Điều tra vụ vay lãi nặng và chiêu lừa tinh vi

Thứ Bảy, 21/05/2022 11:22  | Quốc Phong

|

(CATP) Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đang thụ lý điều tra đường dây có dấu hiệu cho vay lãi nặng, người dân đã từng vay tiền thông qua mạng xã hội cần liên hệ để sớm xử lý những đối tượng này. Bên cạnh đó, hiện lực lượng chức năng cũng đang tiến hành truy tìm kẻ chủ mưu vụ lừa hàng trăm triệu đồng thông qua thủ đoạn rất tinh vi. Càng báo động hơn, đó là tình trạng lừa đảo mang tính "quốc tế" gây ra nhiều hậu quả khôn lường. Thủ phạm là người nước ngoài

Ngày 19-5, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM cho biết đang kiểm tra, xác minh vụ việc có dấu hiệu cho vay lãi nặng, do Gao Fei (SN 1991, quốc tịch TQ; hộ chiếu E46168373) cùng đồng bọn thực hiện. Với thủ đoạn đăng ký tạo ứng dụng cho vay tiền trên ineternet rồi quảng cáo, mời chào nhiều người đăng nhập vào ứng dụng như: "Modong", "Sieuvay", "Vay bat tan", "Vay nhanh", "Vay lien" để vay tiền không cần thế chấp tài sản.

Các hành vi này đã được Cơ quan CSĐT thu thập chứng cứ và tài liệu tại TPHCM và các tỉnh thành khác từ đầu năm 2022 đến nay. Cũng theo Cơ quan CSĐT Công an TPHCM, qua quá trình xác minh, Cơ quan CSĐT xác định các đối tượng điều hành Công ty TNHH Công nghệ Vĩnh Hưng Phát để cho người khác vay tiền thông qua các ứng dụng như nêu trên. Đến hạn thanh toán các khoản vay, người vay trả tiền bằng cách chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do các đối tượng chỉ định...

Theo điều tra ban đầu, Gao Fei câu kết với một số người Việt Nam thực hiện thông qua các ứng dụng trên internet và các đối tượng này chỉ định các số tài khoản ngân hàng để người vay trả tiền gồm: Tài khoản 902013440556 (tên tài khoản AP NTT), tài khoản số 902013442628 (tên tài khoản AP TVB), tài khoản số 902013317168 (tên tài khoản AP TKT), Ngân hàng Vietinbank số tài khoản 111002701888, tài khoản mang tên EASY PAY và số tài khoản 111002701888 mang tên CTY DOSO CYFOU.

Mời chào đầu tư sàn quốc tế. Ảnh minh hoạ

Cơ quan CSĐT Công an TPHCM cho biết, những ai đã vay tiền thông qua các ứng dụng trên internet như nêu trên và đã chuyển tiền qua các tài khoản cho đường dây này, cần liên hệ ngay với Cơ quan CSĐT Công an TPHCM, Đội 8 - Phòng Cảnh sát Hình sự (số 459 đường Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1), ĐT: 0693187244, gặp điều tra viên Trương Cường Thịnh để cung cấp thông tin, nhằm làm rõ xử lý các đối tượng có dấu hiệu cho vay lãi nặng.

Gọi điện thoại mời làm việc

Chiều cùng ngày, Cơ quan CSĐT Công an quận 1 cho biết vừa thụ lý điều tra vụ lừa đảo kiểu mới, rất tinh vi làm nạn nhân rất dễ sập bẫy. Theo đó, từ ngày 8-5, anh T.H.Q (ngụ quận Bình Thạnh) nhận được điện thoại từ số 0709339... tự xưng là nhân viên phòng nhân sự truyền thông một công ty và mời chào bằng giọng điệu rất dễ làm quen. Với công việc "bán thời gian" vừa nhẹ nhàng vừa kiến tiền lớn. Không những để tạo lòng tin cho nạn nhân, kẻ lừa đảo còn đưa ra một loạt cam kết, trong đó anh Q. nhận ngay tiền "hoa hồng" khi làm việc bán thời gian, mà chỉ cần làm trên ứng dụng mạng internet là được. Sau khi thuyết phục nạn nhân nạp tiền vào tài khoản để "chạy doanh thu".

Công an TPHCM cảnh báo: Thời gian qua, đơn vị ghi nhận nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi của các nhóm lừa đảo bằng công nghệ cao, vì vậy người dân nâng cao cảnh giác, để bảo vệ tài sản của chính mình. Người dân không cung cấp mật khẩu và mã xác thực (OTP) của ví điện tử cho bất kỳ ai bên ngoài ứng dụng, không thực hiện theo các tin nhắn có nội dung giả mạo. Bên cạnh đó, không bấm vào đường link lạ để nhập mật khẩu và mã xác thực (OTP); đồng thời luôn tra cứu, tìm hiểu thông tin để nắm chắc mục đích, ý nghĩa của các cú pháp tin nhắn trước khi thực hiện. Công an TPHCM khuyến cáo các doanh nghiệp và người dân khi làm các thủ tục liên quan đến ngân hàng cần liên hệ trực tiếp với các ngân hàng đó. Doanh nghiệp, người dân không sử dụng các dịch vụ trên các trang mạng xã hội, không thông qua người trung gian (mà không biết rõ người đó) để tránh những rủi ro liên quan đến tài sản của mình.

Bước đầu, anh Q. nạp một khoản tiền nhỏ vào số tài khoản do chúng đưa ra, là ngân hàng BIDV. Ngay lập tức, Q. có một số điểm tương ứng với số tiền mà anh đã nạp vào tài khoản. Cũng ngay lập tức, tương ứng số điểm nạp vào tài khoản, là số tiền "hoa hồng" được chi trả ngay cho người nạp. Nhằm tạo lòng tin, kiểu mua bán ảo, nạp tiền càng nhiều, càng cao, thì số điểm tương ứng càng lớn, khiến người nạp cũng từ đó mà nhận được tiền "hoa hồng" tăng dần, và được cho rằng đây là việc làm "bán thời gian" kiếm được tiền nhanh đến như vậy.

Chỉ trong vài ngày, anh Q. đã 8 lần chuyển tiền tổng cộng hơn 362 triệu đồng, tương đương số điểm quy đổi ra và Q. được chúng chi "hoa hồng" một khoản tiền nhỏ. Tuy nhiên, sau nhiều lần chuyển tiền, thấy nghi ngờ, nên anh Q. muốn rút tiền về, thì liền bị chúng vòng vo và yêu cầu anh tiếp tục tích lũy điểm để nhận thêm tiền lãi doanh thu. Thấy kỳ lạ, anh Q. liền đáp trả muốn lấy lại tiền của mình đã nạp vào các tài khoản do chúng đưa ra, liền bị từ chối. Biết bị lừa tiền, bị hại đã đến Cơ quan CSĐT Công an quận 1 trình báo việc mất tổng cộng hơn 341 triệu đồng.

Sập bẫy sàn "quốc tế"

Nguy hiểm hơn, hiện nay xuất hiện cả tình trạng mời chào mua bán trên sàn chứng khoán, ngoại hối quốc tế với lợi nhuận kếch xù. Cụ thể như trường hợp chị N.L (ngụ TPHCM), chỉ trong vài ngày đầu tư chứng khoán mang tầm quốc tế và hậu quả là mất trắng 77 triệu đồng. Theo trần tình từ nạn nhân, một người tự xưng là Duy gọi vào số máy chị L. và liên tục mời chị tham gia đầu tư sàn giao dịch chứng khoán quốc tế, tuy nhiên lúc đầu chị từ chối. Không bỏ cuộc, Duy vẫn tiếp tục gọi mời chào từ tháng 2 đến tháng 5-2022. Cố tình chèo kéo người tham gia, đối tượng gọi hàng chục cuộc điện thoại, nào mời chào cho đến rao giảng những món hời mà nhà đầu tư sẽ thu về lợi nhuận hậu hĩnh.

Cảnh giác với các kiểu lừa đảo

Theo đó, Duy gọi điện mời chị L. mua cổ phiếu của hãng BMW là một công ty ôtô danh tiếng của Đức. Kèm theo là nếu chị L đầu tư sẽ được chia cổ tức từ công ty tầm cỡ quốc tế này. Cứ mỗi năm, công ty ôtô BMW chia cổ tức một lần vào ngày 12-5. Nếu chị bỏ lỡ cơ hội này thì khá tiếc... Rồi nếu hôm qua chị kịp mua 1.000 cổ phiếu BMW thì mình đã có lợi nhuận 2.340 EUR rồi. Cứ thế Duy thúc giục L. tham gia ngay để có phần chia cổ tức với số tiền lớn. Tin lời, chị L. bắt đầu tham gia theo hướng dẫn của người tên Duy, đầu tư hơn 30 triệu đồng trên sàn "Trade Time". Theo hướng dẫn, L. chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của Công ty TNHH Juz Sales. Cũng để tạo bất ngờ, ngay khi chuyển tiền thành công, chị L. nhận được một tài khoản trên ứng dụng mang tên "Meta Trader 5" với số tiền trong tài khoản là 1.342,57USD và thực hiện mua ngay 300 cổ phiếu BMW.

Chưa hết, để dẫn dụ "con mồi", một người tên Long và cũng tự giới thiệu là chuyên gia cùng chỗ với Duy, được phân công tư vấn giao dịch của chị L. Đối tượng khuyên chị L. nhanh chóng chuyển thêm 1.000USD vào tài khoản, rồi lên thêm 2.000USD, vì theo lý giải của người tên Long là để giải cứu tài khoản trước đây do chị L. đầu tư đã bị "âm" (?). Lại làm theo hướng dẫn, chị L. vay nợ người quen thực hiện chuyển vào tài khoản của Công ty TNHH Juz Sales thêm 46 triệu đồng nữa, được quy đổi ra là 1.992,2 USD và sau đó được Long hỗ trợ "khử âm" tài khoản.

Đến ngày 11-5, Long báo chị L. tài khoản thanh khoản (tức là rút tiền) 2.000USD và đã báo lên trên để xử lý. Khoảng 30 phút sau, Long gọi L. bán EURTRY (tỷ giá euro/lira Thổ Nhĩ Kỳ) nhưng sau đó nói mua khối lượng 2.5 lot mã này gấp cho Long. Như dính vào mớ bòng bong, thấy khối lượng 2.5 lot cũng không nhiều nên chị L làm theo vì nghĩ nếu thanh khoản 2.000USD thì vẫn còn tiền trong tài khoản để mua. Sau khi vào lệnh, tài khoản ngay lập tức hiện lên màu đỏ (tức là bị lỗ), lúc này Long báo chị L bán gấp khối lượng 2.5 lot mã này. Chị L. hoảng quá nên làm theo nhưng tài khoản vẫn bị âm.

Tài khoản liên tục bị... lỗ

Cho đến sáng 12-5, xuất hiện một phụ nữ giới thiệu tên là Khuê nhận là "cấp cao" của sàn giao dịch chứng khoán quốc tế "Trade Time" gọi điện cho chị L, thông báo: "Quan sát trên hệ thống thấy được tài khoản của chị đang bị âm và có nguy cơ mất hết". Chị L. cho biết tài khoản đang được Long tư vấn giao dịch, thì người phụ nữ tên Khuê thông báo: "Long đang bị kỷ luật đình chỉ 1 tuần vì tư vấn cho chị sai". Lúc này, Khuê đưa ra 2 giải pháp: "Một là nộp thêm 3.000USD để khử âm tài khoản, còn không thì cắt lỗ. Bên sàn sẽ có người hỗ trợ sao cho việc cắt lỗ thấp nhất. Tạm thời sàn sẽ cho chị vay 1.000USD để tài khoản được an toàn và có đủ thời giam thu xếp tiền chuyển vào". Lúc này L. cho biết có nghi ngờ dấu hiệu bọn lừa đảo sàn quốc tế đối với mình, nên sau một ngày suy nghĩ chị đã quyết định "cắt lỗ" và yêu cầu Khuê canh cắt lỗ giúp.

Đúng như phán đoán, người phụ nữ tên Khuê liền "cảnh báo" chị L. là nếu cắt sẽ bị thoát ngay ra ngoài tài khoản và mất hết tiền. Lúc đó chị L không còn cách nào khác và xác nhận "cắt". Chỉ có thế, Khuê đồng ý rất nhanh và cắt lỗ cho L. ngay lập tức. Lúc này, tài khoản của chị L. ngưng giao dịch và âm 800USD. Chị L. thẫn thờ vì toàn bộ số tiền 77 triệu đồng mất sạch. Hay chị T. (ngụ quận 1) đầu tư vào sàn ngoại hối sau mời chào của những cuộc gọi tự xưng là nhân viên sàn giao dịch quốc tế "sàn ngoại hối Bostonmex". Hậu quả, chị mất trắng gần 400 triệu đồng sau khi đầu tư theo dẫn dụ của bọn lừa đảo...

Theo chuyên gia phân tích chứng khoán, ngoại hối, với những chiêu trò tung hứng như nêu trên, những sàn giao dịch chứng khoán, ngoại hối tạo ra các "kịch bản" để "nhốt" tiền của nhà đầu tư. Ai đã nộp tiền vào rồi thì dù có thắng cũng không thể rút tiền ra, đến khi nào lệnh trên tài khoản âm hết, tự đóng tài khoản. Nói là lỗ vì đầu tư nhưng thật ra các sàn này chưa chắc đã liên thông với quốc tế mà đó chỉ là chiêu trò để chiếm đoạt tiền. Cơ quan chức năng, báo chí liên tục cảnh báo những sàn này hoạt động trái phép, lừa đảo nên người dân không nên tham gia mà mất tiền.

Bình luận (0)

Lên đầu trang