TPHCM: Hơn 22.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng hóa Tết Ất Tỵ 2025

Thứ Năm, 26/12/2024 16:34

|

(CAO) Các doanh nghiệp đầu mối tham gia Chương trình Bình ổn thị trường tại TP.HCM đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết Ất tỵ năm 2025.

Theo đó, Sở Công thương đã phối hợp cùng các đơn vị xây dựng các phương án sản xuất, cung ứng, không để thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng hoặc tồn ứ hàng hóa; tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối cung cầu hàng hóa, kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp dự trữ, chuẩn bị hàng hóa Tết…

Chương trình Bình ổn thị trường năm 2024 và Tết nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 với sự tham gia của 69 đầu mối các chuỗi cung ứng, tăng 10 doanh nghiệp so với năm 2023. Phần lớn là các doanh nghiệp quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao như Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh, Wincommerce, AEON, Central Retail, MM Mega Market; Vissan, C.P, Vĩnh Thành Đạt, Ba Huân, San Hà, Vinh Phát, tập đoàn Lộc Trời, Phong Thuý, Cholimex, Vinamilk, Nutifood, TH Truemilk...

TP.HCM chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng hóa Tết Ất Tỵ 2025

Về công tác chuẩn bị nguồn cung, các doanh nghiệp đầu mối tham gia Chương trình Bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết. Sản lượng hàng thiết yếu chuẩn bị chiếm 25% đến 43% thị phần; bình quân mỗi tháng Tết dự kiến cung ứng 8.300 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả, 200 tấn thuỷ hải sản…

Đồng thời, các doanh nghiệp luôn sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết và tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ (nếu có). Để đảm bảo cung ứng hàng hóa những ngày cận Tết, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng cường nhân lực, tăng công suất phục vụ, kéo giãn thời gian hoạt động. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng trống kệ hàng, không để ùn ứ khách hàng mua sắm Tết…

Sở Công thương TP.HCM cho biết giá cả các mặt hàng bình ổn thị trường luôn duy trì thấp hơn tối thiểu 05% so với giá bình quân thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng. Đồng thời, Chương trình không điều chỉnh tăng giá trong 01 tháng trước Tết và 01 tháng sau Tết.

Bên cạnh đảm bảo nguồn hàng, kiểm soát giá cả, năm nay là năm đầu tiên TP triển khai Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa (Tick xanh trách nhiệm) với mục tiêu định hướng sản xuất thông qua tín hiệu thị trường trên nguyên tắc tự nguyện, minh bạch và trung thực.

Để phục vụ người lao động thu nhập thấp, chưa có điều kiện mua sắm Tết sớm; các doanh nghiệp, hệ thống phân phối thực hiện nhiều chương trình kích cầu, khuyến mại, giảm giá sâu nhiều mặt hàng thiết yếu như trứng gia cầm, thịt heo, nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo... những ngày cận Tết.

Bình luận (0)

Lên đầu trang