Thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics ở Việt Nam

Thứ Bảy, 06/03/2021 07:26

|

(CAO) Dịch bệnh Covid-19 khiến các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp Logistics nói riêng chịu nhiều ảnh hưởng. Việc dịch bệnh diễn biến phức tạp đã khiến các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này để hoạt động hiệu quả hơn.

Ngành dịch vụ Logistics có vai trò thiết yếu, là ngành dịch vụ mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao, làm nền tảng cho phát triển thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo Báo cáo Logistcis của Bộ Công thương, trong năm 2020 lĩnh vực logistics toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Chuỗi cung ứng đã bị đứt gẫy và đảo lộn, trong đó có các hoạt động logistics - xương sống của chuỗi cung ứng. Các dịch vụ vận tải hàng không, vận tải đường bộ và vận tải đường sắt bị tác động nặng nề nhất.

Các doanh nghiệp Logistics tại Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp logistics cũng không nằm ngoại lệ khi nhiều hoạt động bị ngưng trệ. Tuy nhiên, thách thức từ dịch bệnh Covid-19 lại đang thúc đẩy quá trình tự động hóa, số hóa trong lĩnh vực logistics ngày càng phát triển và trở thành xu hướng chính trong thời gian tới.

Dịch Covid-19 đã làm thay đổi cách tiêu dùng, phương thức hoạt động, trao đổi thương mại. Thương mại điện tử của nước ta đã phát triển mạnh mẽ, kéo theo các hoạt động logistics. Với sự gia tăng mạnh của số lượng các doanh nghiệp thương mại điện tử, cùng với nhu cầu thuê mặt bằng phục vụ lưu giữ, phân loại hàng hóa, hoàn tất đơn hàng…, nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt xu thế, xây dựng và đầu tư hệ thống kho, trung tâm logistics với chức năng cung ứng dịch vụ vận tải, hoàn tất đơn hàng, phân phối… theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại với chất lượng cao.

Điển hình như Tập đoàn BEST Inc. vừa chính thức đưa vận hành trung tâm phân loại hàng hóa tự động) tại khu Công nghiệp Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Trung tâm này được xây dựng trên khuôn viên rộng gần 40.000 m2, diện tích nhà xưởng 15.500 m2 với tổng vốn đầu tư 8 triệu USD. Đây là trung tâm phân loại thứ 7 của tập đoàn này tại Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong dây chuyền phân loại và điều phối hàng hóa cho dịch vụ chuyển phát nhanh BEST Express.

Dây chuyền chia chọn tự động của BEST Ins có công suất lên đến 1,3 triệu kiện hàng/ngày

Theo đó, trung tâm phân loại này gồm 2 khu vực hoạt động chính: Khu nhập hàng và Khu xuất hàng. Lấy công nghệ làm nền tảng, trung tâm phân loại hàng hóa này được trang bị các hệ thống phân loại tự động và hiện đại hoạt động với công suất cao.

Cụ thể, nơi xử lý các bưu kiện dưới 3 kg được trang bị các thiết bị phân loại tự động hai tầng đai chéo tốc độ cao, sử dụng công nghệ nhận dạng mã vạch theo thời gian thực cùng camera quét hình ảnh chất lượng cao và công nghệ theo dõi thông tin gói hàng WCS (warehouse control system) có công suất phân loại cực đại lên đến 36.000 bưu kiện mỗi giờ. Với các bưu kiện trên 3kg, các băng chuyền phân loại ma trận với khả năng xử lý các loại bưu kiện có khối lượng và kích thước phức tạp sẽ phân loại hai chiều với công suất xử lý cực đại hơn 24.000 bưu kiện mỗi giờ.

Quá trình phân loại được vận hành nhờ hệ thống khí nén và đẩy giúp đảm bảo an toàn hàng hóa và kiểm soát tỷ lệ hư hỏng khi phân loại ở mức nhỏ hơn 0,01%. Đại diện BEST Ins cho biết với tổng công suất xử lý lên đến hơn 1,3 triệu kiện hàng/ngày, việc Trung tâm phân loại TP.HCM chính thức vận hành sẽ rút ngắn đáng kể thời gian xử lý hàng hóa của dịch vụ chuyển phát nhanh BEST Express đồng thời tạo ra nguồn việc làm cho khoảng 1.000 người lao động trên địa bàn.

Các dây chuyền chia chọn hoạt động hoàn toàn tự động giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả

Tương tự, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) cũng đưa vào hoạt động Trung tâm Vận chuyển và Kho vận khu vực Bắc miền Trung đặt tại Nghệ An có tổng diện tích 21.600 m2, với hệ thống dây chuyền chia chọn tự động công suất 12.000 kiện/giờ, độ chính xác cao, nhiều chế độ chia chọn, có thể chia chọn chi tiết đến từng bưu cục.

Cùng với đầu tư hệ thống công nghệ thông tin, chuẩn hóa quy trình tổ chức sản xuất, Trung tâm Vận chuyển và Kho vận khu vực Bắc miền Trung dự tính sẽ đáp ứng được tốc độ tăng trưởng bình quân về sản lượng trên 30%/năm và giảm 50% chi phí nhân công. Các hoạt động giao nhận, vận chuyển được thực hiện thông qua phương thức giao nhận bằng xe lồng lưới cũng giảm thời gian giao nhận, nâng cao hiệu suất của phương tiện, giảm tỷ lệ hàng hóa hư hỏng.

Trung tâm logistics của Viettel Post với công suất 42.000 bưu phẩm/giờ

Mới đây Viettel Post khai trương Trung tâm Logistics miền Nam tại Quận 12, TP.HCM với hệ thống băng chuyền chia chọn tự động có công suất 42.000 bưu phẩm/giờ. Đây là hệ thống duy nhất tại Việt Nam tích hợp được chia tự động hàng nặng đến 50kg và hàng nhỏ trên cùng một kịch bản chia, do Viettel Post làm chủ sáng kiến và công nghệ.

Băng chuyền chia chọn tự động này sẽ giúp Viettel Post thay đổi hoàn toàn cách làm cũ khi cho phép chia chọn tự động một cách chính xác đến từng quận, huyện. Hàng hóa sau khi được chia chọn qua trung tâm Logistics này sẽ được kết nối đến khách hàng mà không cần thực hiện chia chọn lần hai.

Ông Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc Viettel Post cho biết “Tại Việt Nam, hiện doanh nghiệp logistics nước ngoài đang kiểm soát đến 80% dòng chảy hàng hóa. Nếu chúng ta không thay đổi, vươn mình, làm chủ về công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường Quốc tế, một ngày nào đó các doanh nghiệp Việt Nam sẽ “biến mất” trên chính đất nước mình.

Bình luận (0)

Lên đầu trang