(CAO) Lăng Nội Dinh ở xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Lăng thờ một võ quan triều Lê Trung Hưng có nhiều công lao với dân với nước, được nhân dân địa phương gọi là Ngô Tướng Công.
Nằm trên một gò đồi thấp nhìn về hướng Tây, lăng Nội Dinh được xây dựng chủ yếu bằng đá xanh, đá ong, để lộ thiên và có bình đồ kiến trúc hình chữ nhật (nằm dọc). Nhìn từ xa toàn bộ khu lăng giống như một bảo tàng đá ngoài trời.
Một góc lăng Nội Dinh
Đôi linh cẩu đá, cổng lăng, tượng hầu, ngựa đá, bàn đá, hương án đá, ngai thờ, nhà bia ở khu thờ tự được sắp xếp theo phương pháp đối xứng, chạy dọc theo trục đường linh đạo khu lăng, cao dần từ trong ra ngoài.
Cổng lăng dựng bằng hai cột đá xanh thanh thoát, cạnh hình tứ giác, cao 2,62m đẽo vát 4 cạnh. Mặt trước khắc nổi 7 chữ Hán trong một khung chữ nhật chìm dọc thân cột. Phía trong cổng là hai quan võ đứng hầu, tay cầm kiếm, đầu đội mũ tròn có vành nhỏ chóp nhọn, áo dài chùm gần kín chân, cổ và ngực áo có hai lớp xếp nếp chồng so le lên nhau, được chạm vân mây lửa chùm kín bả vai và ống tay như áo giáp ngắn… Nghệ thuật chạm nổi, các đường nét chạm tinh tế làm cho tượng quan võ càng uy nghiêm. Riêng cặp ngựa được tạo dáng rất đẹp theo phong cách tả thực, chi tiết đến tận cùng, chau chuốt đến tỷ mỷ của đời Lê Vĩnh Hựu thứ 4-1738.
Khu nhà bia của lăng Nội Dinh
Khi làm việc ở trong cung, Ngô Tướng Công hết lòng giúp việc cho vua, được nhà vua coi trọng. Bản thân ông là người tài giỏi, được danh tiếng thơm lưu truyền. Đã có lúc ông được nhà vua giao cai quản Thị Binh, tham gia chính sự trong triều, lại được giao chức Phiên Lĩnh Nội Sai.
Khi về nghỉ ở quê hương, ông được triều đình ban thưởng vinh hoa phú quý và ông đem chia cho toàn dân xã. Ông được toàn dân khắc cốt ghi sâu trong lòng biết ơn. Vì thế dân xã đã tôn: Ngô Tướng Công cùng phu nhân là Phạm Thị Hoàn làm hậu Thần của bản xã được thờ ở đình làng và khu lăng mộ.
Hai bàn đá đặt đối diện nhau trước hương án. Bàn đá là vị trí của hai vị bồi tế trong khi hành lễ được dân gian gọi là ông xướng Đông và ông xướng Tây. Trên bàn thường bày lễ vật khi cáo yết. Bàn đá có ít họa tiết hoa văn trang trí với hình vân xoắn, mây cụm. Hương án có mặt chờm ra khỏi thân, thân thắt lại, bệ chân quỳ dạ cá, bốn mặt xung quanh hương án được chạm khắc chi tiết kỹ càng với nhiều hoa văn, hoa cúc, hoa đại, hoa sen mãn khai nhìn nghiêng và nhiều đố soi vỏ măng ở thân.
Trước mộ lăng là nhà bia đứng độc lập có kiểu hình tháp, dáng long đình với mặt bằng gần hình vuông trên có chồng diêm, bốn trụ cột ở 4 góc đều khắc nổi câu đối chữ Hán, nét chữ chân phương nhưng rất sắc và đẹp như thư pháp. Đáng lưu ý, cách tạo dáng diềm mái dưới của nhà bia được làm giả như dầm hương án gỗ có đóng đố ở hai đầu giáp cột, ở giữa diềm mái võng xuống rất điệu nghệ như kiểu “dạ cá” ở sập chân quỳ. Bia dựng năm 1738, có nội dung ghi về lai lịch và công trạng của Ngô Tướng Công.
Lăng đá Nội Dinh đã tạo nên điểm nhấn về du lịch văn hoá ở Bắc Giang
Khu mộ táng xây bằng đá ong, hình vuông cao 1,25m, xếp chồng lên nhau được gắn kết bằng chất kết dính trong vật liệu xây dựng truyền thống. Thời gian phong hóa, các khối đá ong ngả màu nâu trầm cổ kính.
Lăng Nội Dinh là nơi kế thừa, hội tụ truyền thống kiến trúc điêu khắc đá của dân tộc, thể hiện rõ ở nghệ thuật điêu khắc tượng (tròn, phù điêu), kiến trúc phong phú với nhiều môtíp, đồ án hoa văn sinh động thực sự điển hình cho nghệ thuật điêu khắc đá cổ Việt Nam.
Đây không chỉ là nơi thờ tự của gia tộc họ Ngô mà còn là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của toàn dân thôn xã từ bao đời nay. Hàng năm vào những ngày tuần rằm và ngày giỗ Ngô Tướng Công 28- 29 tháng 9 âm lịch, gia tộc và nhân dân thôn xã đều làm lễ thờ người có công với quê hương đất nước. Văn bia ghi sự lệ: “Hàng năm vào ngày giỗ chạp 24/ 12 cùng với hai kỳ xuân, thu tế tự, các ngày lễ nhập tịch, cầu phúc đều có lễ cúng thờ. Ngày tế xuân 24/2, ngày tế thu 24/8. Tháng 9 làm lễ nhập tịch, kỳ phúc.
Tấm bia đá dựng ở lăng niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 4 đời vua Lê Ý Tông - 1738 cho biết về lai lịch và công trạng của ông khá đầy đủ: Ngô Tướng Công là người xã Cẩm Bào, tổng Cẩm Bào, huyện Hiệp Hòa, phủ Bắc Hà, trấn Kinh Bắc. Vợ là Phạm Thị Hoàn. Cha là Tiền Chánh đội trưởng giữ chức Hoài Viễn tướng quân, Tổng Binh Diêm Sự, tên thụy là Phúc Trinh. Mẹ là Đỗ Quý Thị, hiệu là Từ Bi. Ngô Tướng Công từng giữ chức Trưởng Quan Thị Đoài Cung, Thị Hầu, Ưu Hậu Ban, Kiêm Tri Thị Nội Thư, Tả Hình Phiên, Thị Cận, Thị Nội Giám, Tư Lễ Giám.