(CAO) Tập đoàn Hoa Sen (HSG) vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 4 NĐTC 2018 – 2019 (từ 01/7/2019 đến 30/9/2019). Theo đó, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 4 đạt 84 tỷ đồng và lũy kế NĐTC 2018 – 2019 đạt 361 tỷ đồng.
Doanh thu thuần quý 4 của HSG đạt 6.350 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu giảm nhưng lợi nhuận gộp của HSG tăng 107 tỷ đồng tương đương 15%, từ mức 724 tỷ đồng tăng lên 831 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu việc này là do HSG chủ động tái cơ cấu sản phẩm, tập trung vào những thị trường, mặt hàng có biên lợi nhuận cao, mức lợi nhuận gộp biên đã tăng từ mức 8,45% lên mức 13,09% so với cùng kỳ nên dù doanh thu thuần có giảm nhưng lợi nhuận gộp của HSG vẫn tăng.
Bên trong một nhà máy của Tập đoàn Hoa Sen
Nhiều loại chi phí cũng giảm đi đáng kể, đáng chú ý nhất là chi phí tài chính giảm 152 tỷ đồng, tương đương 43%, trong đó chi phí lãi vay giảm 49 tỷ đồng, tương đương 21%. Việc này xuất phát từ việc HSG giảm lượng hàng tồn kho làm giảm dư nợ vay ngân hàng dẫn đến giảm chi phí lãi vay. So với đầu NĐTC 2018 - 2019 hàng tồn kho của HSG đã giảm 2.192 tỷ đồng.
Đồng thời, việc tái cấu trúc hệ thống phân phối thành công cũng làm giảm đáng kể chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng. Cụ thể chi phí quản lý doanh nghiệp quý 4 giảm 15 tỷ đồng, tương đương 10% và chi phí bán hàng giảm 77 tỷ đồng, tương đương 16% so với cùng kỳ.
Kết quả kinh doanh quý 4 NĐTC 2018 – 2019 ghi nhận lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 101 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 84 tỷ đồng.
Tổng kết NĐTC 2018 - 2019, HSG đạt 28.034 tỷ đồng doanh thu, giảm 19% và 361 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, giảm 12% so với NĐTC 2017-2018.
Đại diện HSG cho biết nguyên nhân chính của việc sụt giảm này là do sản lượng bán hàng giảm. Cụ thể, trong NĐTC 2018 - 2019, tổng sản lượng bán hàng của HSG đạt 1.489.200 tấn, giảm 20% so với NĐTC 2017 - 2018. Thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu đều gặp nhiều khó khăn.
Tại thị trường nội địa các doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt với nhau do cung lớn hơn cầu. Trong khi đó thị trường xuất khẩu chịu tác động bởi xu hướng bảo hộ thương mại của các quốc giá trên thế giới. Đồng thời, một nguyên nhân quan trọng khác là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã làm cho giá HRC giảm đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
HSG cũng đặt nhiệm vụ trọng tâm trong NĐTC 2018 - 2019 là cân đối lại cơ cấu tài chính. Kết quả, dư nợ ngân hàng bao gồm cả ngắn hạn và dài hạn vào cuối NĐTC 2018 – 2019 là gần 9.700 tỷ đồng, đã giảm gần 4.650 tỷ đồng so với đầu NĐTC. Điều này góp phần làm cho chỉ số nợ vay ngân hàng/vốn chủ sở hữu giảm mạnh từ mức 2,78 lần xuống còn 1,77 lần. Dư nợ ngân hàng giảm cũng làm cho cơ cấu nợ/vốn chủ sở hữu của HSG cải thiện đáng kể từ mức 3,13 lần ở đầu niên độ giảm còn 2,13 lần ở cuối NĐTC 2018 – 2019.
Xét trong bối cảnh ngành thép Việt Nam gặp nhiều khó khăn, kết quả kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp tôn thép đều sụt giảm đáng kể, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ, cắt giảm sản xuất thì kết quả kinh doanh của HSG duy trì ở mức có lãi đã cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực.
Như vậy, sau 1 năm thực hiện tái cấu trúc hệ thống phân phối theo mô hình chi nhánh tỉnh, cân đối lại cơ cấu tài chính, quản lý hàng tồn kho chặt chẽ, giảm các khoản phải thu, tập trung vào các thị trường và sản phẩm có biên lợi nhuận cao thì Hoa Sen đã chuẩn bị các điều kiện và nền tảng tốt nhất để sẵn sàng vượt qua những khó khăn và nắm bắt các cơ hội trong thời gian tới.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), thị phần của HSG hiện đang đứng đầu và cách biệt lớn so với các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ kim loại và sơn phủ màu tại Việt Nam với hơn 32% thị phần. HSG đã đầu tư hoàn thiện hệ thống sản xuất 10 nhà máy đặt tại cả ba miền Bắc – Trung - Nam và hệ thống 536 cửa hàng trực thuộc trên toàn quốc, điều này giúp HSG giảm được chi phí vận chuyển, đáp ứng nhanh nhất nhu cầu khách hàng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Đây sẽ là nền tảng vững chắc giúp HSG phát triển trong dài hạn.