Sinh viên bức xúc vì học phí tăng

Thứ Hai, 17/02/2025 16:37  | An Hòa

|

(CATP) Thời gian qua, nhiều sinh viên (SV) của Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL), thuộc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh bày tỏ bức xúc về việc tăng học phí và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo chưa đúng quy định. Trên trang web cộng đồng, nhiều SV liên tục nêu ý kiến.

THU HỌC PHÍ SAI QUY ĐỊNH

Theo khoản 3, Điều 8, Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định: “Đối với chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học công lập đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định hoặc đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn nước ngoài hoặc tương đương, cơ sở giáo dục đại học được tự xác định mức thu học phí của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ sở giáo dục ban hành, thực hiện công khai giải trình với người học, xã hội”, nhưng các chương trình đào tạo (CTĐT) tiếng Anh đang thu học phí cao được Trường UEL tự cho là đã kiểm định bằng cách ghép CTĐT một cách cơ học, bắt tay với đơn vị kiểm định để đạt chứng nhận kiểm định. Thực tế là CTĐT chưa được kiểm định, không được tự xác định mức thu học phí nên vi phạm Nghị định 81/2021, gây cản trở cho sinh viên tiếp cận cơ hội học tập bằng tiếng Anh, cũng như đủ khả năng nộp học phí để theo đuổi trọn vẹn khóa học, không bị cho thôi học vì không hoàn thành nghĩa vụ học phí.

Một tiết học tại Trường UEL

Ngoài ra, định mức kinh tế kỹ thuật được trường xây dựng ở mức trần (để không bao giờ bị vượt khung), từ đó lạm thu tiền của sinh viên do các em không được cung cấp đầy đủ thông tin. Chẳng hạn, mức học phí đối với khóa tuyển sinh năm 2024 của chương trình đào tạo bằng tiếng Anh là 57,6 triệu đồng/ năm thứ nhất và 83 triệu đồng/năm thứ 4.

Điều quan trọng là thu học phí cao như vậy, nhưng chất lượng có cao hơn không? Vì chuẩn đầu ra của CTĐT tiếng Việt và tiếng Anh là như nhau nên chất lượng là không khác nhau, thậm chí thấp hơn so với trước khi điều chỉnh. Giữa hai CTĐT này chỉ khác ngôn ngữ giảng dạy, sĩ số sinh viên/ lớp (40 sinh viên/ lớp CTĐT tiếng Anh, 60 sinh viên/lớp CTĐT tiếng Việt) và học phí phải nộp gấp hơn 2 lần, còn các điểm khác biệt khác của chương trình tiếng Anh được trình bày tại link: https://tuyensinh.uel.edu. vn/chuong-trinh-giang-day-dao-tao-bang-tieng-anh-la-gi, https://tuyensinh.uel.edu.vn/ nganh-quan-tri-kinh-doanh-tieng-anh thì chỉ một bộ phận nhỏ sinh viên tiếp cận được nhờ vào năng lực của SV là chính (chẳng hạn cơ hội làm việc trong các công ty đa quốc gia; tham gia vào các dự án nghiên cứu hoặc hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính và luật...).

Một tiết học của Trường UEL

BỔ NHIỆM LẠI PHÓ HIỆU TRƯỞNG CHƯA ĐÚNG QUY ĐỊNH

Ông L.V.N, là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL) nhiệm kỳ 2019 - 2024, nhưng vẫn tham gia quản lý điều hành ở Tập đoàn Hoa Sen trong thời gian dài từ 2010 đến nay, với chức vụ Trưởng ban Kiểm soát. Đến 2020, không biết vì lý do đặc biệt nào, ông N. xin rút khỏi thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và thay đổi chức vụ là Trưởng ban Hỗ trợ kiểm toán. Tuy nhiên, các hồ sơ của Tập đoàn Hoa Sen chứng minh rất rõ ông thuộc nhóm “cán bộ quản trị điều hành cấp cao”. Ngoài Tập đoàn Hoa Sen, ông N. còn tham gia làm thành viên HĐQT một công ty chưa lên sàn khác như: thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Tàu Cao tốc Superdong - Kiên Giang...

Theo các chuyên gia luật, ông N. có dấu hiệu vi phạm điểm b, khoản 2, Điều 17, Luật Doanh nghiệp 2020; Luật Cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) và khoản 2 điều 19 Luật Viên chức 2010 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), điểm b khoản 2 Điều 20 Luật Phòng chống tham nhũng 2018 quy định: “Người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị công lập không được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ trường hợp luật có quy định khác”.

Sinh viên Trường UEL bức xúc trên trang cộng đồng của Trường

Ông Lê Tuấn Lộc - Chủ tịch Hội đồng trường và ông Hoàng Công Gia Khánh - Hiệu trưởng nhà trường đều biết rõ việc này, nhưng vẫn tạo điều kiện để ông N. bỏ việc cơ quan, tham gia các công việc của Tập đoàn Hoa Sen. Chẳng hạn, ngày 24/12/2024 là ngày họp Hội đồng Trường UEL, trùng với ngày Tập đoàn Hoa Sen tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập công ty, ông N. không tham gia họp Hội đồng trường để dự lễ kỷ niệm. Lý giải về sự vắng mặt của ông N, lãnh đạo UEL đã thông báo công khai trong cuộc họp như vậy.

Đồng thời, khi ông N. hết nhiệm kỳ, lãnh đạo UEL tiếp tục đề cử, giới thiệu bổ nhiệm lại làm Phó Hiệu trưởng vào ngày 18/10/2024. Điều này có dấu hiệu vi phạm khoản 5, Điều 6, QĐ 33/QĐ-ĐHKTL ngày 15/01/2022 về tiêu chuẩn điều kiện bổ nhiệm “không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của Đảng và của pháp luật”.

Ngoài ông N, theo phản ảnh của bạn đọc, tại UEL vẫn còn nhiều trường hợp bổ nhiệm cán bộ, bổ nhiệm chức danh chuyên gia, tổ chức chuyển ngạch... trái quy định, dưới hình thức mô hình “thí điểm” để lách luật nếu làm sai.

Để thông tin khách quan, từ ngày 08/02, chúng tôi đã gửi các câu hỏi tới Trường UEL và cá nhân ông Hoàng Công Gia Khánh - Hiệu trưởng nhà trường. Tuy nhiên, đến nay phóng viên vẫn chưa nhận được hồi âm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang