(CAO) Đến hết năm 2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản lên đến gần 800.000 tỷ đồng. Đó là chưa kể đến hơn 419 nghìn tỷ đồng dư nợ trái phiếu mà các doanh nghiệp bất động sản đang phải gánh.
Bộ Xây dựng vừa công bố báo cáo về nhà ở và thị trường BĐS Quý 4/2022 và cả năm 2022. Theo đó, năm 2022 là năm có nhiều khó khăn với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoạt động kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động, dừng hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án và triển khai các dự án mới… để tập trung tái cơ cấu nợ.
Năm 2022 là năm có nhiều thách thức với các doanh nghiệp bất động sản
Tính đến 31-12-2022 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản lên đến gần 800.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 180.743 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 22,8% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản. Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 41.815 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,3% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản…
Đáng chú ý, trong thời gian qua có một số tổ chức, cá nhân có sai phạm, bị xử lý liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản đã ảnh hưởng rất lớn đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư. Do vậy các doanh nghiệp bất động sản khó khăn hơn trong việc phát hành trái phiếu tạo nguồn vốn để triển khai thực hiện dự án cũng như cân đối dòng tiền trong hoạt động của doanh nghiệp.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tính đến 25-12-2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 2 triệu tỷ đồng, trong đó của doanh nghiệp bất động sản là 419.000 tỷ đồng (chiếm 33,6%). Bộ Xây dựng cho biết thời gian tới, một số doanh nghiệp còn phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó có thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp BĐS thu hẹp kinh doanh để tái cơ cấu nợ
Để tái cơ cấu nợ, nhiều doanh nghiệp buộc thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động; dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO; có tập đoàn giảm đến 50% lực lượng lao động… để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.
Khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến nhiều doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án. Điều này dẫn đến nguy cơ nhiều doanh nghiệp không có khả năng thanh toán, trả nợ đúng hạn.
Tuy nhiên, điểm sáng của thị trường là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản cả năm 2022 đã tăng thêm 1,85 tỷ USD, tăng hơn 70% so với cả năm 2021 và giữ vị trí thứ 2 trong các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư FDI năm 2022 với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1%, chủ yếu tập trung vào thị trường bất động sản công nghiệp và một số dự án bất động sản lớn.
Bộ Xây dựng cho rằng trong bối cảnh khó khăn của thị trường bất động sản, FDI là nguồn vốn đáng tin cậy đối với các doanh nghiệp bất động sản trong nước, giúp thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của thị trường trong dài hạn.