(CATP) Cũng như xuất khẩu tôm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), xuất khẩu cá tra hiện đang gặp khó. Tổng giá trị xuất khẩu giảm, giá cá giảm theo, nông dân đối mặt nguy cơ lỗ.
NHIỀU THỊ TRƯỜNG DỰ BÁO TIẾP TỤC GIẢM
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến hết tháng 9-2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 1,46 tỷ USD (giảm 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái). Riêng tháng 9-2019, giá trị xuất khẩu cá tra giảm tiếp 14,6%. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang nhiều thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, EU, Brazil, Mexico, Colombia cũng giảm mạnh.
Hiện Trung Quốc - Hồng Kông đang là thị trường trọng điểm của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam. Thị trường này chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu xuất khẩu cá tra. Chín tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc - Hồng Kông chiếm tới 30,9% tổng giá trị cá tra xuất khẩu, đạt 450,7 triệu USD (tăng 19,6% so với 9 tháng đầu năm 2018). Với giá trị xuất khẩu này, thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đang lớn gấp đôi thị trường xuất khẩu cá lớn thứ 2 là Mỹ.
Thu hoạch cá tra ở An Giang
Tính đến hết tháng 9-2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 208,3 triệu USD, chiếm 14,3% tổng giá trị xuất khẩu cá tra (giảm 43,6% so với cùng kỳ năm ngoái). Đây là mức sụt giảm lớn tại Mỹ trong 5 năm trở lại đây. Dự báo, xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong quý IV-2019 còn tiếp tục giảm. Đây là năm xuất khẩu cá tra sang Mỹ không như mong đợi của nhiều doanh nghiệp. Xuất khẩu cá tra sang thị trường EU trong 9 tháng đầu năm nay đạt 189,3 triệu USD. Trong đó, 3 thị trường xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất là: Hà Lan (giảm 1,9%), nước Anh (tăng 23,8%), Đức (tăng 32,5%).
Giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường ASEAN sau nửa năm nay tăng trưởng khả quan, nhưng tốc độ tăng đã bắt đầu chậm lại. Tính tới hết tháng 9, giá trị xuất khẩu sang thị trường này đạt 147,5 triệu USD (tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước). Giá trị xuất khẩu sang thị trường Thái Lan và Malaysia vẫn có nhiều dấu hiệu tích cực. Giá trị xuất khẩu cá tra sang 3 thị trường tiềm năng là Mexico, Brazil và Colombia vẫn tiếp tục sụt giảm từ đầu năm đến nay.
NUÔI CÁ TRA KHÔNG LIÊN KẾT BỊ ẢNH HƯỞNG
Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho rằng, sau khi giá cá tăng nhẹ trong tháng 8-2019, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng 9 trở lại xu hướng giảm, do tốc độ cung tăng nhanh hơn cầu. Giá bán buôn dao động khoảng 20.500 - 21.000 đồng/kg đối với cá tra loại I, trong khi giá thu mua tại trang trại chỉ khoảng 19.500 - 20.000 đồng/kg, mức giảm khoảng 1.000 đồng/kg so với tháng trước. Nhìn lại 9 tháng đầu năm, thị trường cá tra nguyên liệu không thuận lợi đối với cả người nuôi và nhà xuất khẩu. Giá cá tra có xu hướng suy yếu dần sau một năm liên tục tăng “nóng”.
Ông Liêu Cẩm Hiền (Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long) nhận định: “Giá cá tra giảm mạnh từ đầu năm 2019 đến nay do năm 2018 giá cá tăng cao, đạt đỉnh là 35.000 đồng/ký nên người dân ồ ạt nuôi, dẫn đến năm nay cung vượt cầu, trong bối cảnh xuất khẩu sụt giảm. Thêm vào đó, thị trường Trung Quốc không còn nhập cá tra theo đường tiểu ngạch mà bằng đường chính ngạch. Thị trường này còn đề ra nhiều rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm, khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tiểu ngạch lao đao”.
Hiệp hội Thủy sản An Giang khẳng định, nếu chỉ tính riêng giá cá nguyên liệu trong tháng 4-2019 là 37.812 đồng/kg, thời điểm hiện nay chỉ còn 20.908 đồng/ kg, người nuôi cá lỗ khoảng 3.000 đồng/kg. Theo đại diện Hiệp hội Cá tra An Giang, nếu tính mặt bằng chung khu vực nuôi cá tra thì An Giang có hơn 80% diện tích nuôi cá tra có liên kết, gồm vùng nguyên liệu doanh nghiệp tự nuôi và diện tích liên kết với các hộ nuôi khác. Đây là diện tích nuôi ổn định, không bị tác động của giá thị trường. Số còn lại rơi vào khoảng 20% diện tích do người dân thả nuôi tự do, tự thỏa thuận giá bán với doanh nghiệp khi đến thời điểm thu hoạch.
Cục Phòng vệ thương mại Bộ Công thương cho biết, ngày 11-10-2019, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã thông báo trên hệ thống nội bộ về quyết định sơ bộ của đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 15 (POR15) cho giai đoạn từ ngày 1-8-2017 đến 31-7-2018 đối với sản phẩm cá tra, cá basa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Cụ thể, mức thuế sơ bộ cho bị đơn bắt buộc và thuế suất cho bị đơn tự nguyện đều là 0,00 USD/kg, thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg. Mức thuế này thấp hơn rất nhiều so với kết quả cuối cùng của đợt rà soát trước đó (POR14, mức thuế từ 1,37 - 2,39 USD/kg).
Theo thông báo, DOC sẽ ban hành kết luận cuối cùng trong vòng 120 ngày, kể từ ngày ra kết luận sơ bộ (dự kiến vào tháng 2-2020). Bộ Công thương khuyến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu liên quan của Việt Nam tiếp tục tham gia hợp tác đầy đủ với DOC và Bộ Công thương trong các giai đoạn tiếp sau của vụ việc để bảo đảm kết quả cuối cùng khả quan, tích cực. Đây là tín hiệu vui đối với ngành xuất khẩu cá tra.