Công an quận 12 phối hợp với các ngân hàng phòng ngừa tội phạm:

Hạn chế tối đa các loại tội phạm liên quan đến lĩnh vực ngân hàng

Thứ Tư, 08/06/2022 18:02  | Lê Bình

|

(CAO) Đó là khẳng định của Thượng tá Phạm Đình Ngọc – Trưởng CAQ12, TPHCM tại buổi lễ ký kết biên bản ghi nhớ phòng chống tội phạm giữa lực lượng CAQ12 và đại diện 56 ngân hàng hoạt động trên địa bàn quận vào chiều 8-6-2022.

Buổi lễ còn có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Văn Đức – Phó Bí thư Quận uỷ, Chủ tịch UBND Q12, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an TPHCM.

NHỮNG THỦ ĐOẠN PHẠM TỘI NGƯỜI DÂN CẦN BIẾT

Tại buổi lễ, thượng tá Phạm Đình Ngọc đã thông báo tình hình và kết quả phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng thời gian qua. Theo đó, từ ngày 15-12-2020 đến ngày 15-5-2022, địa bàn Q12 đã xảy ra 343 vụ phạm pháp hình sự (PPHS), trong đó có 19 vụ liên quan đến ngân hàng với tổng số tiền bị chiếm đoạt khoảng 1.188.284.000 đồng.

Theo báo cáo của CAQ12, từ các vụ án đã xảy ra, CQĐT đã tổng kết những nguyên nhân như sau: Thứ nhất, lợi dụng sự sơ hở, lỏng lẻo, không trang bị, lắp đặt các thiết bị bảo vệ; mất cảnh giác của lực lượng bảo vệ tại các điểm giao dịch, đối tượng phạm tội lừa chọn thời điểm thích hợp như: có ít người giao dịch, thời gian chuẩn bị nghỉ trưa hoặc buổi chiều khi nhân viên đang tổ chức kiểm kê tài sản; thường chuẩn bị vũ khí, hung khí khống chế nhân viên, uy hiếp lực lượng bảo vệ để lấy tiền, tài sản..., sau đó nhanh chóng tẩu thoát.

Các đối tượng giả mạo cán bộ ngân hàng, yêu cầu nạn nhân cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng điện tử hoặc thẻ. Gửi email, tin nhắn có chứa link truy cập vào website của dịch vụ chuyển tiền, nhận tiền thẻ từ nước ngoài, nhập thông tin đăng nhập tài khoản Internet Banking, hoặc thông tin thẻ để nhận tiền. Thực chất đây là website giả mạo nhằm đánh cắp thông tin khi khách hàng đăng nhập; sử dụng phương tiện điện tử, đánh cắp thông tin và mật khẩu chủ thẻ ngân hàng, kích hoạt máy trụ ATM, đánh cắp tiền đang được lưu giữ tại các trụ ATM….

Lãnh đạo Công an Q12 ký kết văn bản phối hợp phòng chống tội phạm với đại diện các ngân hàng

Một hình thức khá phổ biến hiện nay là lừa khách hàng tự chuyển tiền; bọn tội phạm thường sử dụng cuộc gọi điện thoại giả danh CQĐT thông báo liên quan đến một vụ án bất kỳ và yêu cầu khách hàng chuyển tiền để phục vụ điều tra.

Thông báo thông tin giả về trúng thưởng từ ngân hàng hoặc các công ty lớn, yêu cầu cung cấp mã OTP khách hàng. Đối tượng gọi điện thoại giả danh cán bộ cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, nhân viên ngân hàng, người cho vay trực tuyến... yêu cầu cung cấp thông tin thẻ ngân hàng để nhận gửi bưu phẩm hoặc giấy triệu tập, chuyển tiền vào tài khoản chỉ định trước để phục vụ điều tra....; giả mạo người cho vay trực tuyến lừa khách hàng có nhu cầu vay vốn, yêu cầu cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng điện tử nhằm đánh cắp tiền trong tài khoản của người khác.

Thời gian qua, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, bảo mật hiện đại nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo thuận lợi cho khách hàng, nhưng cùng với đó là những nguy cơ, lỗ hổng, tạo điều kiện cho tội phạm lợi dụng.

Thực trạng gần đây cho thấy, các sự vụ gian lận ngân hàng liên quan đến tội phạm công nghệ cao đang ngày càng phổ biến. Các đối tượng có kỹ năng về công nghệ thông tin, cách thức phạm tội và thủ đoạn che giấu tinh vi, không gian phạm tội “ảo” trên internet khó xác định được địa bàn cụ thể, danh tính và địa chỉ thật... là những khó khăn trong hoạt động phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng.

Ý THỨC CỦA NGƯỜI DÂN TRONG PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM

Để nâng cao hiệu quả trong công tác phòng chống tội phạm trên lĩnh vực ngân hàng, CAQ12 phối hợp với 56 ngân hàng hoạt động trên địa bàn trong công tác phòng ngừa như: Thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao ý thức cảnh giác cho lực lượng bảo vệ, cán bộ, nhân viên ngân hàng trong công tác phòng, chống tội phạm, chú ý vào các thời điểm thường xảy ra hành vi phạm tội; làm tốt công tác bảo vệ nội bộ, nhất là trong khâu tuyển dụng nhân viên và bố trí nhân sự tại các điểm giao dịch; xây dựng phương án phòng, chống cướp, đột nhập ngân hàng, sử dụng thẻ ATM giả, thực tập xử lý các tình huống giả định để khi xảy ra có thể vận dụng được ngay; quan tâm tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, võ thuật cho lực lượng bảo vệ đủ sức hoàn thành nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, cần tăng cường trang bị các hệ thống camera, hệ thống báo động tại các điểm giao dịch, các trụ máy ATM; phân công nhân viên thường xuyên trực 24/24 giờ đường dây điện thoại nóng (hotline) để tiếp nhận thông tin phản ánh và thông báo kịp thời cho lực lượng Công an để phối hợp xử lý. Khi khách hàng có hoạt động gửi, chuyển số tiền lớn đi kèm tâm lý lo lắng, bất ổn thì nhân viên ngân hàng nên tư vấn, trao đổi thông tin về thủ đoạn hoạt động lừa đảo để nhân dân cảnh giác.

Các ngân hàng cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan Công an trong việc trang bị, lắp đặt các hệ thống thiết bị phục vụ công tác phối hợp phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh đối với tội phạm cướp ngân hàng; trang bị đầy đủ các công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ; thực hiện việc kết nối nút báo động khẩn cấp với Công an nơi gần nhất; xây dựng các phương án phòng, chống cướp ngân hàng; ngoài ra thường xuyên rà soát các website giả mạo, cảnh báo khách hàng về việc không nên đăng nhập vào các website có dấu hiệu nghi vấn, đường link nghi vấn, không cung cấp thông tin tài khoản, thẻ trên các đường link này; cảnh báo khi tài khoản của khách hàng đăng nhập từ thiết bị lạ hoặc khi thay đổi phương thức xác thực.

Thượng tá Phạm Đình Ngọc cho biết: Nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, ý thức cảnh giác của người dân đóng vai trò rất quan trọng. Ngân hàng cần phổ biến cho người dân giữ bí mật thông tin bảo mật các dịch vụ (tuyệt đối không tiết lộ mã PIN thẻ, mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch một lần OTP, mật khẩu truy cập địa chỉ email,... kể cả nhân viên ngân hàng). 

Thượng tá Phạm Đình Ngọc phát biểu tại lễ ký kết

Kiểm tra thông tin của trang website khi thực hiện giao dịch, trực tuyến (chỉ nên thực hiện tại các website uy tín, có độ bảo mật cao...). Hạn chế sử dụng mạng wifi công cộng, luôn tải và cập nhật các phần mềm bảo mật, diệt virus, tường lửa cũng như phiên bản mới nhất của các ứng dụng cung cấp bởi Ngân hàng. Luôn thoát khỏi các dịch vụ và ứng dụng với dịch vụ điện tử và các website thương mại điện tử ngay sau khi hoàn thành phiên giao dịch.

Thận trọng khi giao dịch thẻ tại ATM, POS, phải quan sát dấu hiệu lạ khe thẻ trên máy ATM và che bàn phím khi nhập mã PIN. Đăng ký dịch vụ thông báo biến động số dư tài khoản nhằm kịp thời phát hiện và giảm thiểu rủi ro liên quan đến các giao dịch bất thường... Cảnh giác với các cuộc gọi tự xưng Công an, Viện kiểm sát, nhân viên ngân hàng... thông báo giám định, trúng thưởng, nhận quà, xác minh và đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản chỉ định…

Sau phần tham luận của đại diện một số ngân hàng, dưới sự chứng kiến của đồng chí Nguyễn Văn Đức – Chủ tịch UBND Q12 và các phòng ban nghiệp vụ của Bộ Công an và CATP, lễ ký kết văn bản ghi nhớ về phòng chống tội phạm đã diễn ra giữa lãnh đạo CAQ12 và đại diện các ngân hàng đây là cơ sở cho việc phối hợp phòng chống tội phạm hiệu quả giữa các bên trên lĩnh vực ngân hàng trong thời gian tới.

Sau lễ ký kết, các đại biểu đã nghe Thiếu tá Nguyễn Hoài Nam – Phó phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao – Bộ Công an trình bày về các phương thức, thủ đoạn bọn tội phạm chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Đại tá Lê Trung Thành - Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự - CATP cũng giới thiệu về một số biện pháp nghiệp vụ để các đơn vị nắm, vận dụng vào công tác phòng chống tội phạm, xử lý các tình huống phức tạp xảy ra đột xuất liên quan đến ngân hàng trong lĩnh vực tài chính tiền tệ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang