GIAN NAN ĐI ĐÒI ĐẤT
Sau gần 12 năm ông Toản đi khiếu nại, kiện đòi đất, từ chính quyền cấp xã đến tòa án, nhưng kết cục là những bản án khiến ông không đồng ý nên tiếp tục kháng cáo. Vụ án có diễn biến như sau:
Năm 1985, hộ ông Vương Đức Toản mua một mảnh đất tại xã Phú Hội và khai phá thêm để mở rộng. Sau đó được chính quyền hai cấp xã, huyện tiến hành đo đạc, lập hồ sơ, cấp “sổ đỏ” vào các năm 1997 và 2001. Giáp đất ông Toản là đất của hộ ông Lê Hồng Công - bà Lê Thị Trúc mua lại của hộ ông Túc. Ông Túc mua của ông KRang, bà K’Lai năm 1993.
Năm 2007, ông Toản làm sân phơi cà phê thì bị ông Túc ngăn cản, hai bên tranh chấp 3m đất liền ranh - chạy dài (khoảng trên 100m2). Ông Toản làm đơn khiếu nại đến UBND xã Phú Hội nhưng không được giải quyết dứt điểm.
Ông Toản chỉ ranh giới đất giữa hai nhà
Sau đó, ông Túc đã bán đất cho hộ ông Công và ông Công tiếp tục sang nhượng (bằng giấy tay) cho thêm đến 3 đời chủ đất khác. Từ khiếu nại của ông Toản, năm 2013, UBND huyện Đức Trọng ra quyết định tạm dừng việc cấp sổ mới do đất đang tranh chấp. Ông Toản sau đó gửi đơn đến Tòa án huyện Đức Trọng.
3 thẩm phán thụ lý vụ kiện, triệu tập các bên liên quan làm việc, tiến hành hòa giải, nhưng sau đó người chuyển công tác, người chuyển hồ sơ, đến tháng 1-2015, TAND huyện Đức Trọng mở phiên xử sơ thẩm “tranh chấp quyền sử dụng đất”, do thẩm phán Nguyễn Ngọc Vũ làm chủ tọa.
Chứng cứ của ông Toản là vào ngày 23- 11-1992, khi ông làm đơn vay tiền ngân hàng, chính quyền xã Phú Hội xác nhận, ông Toản có phần đất mặt tiền là 37,8m. Ông Toản và ông Túc đều xác nhận ranh đất của họ là hàng cây bạch đàn. Phía hộ ông Công đưa ra giấy sang nhượng đất của hộ ông KRang với ông Túc (sau này ông Túc bán lại cho ông Công) thì chiều rộng mặt tiền, giáp đất ông Toản là 24m.
Kết quả đo đạc thực tế, đất của ông Toản lúc này có 35m mặt đường; của ông Công 27m. Như vậy, đất ông Túc - ông Công dư 3m so với giấy tờ mua bán từ chủ cũ, trong khi ông Toản thiếu gần 3m. Ông Công đưa thêm chứng cứ là “đơn trình bày về việc mua bán đất” (dạng thư tay), trong đó có tên vợ chồng ông Ha KRang Kon Sa và bà K’Lay Kon Sơ trình bày, lúc ông KRang bán đất cho ông Túc, do phía sau chỉ có 21m nên bù cho ông Túc 3m mặt đường.
Điều đáng nói, chủ cũ bán đất cho ông Túc, lập giấy sang nhượng là ông Kon Sa Ha KRang và vợ là bà K’Lai đều là người có trình độ (không phải Ha KRang Kon Sơ và K’Lay Kon Sơ như trong “thư tay” trình bày), không lẽ trước - sau họ không viết được đúng cả tên mình? Chưa kể, chữ viết và chữ ký của hai người này trên hai giấy tờ đều khác nhau.
Ông Toản cũng nghi ngờ hồ sơ giấy tờ đất phía hộ ông Công - ông Túc bị làm giả, do chữ ký của chủ đất cũ là vợ chồng ông KRang - bà K’Lai khác hoàn toàn với chữ ký trong “Biên bản làm việc xác minh đất” năm 2001 của địa chính huyện Đức Trọng.
Đây là chi tiết lẽ ra phải được làm rõ, có hay không việc hồ sơ bán đất của ông KRang bị làm giả, nhưng HĐXX lại không trưng cầu giám định, làm cơ sở xem xét vụ án.
Chữ ký và chữ viết của vợ chồng ông KRang – bà K’Lai trước, sau không đồng nhất
Tuy nhiên, xử sơ thẩm, TAND huyện Đức Trọng đã không chấp nhận ranh đất giữa hai nhà là hàng cây bạch đàn mà ông Toản, ông Túc xác nhận, mà cho rằng, hàng rào lưới B40 (làm một đoạn, thụt vào, do ông Toản dựng tạm và đã tháo dỡ), thể hiện ý chí đất của ông, để làm căn cứ.
Trong khi ông Toản cho rằng, ông phơi nông sản, liên tục bị cản trở, là người lớn tuổi, ông không tranh cãi miệng mà làm một đoạn hàng rào để bảo vệ nông sản phơi trước sân nhà, rồi theo đuổi vụ kiện bằng chứng cứ pháp lý và thực tế, chứ không phải đó là ranh đất. Ông yêu cầu đào hàng bạch đàn tìm gốc cây để chứng minh ranh giới đất để đảm bảo yếu tố khách quan, nhưng không được chấp nhận.
Viện KSND huyện Đức Trọng khi đó kháng nghị bản án, cho rằng cấp tòa sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật về dân sự, về xác minh và thu thập chứng cứ gây thiệt hại cho nguyên đơn.
CẦN MỘT BẢN ÁN KHÁCH QUAN
Từ kháng cáo, kháng nghị của nguyên đơn và Viện kiểm sát, tháng 12- 2015, TAND tỉnh Lâm Đồng đưa vụ án ra xét xử, do thẩm phán Huỳnh Thanh Sơn làm chủ tọa. Cấp phúc thẩm đã chỉ ra những nhận định “không có cơ sở, thiếu sự thật khách quan của vụ án” của Hội đồng xét xử cấp sơ thẩm. Tòa phúc thẩm nhận định, việc cấp sơ thẩm dựa vào thư tay ông Túc cung cấp để làm căn cứ xử lý vụ án là không thỏa đáng; tuyên hủy bản án, trả hồ sơ về cấp sơ thẩm xét xử lại.
Gần 3 năm sau đó, hai cấp sơ thẩm, phúc thẩm chuyển - trả hồ sơ vì cho rằng, vụ án có yếu tố người nước ngoài (vợ chồng ông KRang sau khi bán đất đã sang Mỹ định cư). Tháng 10-2018, xử sơ thẩm lần 2, thẩm phán Ngô Anh Tuấn làm chủ tọa, cho rằng, căn cứ công văn hướng dẫn về công tác đo đạc dịch vụ địa chính số 889 của ngành Tài nguyên và Môi trường, diện tích đất của ông Toản và ông Công nằm trong sai số đo đạc cho phép cùng những viện dẫn giống với HĐXX cấp sơ thẩm trước đó, Tòa án huyện Đức Trọng một lần nữa bác đơn của ông Toản, nghĩa là phần đất tranh chấp 3m thuộc hộ ông Công.
Kết quả đo đạc và hồ sơ vụ án, cho thấy đất phía nguyên đơn thiếu gần 3m mặt đường, trong khi phía bị đơn dư gần 3m - theo giấy mua bán với chủ cũ; nguyên đơn có giấy tờ chứng minh phần đất của mình (có 3m tranh chấp) do UBND cấp xã chứng thực vào thời điểm năm 1992 (ổn định trước ngày 15-10-1993 theo quy định của Luật đất đai), trong khi giấy tờ mua bán đất của phía bị đơn có dấu hiệu làm giả chữ ký của chủ cũ bán đất. Thế nhưng tòa sơ thẩm bác đơn khởi kiện đòi đất của nguyên đơn là điều khó hiểu.
Hộ ông Toản đã kháng cáo vụ án đến cấp phúc thẩm. Ngày 13-3-2018, TAND tỉnh Lâm Đồng mở phiên xét xử, nhưng bên bị đơn vắng mặt không lý do nên tòa tạm hoãn. Vụ án kéo dài đã nhiều năm, khiến một lão nông suốt 12 năm theo đuổi vụ kiện, và vẫn tiếp tục chờ đợi.