(CAO) Việc duy trì ROE ở mức cao không những thể hiện sự phát triển nhanh và bền vững của Techcombank mà còn giúp cho mức định giá của ngân hàng này ngày càng trở nên hấp dẫn. Đây là yếu tố quan trọng giúp Techcombank “ghi điểm” trong giới đầu tư.
Hiệu quả hàng đầu
Một trong những điểm nhấn của mùa đại hội cổ đông ngân hàng năm ngoái là tuyên bố của ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HoSE: TCB) về việc sẽ đưa giá trị vốn hóa của ngân hàng này trên thị trường chứng khoán lên 20 tỷ USD vào năm 2025, từ mức hơn 6 tỷ USD chốt phiên 23/4/2021.
Chưa đầy 11 tháng sau kỳ đại hội cổ đông đó, giá trị vốn hóa của Techcombank đã nâng lên khoảng 7,7 tỷ USD và đứng thứ hai trong hệ thống ngân hàng. Diễn biến này phần nào phản ánh niềm tin của giới đầu tư vào cam kết dài hạn của ban lãnh đạo Techcombank cũng như lợi thế mà ngân hàng đang sở hữu.
Năm 2021, Techcombank ghi nhận lợi nhuận sau thuế 18.398 tỷ đồng, tăng tới 46% so với năm 2020, nhờ đó vượt qua VietinBank để trở thành “á quân” lợi nhuận ngân hàng niêm yết. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) nằm trong nhóm dẫn đầu ngành, đạt mức 22% trong năm 2021.
“Với ROE ở mức 22%, chúng tôi có thể đảm bảo ngân hàng tng trưởng tín dụng 20% mỗi năm mà không phải huy động thêm nguồn vốn từ bên ngoài, qua đó tiếp tục duy trì tỷ lệ an toàn vốn ở mức 15%. Với tỷ lệ an toàn vốn cao, chúng tôi luôn được các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế xếp ngang mức tín nhiệm quốc gia, đây là lợi thế để chúng tôi đa dạng hóa nguồn vốn với lãi suất hấp dẫn”, ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp Tài chính doanh nghiệp của Techcombank, cho biết.
Việc duy trì ROE ở mức cao không những thể hiện sự phát triển nhanh và bền vững của ngân hàng mà còn giúp cho mức định giá của Techcombank ngày càng trở nên hấp dẫn, bởi khác với các doanh nghiệp niêm yết thông thường, giới đầu tư thường sử dụng hệ số định giá P/B (tỷ lệ thị giá/giá trị sổ sách) khi tính toán mức độ hấp dẫn của ngân hàng. Nhìn chung, ROE càng cao thì giá trị sổ sách của ngân hàng càng gia tăng với tốc độ nhanh, do đó hệ số định giá P/B càng trở nên hấp dẫn.
Cơ sở của niềm tin
Techcombank đang sở hữu nhiều lợi thế để tiếp tục duy trì ROE cao, nhờ đạt được tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm 2022 cũng như các năm tới.
Đầu tiên là khả năng duy trì tỷ lệ NIM ở mức cao. Năm 2022, nhu cầu tín dụng hồi phục mạnh mẽ được dự báo sẽ gây áp lực lên lãi suất huy động toàn thị trường, tuy nhiên, nhờ được xếp hạng tín nhiệm cao nên Techcombank có thể huy động nguồn vốn nước ngoài với lãi suất cạnh tranh.
Bên cạnh đó, việc tiếp tục tăng trưởng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn CASA cũng giúp duy trì NIM ở mức cao. Tính đến cuối năm 2021, CASA của Techcombank lên đến 50,5%, cao nhất hệ thống và ngân hàng này đặt kế hoạch tăng lên mức 55% vào năm 2025. Tệp khách hàng có thu nhập cao cộng với hệ sinh thái ngày càng đa dạng, khép kín là những lợi thế giúp Techcombank có thể tiếp tục gia tăng CASA. Ngoài ra, các nền tảng ngân hàng số được kỳ vọng sẽ giúp Techcombank thu hút thêm CASA từ các phân khúc khách hàng phổ thông hơn.
Một lợi thế khác để duy trì NIM ở mức cao là năng lực về dữ liệu của Techcombank, có khả năng dự báo tăng trưởng cho vay hàng tuần, hàng tháng sát với thực tế, từ đó tối ưu hóa nguồn vốn huy động cho khớp với diễn biến cho vay, qua đó nâng NIM.
NIM neo ở mức cao, trong khi dư nợ tín dụng tiếp tục tăng mạnh sẽ giúp nguồn thu từ hoạt động tín dụng của Techcombank tăng mạnh theo.
Với nguồn thu phi tín dụng, việc thu nhập của người dân hồi phục mạnh từ năm 2022, cộng với công cụ tư vấn số hóa giúp am hiểu khách hàng, sẽ thúc đẩy nguồn thu mảng bảo hiểm. Ở mảng ngân hàng đầu tư, công ty con TCBS được kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ vị thế vượt trội trên thị trường. Các mảng dịch vụ khác tiếp tục được hỗ trợ bởi nền tảng ngân hàng số ngày càng đem lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.
Trong khi đó, chi phí hoạt động cũng như chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng dự báo sẽ tiếp tục được kiểm soát ở mức hiệu quả, nhất là khi ngân hàng đã chủ động trích lập dự phòng 100% đối với các khoản nợ tái cơ cấu ngay trong năm 2021.
Niềm tin của thị trường dành cho Techcombank không chỉ gắn liền với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ, mà còn dựa trên việc giá trị thương hiệu của ngân hàng không ngừng tăng lên.
Theo công bố của Brand Finance, Techcombank là một trong những thương hiệu ngân hàng có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất toàn cầu, thăng hạng 74 bậc và lọt vào Top 200 Thương hiệu ngân hàng giá trị nhất toàn cầu với định giá 945 triệu USD, tăng 80% sau một năm. Techcombank cũng được biết đến là đơn vị dẫn đầu ngành ngân hàng Việt Nam về chỉ số hài lòng khách hàng, theo YouGov.