(CAO) Chiều 2/1/2025, tại tỉnh Lâm Đồng, UBND TP.HCM cùng UBND các tỉnh, thành vùng Tây Nguyên (Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum) tổ chức Hội nghị triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa với cam kết "Tick xanh trách nhiệm". Đây là một sự kiện nằm trong chuỗi của chương trình tổng kết hợp tác kinh tế - xã hội giữa TPHCM và các tỉnh Tây Nguyên.
Đại diện lãnh đạo TPHCM và các tỉnh Tây Nguyên chụp hình lưu niệm với các doanh nghiệp tham gia Hội nghị
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp vùng Tây Nguyên bày tỏ trăn trở về chất lượng hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản trên thị trường. Một trong những mối quan tâm hàng đầu cần tháo gỡ của các bên liên quan là việc hàng hóa làm ra an toàn, chất lượng cao, tất có chi phí sản xuất cao dẫn đến giá thành cao, khó cạnh tranh về giá so với hàng hóa sản xuất không an toàn.
Một số doanh nghiệp cho biết, họ đã xuất khẩu số lượng lớn rau, củ, quả tiêu chuẩn Global GAP (bộ các tiêu chuẩn quốc tế chứng nhận việc thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) sang các nước: Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ... nhưng lại đang thua trên "sân nhà" vì không cạnh tranh được với các mặt hàng tương ứng giá rẻ. Làm sao để tạo 1 "sân chơi" công bằng, kích cầu cho doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc phát triển?
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM
Một số doanh nghiệp băn khoăn về khái niệm "Tick xanh trách nhiệm" trong chương trình kiểm soát chất lượng hàng hóa của TPHCM, như: Doanh nghiệp được cấp tick xanh, được hưởng lợi gì khi đưa hàng hóa vào 8 hệ thống phân phối trong chương trình?", ông Lê Văn Vương - Giám đốc Công ty TNHH SX&TM Vương Thành Công (TP Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk; chuyên sản xuất cà phê hữu cơ) thắc mắc.
Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết: Ngày 8/3/2024, lãnh đạo Thành ủy, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã phát động "Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa" (gọi tắt là chương trình "Tick xanh trách nhiệm").
Đây là quyết tâm xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, bền vững của lãnh đạo TPHCM, nhằm định hướng sản xuất an toàn, bền vững thông qua tín hiệu thị trường trên nguyên tắc tự nguyện, minh bạch và trung thực; tạo cơ hội cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng quy trình kiểm soát chất lượng chặt chẽ, phát triển thị trường, nâng cao sức cạnh tranh trước những nhà sản xuất chạy theo lợi nhuận bất chấp quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.
Đã có 8 nhà phân phối lớn tham gia chương trình. "Với chương trình này, mục tiêu là sự đồng thuận và trách nhiệm của các chủ thể trong chuỗi cung ứng. TPHCM kỳ vọng đây là nền tảng xây dựng chuỗi cung ứng an toàn, bền vững, giúp người tiêu dùng phân biệt sản phẩm “trách nhiệm” và sản phẩm kém; từ đó mở ra cơ hội thị trường cho nhà sản xuất trách nhiệm, từng bước loại bỏ nhà sản xuất vô trách nhiệm ra khỏi thị trường" - ông Phương thông tin.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, "Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa" ("Tick xanh trách nhiệm") của TPHCM là cơ hội tạo ra thị trường bền vững dành cho các sản phẩm chất lượng cao của từng địa phương.
Ông Phúc đề nghị các sở, ngành tỉnh Lâm Đồng và kiến nghị các các tỉnh còn lại quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tham gia ''Tick xanh trách nhiệm'' để tìm kiếm cơ hội và khẳng định được sức hút, tiềm năng và thế mạnh các sản phẩm nông sản đặc trưng của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung.
"Nhân hội nghị này, tôi đề xuất và mong muốn UBND TPHCM tiếp tục hỗ trợ, phối hợp hơn nữa đối với tỉnh Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung trong việc kiểm soát, giám sát chất lượng nông sản đầu ra; giám sát, đánh giá và phát huy vai trò của các chuỗi an toàn thực phẩm của TPHCM trên địa bàn.
Cùng đó, phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên đẩy mạnh triển khai các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, hỗ trợ đưa nông sản chất lượng cao vào thị trường TPHCM", ông Phúc bày tỏ.
Kết thúc Hội nghị, đại diện UBND TPHCM và lãnh đạo các sở, ngành, doanh nghiệp của tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh Tây Nguyên bàn các giải pháp cụ thể để triển khai có hiệu quả chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa với khái niệm "Tick xanh trách nhiệm".
Cùng đó, các bên đã ký kết nhiều hợp đồng cung ứng - tiêu thụ hàng hoá nông sản của vùng Tây Nguyên với TPHCM và ngược lại với những cam kết chặt chẽ về "Tick xanh trách nhiệm".
Với chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa "Tick xanh trách nhiệm", người dân yên tâm khi sử dụng hàng hoá Việt Nam mà không còn phải lo lắng, đắn đo, chọn lựa.