Vụ trúng thầu đấu giá 4 lô đất tại Thủ Thiêm: 2 bỏ cọc, 2 tài khoản rỗng

Thứ Bảy, 21/05/2022 11:12

|

(CATP) Con số cực khủng với 37.346 tỷ đồng, trúng đấu giá với 4 lô đất tại Thủ Thiêm (TPHCM) diện tích hơn 30.014m2. Tuy nhiên, trong đó có lô đất nếu tính ra giá bình quân m2, thì hơn 2,4 tỷ đồng/m2. Thế nhưng, vấn đề hiện nay là 2 doanh nghiệp bỏ cọc, còn lại 2 doanh nghiệp lại đang bị quyết định cưỡng chế khi trong tài khoản ngân hàng của cả hai đều trống trơn (?!).

Hành trình đấu giá "khủng"

Có thể nói đây là lần đầu tiên tại TPHCM, cũng như cả nước có đấu giá đất với con số lớn đến như vậy. Theo đó, ngày 17-12-2021, với 4 công ty đấu thầu trúng đấu giá vào phiên diễn ra ngày 10-12-2021 (tức trước đó 1 tuần) đã ký kết hợp đồng với các cơ quan chức năng TPHCM, gồm 3 bên, 4 công ty trúng đấu giá, Trung tâm Phát triển Quỹ đất TPHCM và Trung tâm Dịch vụ Đấu giá tài sản TPHCM. Buổi ký kết diễn ra có phần long trọng, tặng hoa và nhiều lời tán dương, khen ngợi.

Hợp đồng trúng đấu giá thời hạn thanh toán là 180 ngày, trong trường hợp doanh nghiệp không hoàn thành nộp vào ngân sách Nhà nước trong khoảng thời gian này, cơ quan thuế sẽ thông báo Trung tâm Bán đấu giá tài sản TPHCM, UBND TPHCM. Lúc này, hợp đồng trúng giá mới chính thức bị hủy bỏ. Khi có công ty xin bỏ cọc, TPHCM sẽ giao cho một cơ quan chức năng mời đơn vị này lên, hướng dẫn các thủ tục theo quy định pháp luật để hủy hợp đồng mua bán đã ký trước đó cũng như thông báo quyền, nghĩa vụ phát sinh khi hủy hợp đồng. Tiền đặc cọc theo quy định phải nộp là 20% trên giá trị giá khởi điểm, trong 4 công ty trúng đấu giá đất Thủ Thiêm, có Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đã bỏ cọc gần 600 tỷ đồng.

Như vậy, 4 công ty trúng đấu giá gồm: Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, trúng đấu giá lô đất số 3-12, có diện tích 10.059,7m2 với giá 24.500 tỷ đồng (đây là công ty có giá cáo nhất, với hơn 2,4 tỷ đồng/m2). Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh nhà thương mại Bình Minh, lô số 3-9, diện tích 5.009,1m2, giá 5.026 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Sheen Mega lô số 3-8, diện tích 8.500m2, giá 4.000 tỷ đồng và Công ty Cổ phần Dream Repubic lô số 3-5, diện tích 6.446m2, giá 3.820 tỷ đồng.

Theo như quy định, thì 30 ngày sau, cơ quan thuế sẽ ra thông báo và 4 công ty trúng thầu nêu trên phải nộp 50% giá trúng thầu vào tài khoản của ngân sách Nhà nước và 60 ngày tiếp theo phải thanh toán đủ số tiền còn lại. Thế nhưng, 2 công ty thì bỏ cọc đấu thầu, còn lại 2 công ty tính đến nay (ngày 18-5-2022), cơ quan thuế kiểm tra tài khoản ngân hàng thì đều... không có tiền (!?).

2 khu đất hiện nay 2 công ty bị cưỡng chế thuế, nhưng trong tài khoản khoản không có tiền (ảnh N.D)

Từ cưỡng chế đến tài khoản... không tiền

Theo nguồn tin của Báo Công an TPHCM, ngày 19-5, cơ quan thuế TPHCM tổ chức thông tin về thuế, trong đó có thông tin xung quanh vụ việc cưỡng chế, cũng như tình trạng tài sản đối với 2 công ty hiện nay "chưa bỏ cọc" sau khi trúng đấu thầu 2 lô đất tại Thủ Thiêm. Cụ thể, Cục Thuế TPHCM kiểm tra tài khoản ngân hàng 2 công ty trúng đấu giá đất Khu đô thị Thủ Thiêm không có tiền. Đây là điều xảy ra với 2 công ty này, vì đã sau 10 ngày thực hiện Quyết định cưỡng chế, nhưng không thu được đồng nào.

Vào đầu tháng 5-2022, Chi cục Thuế TP.Thủ Đức (TPHCM) đã ra quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản 2 công ty là Công ty Cổ phần Dream Republic và Công ty Cổ phần Sheen Mega do quá hạn đóng tiền trúng lô đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức). Trước khi có động thái này, cơ quan thuế vào đầu tháng 1-2022 đã ban hành thông báo đến 2 công ty, trong vòng 30 ngày là thời hạn đóng tiền đợt 1 với 50% tiền sử dụng đất và trong vòng 90 ngày là thời hạn đóng tiền đợt 2 (50% còn lại). Sau 90 ngày, hết thời hạn nộp thuế mà 2 công ty vẫn chưa thực hiện đóng tiền vào ngân sách Nhà nước, do vậy cơ quan thuế thực hiện quyết định cưỡng chế tài khoản ngân hàng. Thế nhưng, đến nay cả 2 tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp đều không có tiền.

Cũng theo cơ quan thuế, sau khi áp dụng cưỡng chế tài khoản, cơ quan thuế sẽ triển khai các biện pháp cưỡng chế khác như khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập, dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, ngừng sử dụng hóa đơn, kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên, thu tiền, tài sản khác của người nộp thuế bị cưỡng chế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang giữ. Biện pháp cưỡng chế cuối cùng là thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.

Chưa hết, theo Cục thuế TPHCM, Công ty Cổ phần Dream Republic và Công ty Cổ phần Sheen Mega chưa nộp tiền trúng đấu giá đất Khu đô thị Thủ Thiêm nên số tiền phạt chậm nộp cũng đã lên gần 70 tỉ đồng. Như vậy, tính từ năm ngoái (2012) đến nay, theo như hợp đồng đã ký với các cơ quan chức năng TPHCM, thời gian nộp tiền trúng đấu giá là 180 ngày. Tuy nhiên theo quy định thuế, 2 doanh nghiệp chưa nộp tiền thuế vào ngân sách Nhà nước, số tiền trên sẽ tính chậm nộp 0,03%/ngày. Thế nhưng đã quá thời hạn phải nộp tiền, 2 công ty này vẫn chưa đóng đồng nào.

Nơi có 4 khu đất trúng thầu

Mới đây, cả 2 công ty đều kiến nghị được thực hiện trả dần số tiền trên bao gồm cả tiền chậm nộp đến tháng 9-2022. Cụ thể, tháng 4 nộp 15% và các tháng 5, 6, 7, 8 mỗi tháng nộp 17% và tháng 9-2022 thanh toán toàn bộ số tiền còn lại. Thế nhưng qua 180 ngày (đến mốc là ngày 6-7-2022), nếu 2 doanh nghiệp chưa nộp số tiền trên thì cơ quan thuế sẽ báo cáo lên cơ quan chức năng và công ty sẽ mất cọc.

Đến khi nào đấu giá lại?

Với 4 công ty trúng đấu giá 4 lô đất tại Thủ Thiêm, thì trước đây đã có 2 công ty bỏ tiền cọc. Đó là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh). Ngày 5-4-2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố bắt tạm giam ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch, kiêm TGĐ Tập đoàn Tân Hoàng Minh để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị khởi tố bị can, bắt tạm giam cùng với ông Dũng, còn có 6 đối tượng khác, trong đó có Nguyễn Mạnh Hùng là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt. UBND TPHCM đã ra Quyết định hủy kết quả đấu giá lô đất 3-12 của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh).

Còn đối với Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh cũng gửi văn bản xin bỏ cọc. Theo Công ty TNHH Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh nêu lý do bỏ cọc, là để tập trung nguồn lực cho việc khôi phục các ảnh hưởng kinh tế do đại dịch gây ra và phục vụ kế hoạch phát triển cho các năm tiếp theo, Công ty Bình Minh đã quyết định không tiếp tục thực hiện triển khai dự án Khu nhà ở chung cư hỗn hợp kết hợp chức năng thương mại dịch vụ trên lô đất có ký hiệu 3-9 thuộc Khu chức năng số 3 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm 3-9 là lô đất mà Công ty Bình Minh đã phải trải qua 140 lượt ra giá mới có thể trúng đấu giá với mức cao gấp 6,9 lần so với giá khởi điểm. Doanh nghiệp sẽ phải đóng 5.026 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ. Như vậy, tính theo đơn giá đất, Công ty Bình Minh sẽ bỏ ra hơn 1 tỷ đồng/m2.

Trung tâm Dịch vụ Đấu giá tài sản TPHCM cho biết, sau khi 2 doanh nghiệp bỏ cọc thì các lô đất này được giao lại cho Trung tâm Phát triển quỹ đất TPHCM quản lý. Trung tâm Phát triển quỹ đất TPHCM cho biết, thời gian tổ chức đấu giá lại 2 lô đất này tùy thuộc vào quyết định của UBND TPHCM. Trong khi đó, theo Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong Khu đô thị này hiện còn 51 lô đất với diện tích hơn 793.000m2. Tất cả diện tích này là đất thương phẩm, là nguồn thu để thực hiện cân đối tài chính trong dự án đầu tư khu đô thị này từ đầu đến nay.

Theo kiến nghị của chuyên gia về bất động sản, đối với các lô đất còn lại trong đợt bán đấu giá 4 lô đất tại Thủ Thiêm ngày 10-12-2021 (gồm lô 3-5, 3-8 và 3-9), thủ tục xử lý sau khi trúng đấu giá vẫn diễn ra bình thường theo quy định. Vì 4 lô đất được đấu giá cùng ngày nhưng trong 4 phiên khác nhau, có 4 hợp đồng được ký độc lập. Những quyết định công nhận kết quả đấu giá và thông báo nghĩa vụ tài chính của cơ quan chức năng cũng riêng biệt nên việc một lô đất bị hủy hợp đồng mua tài sản đấu giá không ảnh hưởng đến những lô đất khác.

Trong trường hợp được xem như là hành vi đơn phương chấm dứt kết quả đấu giá, thì các quy định của pháp luật trường hợp này bắt buộc các cơ quan có liên quan phải trình hồ sơ lên UBND TPHCM. Căn cứ vào điểm D khoản 5 Điều 68 Nghị định 43/2014, UBND TPHCM sẽ ban hành quyết định hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá trước đó. Theo quy định, số tiền đặt trước sẽ chuyển thành tiền cọc theo quy định tại khoản 5 Điều 39 của Luật Đấu giá tài sản. Nếu đơn vị này tiếp tục không thực hiện nghĩa vụ, xem như họ bỏ cọc và mất số tiền này, như vậy TPHCM phải tổ chức lại phiên đấu giá mới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang