩm, 2 bản án phúc thẩm, VKS đã 2 lần kháng nghị giám đốc thẩm, TAND cấp cao tại TPHCM đã ban hành 2 quyết định giám đốc thẩm, hủy 2 bản án phúc thẩm giao hồ sơ về TAND TPHCM xử phúc thẩm lại lần 3. Năm 2023, khi phiên xử phúc thẩm lần 3 quyết định tạm ngừng để thẩm định lại máy in, hồ sơ vụ án từng ‘‘di giao’’ từ TAND TPHCM đến TAND tối cao. Quy trình ‘‘di giao’’ và toàn bộ tài liệu liên quan việc "di giao" các đương sự không được phép sao chụp, tiếp cận vì thuộc… bí mật!

Hai quyết định Giám đốc thẩm đều hủy án phúc thẩm, giao hồ sơ xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm

Ngày 15/11 vừa qua, TAND TPHCM mở lại phiên xét xử phúc thẩm lần 3 "kỳ án’’ vụ kiện mua máy in C1100- Konica Minolta sau hơn một năm tạm ngừng phiên tòa để giám định máy. Quá trình mở lại phiên tòa phúc thẩm lần 3, một lần nữa lại tạm ngừng để thẩm định lại máy in và quyết định thành lập Hội đồng thẩm định, công bố ngay tại phiên xử.

Bình luận (0)

Lên đầu trang