Kỳ lạ vụ "đòi nhà cho ở nhờ" tại Quận 10: Chủ hộ được xác định là... người "ở đậu"?

Thứ Sáu, 17/01/2025 10:46

|

(CATP) Cận Tết Nguyên đán 2025, người người tất bật chuẩn bị mua sắm đón năm mới, riêng không khí gia đình ông Tô Bình Phát (SN 1950, ngụ số 41/5/24 Sư Vạn Hạnh, P3Q10, nay là P2Q10, TPHCM; chạy xe ôm) rất ảm đạm. Căn nhà cấp 4 lụp xụp diện tích 101,6m2 ngay góc hẻm với 9 nhân khẩu thường trú đang rơi vào cảnh lao đao vì sắp bị Cơ quan Thi hành án dân sự cưỡng chế, buộc giao nhà đất cho bên thắng kiện.

Em chồng kiện chị dâu "đòi nhà cho ở nhờ"

Nguyên đơn và bị đơn trong vụ án dân sự này không hề xa lạ nhau. Nguyên đơn là vợ chồng ông Tô Ngân Chen - bà Thạch Phôi Phân (ông Chen chết vào tháng 9/2011, bà Phân chết hồi tháng 10/2017), khi còn sống đều ngụ chung cư Ngô Gia Tự (P3Q10, nay là P2Q10); các con của hai người cùng thừa kế quyền, nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn. Bị đơn là ông Tô Bình Phát và em gái Tô Mỹ Yến (SN 1960, ngụ cùng nhà); nhiều anh chị em của ông có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong vụ án này còn có một người trùng tên là ông Tô Bình Phát (SN 1958, con của ông Chen - bà Phân, chết năm 2007).

Vụ án "đòi nhà cho ở nhờ" phát sinh tranh chấp đến nay đã 20 năm, có liên quan đến hai vụ án khác. Đã có 2 Bản án, gồm: số 2070/2023/DSST ngày 28/9/2023 do TAND TPHCM ban hành và số 533/2024/DS-PT ngày 16/7/2024 do TAND Cấp cao tại TPHCM ban hành. Phía bị đơn đã gửi đơn khiếu nại gửi đến TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao yêu cầu xem xét 2 bản án trên theo thủ tục giám đốc thẩm.

Ông Tô Bình Phát (SN 1950) trong căn nhà cha mẹ ông để lại

Theo nội dung vụ án, phía nguyên đơn trình bày: Trước năm 1963, vợ chồng ông Chen đã mua nhà đất số 41/5/24 Sư Vạn Hạnh nêu trên của người Nhật tên Trương Chi Quan với giá 320 ngàn đồng, có làm giấy mua bán và được chính quyền chế độ cũ thị thực. Năm 1968, căn nhà bị cháy do chiến tranh, toàn bộ giấy tờ không còn, ông Chen xây lại bằng vật liệu nhẹ để ở, khai báo diện tích nhà bị cháy cùng thiệt hại và nhận tiền hỗ trợ. Năm 1970, ông Chen nộp hồ sơ xin cấp nhà, được duyệt mua trả góp căn hộ tại chung cư Ngô Gia Tự (hiện nay), có biên nhận xin cấp nhà vào ngày 02/12/1969.

Năm 1970, anh ruột ông Chen là ông Tô Can Bình (cha ông Tô Bình Phát - SN 1950) chết tại Khánh Hòa. Hai năm sau, vợ ông Tô Can Bình là bà Trịnh Tuyết Ngân cùng 7 người con từ Khánh Hòa chuyển vào, được ông Chen cho ở đậu tại căn nhà số 41/5/24 Sư Vạn Hạnh nêu trên, còn gia đình ông Chen chuyển đến sống tại chung cư Ngô Gia Tự. Đến năm 1999, Nhà nước có chủ trương hợp thức hóa nhà đất, bà Ngân đã tự kê khai, được UBND Q10 cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sở hữu nhà ở (QSHNO) và quyền sử dụng đất ở (QSDĐO) số 1635/02 ngày 25/12/2002, mà không báo cho ông Chen biết. Khi phát hiện sự việc, ngày 13/01/2005, ông Chen gửi đơn khiếu nại đến Thanh tra Q10. Ngày 15/7/2005, ông Chen tiếp tục khiếu nại đến UBND Q10. Sau khi thẩm tra, xác minh lại hồ sơ kê khai của bà Ngân không đúng quy định của pháp luật, UBND Q10 ra Quyết định số 9022/QĐ-UB ngày 26/9/2006 hủy bỏ giấy GCN QSHNO và QSDĐO đã cấp cho bà Ngân.

Phía bị đơn là ông Phát - bà Yến trình bày: Cha mẹ họ là ông Tô Can Bình (chết năm 1970) - bà Trịnh Tuyết Ngân (SN 1928, chết năm 2004) có 7 người con. Riêng bà Ngân không đọc và viết được chữ tiếng Việt. Vợ chồng bà Ngân thuê căn nhà tại địa chỉ trên vào năm 1956 của một ông người Nhật bán thuốc, đến năm 1963 thì mua lại, cho ông Chen cùng người chị ở đậu. Năm 1965, chồng bà Ngân đưa vợ, con ra Khánh Hòa sinh sống. Năm 1968, khu vực căn nhà trên bị cháy gây thiệt hại nặng. Vợ chồng bà Ngân nhờ ông Chen kê khai nhà cháy, nhưng ông Chen khai tên mình và được cho thuê mua một căn hộ ở chung cư Ngô Gia Tự (hiện nay), vợ chồng bà Ngân không để ý việc này. Khi chồng chết năm 1970, bà Ngân đưa con quay về sống trong căn nhà trên từ năm 1972, nhập lại hộ khẩu với vai trò bà Ngân là gia trưởng (chủ hộ). Lúc này, ông Chen không còn ở tại căn nhà số 41/5/24 Sư Vạn Hạnh. Từ đó đến nay, bà Ngân cùng các con, cháu sinh sống tại căn nhà. Hiện còn 9 người con, cháu của bà Ngân đang sống và có hộ khẩu thường trú tại đây, do ông Phát (SN 1950) làm chủ hộ.

Vào hai năm 1977 và 1999, thực hiện chỉ đạo của Nhà nước, bà Ngân đều tiến hành kê khai, đăng ký sử dụng nhà, đất tại địa chỉ trên, có hồ sơ lưu địa chính đầy đủ. Khi chính quyền phường công khai thông tin xin cấp GCN, ông Chen đã không khiếu kiện. Đến năm 2002, bà Ngân cùng chồng bà (đã chết) được cấp GCN QSHNO và QSDĐO. Sau khi bà Ngân qua đời gần cuối năm 2004, ngày 13/01/2005, ông Chen gửi đơn khiếu nại đến Thanh tra Q10 rồi sau đó gửi đơn đến UBND Q10. UBND Q10 đã ra quyết định hủy GCN trên vào tháng 9/2006, nhưng đến năm 2009 thì UBND phường mới mời đại diện gia đình bà Ngân lên làm việc, giao một bản photocopy quyết định thu hồi GCN.

Tờ giấy photocopy nghi bị sửa hai chữ "chủ nhà” thành "ở đậu"

Phía ông Phát (SN 1950) đã khiếu nại và kiện UBND Q10 ra tòa, yêu cầu tuyên hủy quyết định của UBND Q10. Bản án số 01/2020/HC-ST ngày 29/4/2020 của TAND Q10 tuyên chấp nhận yêu cầu của ông Phát (SN 1950). Tuy nhiên, bản án này bị hủy vì có liên quan đến yếu tố nước ngoài. Vụ án hành chính được chuyển lên TAND TPHCM xử sơ thẩm. Bản án số 1078/2021/HC-ST ngày 28/10/2021 của TAND TPHCM tuyên bác yêu cầu của ông Phát (SN 1950). Ông này kháng cáo, Viện trưởng VKSND TPHCM cũng ra kháng nghị phúc thẩm theo hướng chấp nhận yêu cầu của ông Phát (SN 1950). Trong Bản án số 705/2022/HC-PT ngày 30/8/2022 của TAND Cấp cao tại TPHCM tuyên giữ nguyên Bản án số 1078/2021/HC-ST.

Ngày 28/9/2023, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm vụ án dân sự "đòi nhà cho ở nhờ" với nguyên đơn là phía vợ chồng ông Chen. Tại Bản án số 2070/2023/DSST tuyên nhà đất số 41/5/24 Sư Vạn Hạnh là của vợ chồng ông Chen, thuộc di sản thừa kế của cả hai; buộc phía ông Phát (SN 1950) phải trả lại nhà, đất. Phía ông Chen tự nguyện hỗ trợ cho phía bị đơn 300 triệu đồng đối với giá trị căn nhà và việc di dời. Bị đơn kháng cáo. Đến ngày 16/7/2024, TAND Cấp cao tại TPHCM xử phúc thẩm, giữ y án sơ thẩm.

Nếu là chủ nhà, đất sao không kê khai, đăng ký?

Liên quan đến vụ án "đòi nhà cho ở nhờ" và vụ kiện hành chính về hủy GCN đã cấp cho bà Ngân, còn một vụ án khác là vụ ông Chen kiện vợ chồng ông Quách Đông Nam - bà Châu Hy Nữ, được TAND Q10 thụ lý ngày 04/5/1995 về "tranh chấp quyền sở hữu nhà”. Theo ông Phát (SN 1950), mẹ ông đã cho vợ chồng bà Nữ ở nhờ tại căn phòng diện tích khoảng 22m2 phía sau. Đến năm 1994, vợ chồng bà Nữ kê khai, đăng ký sử dụng nhà đất và xây thêm tầng, bà Ngân mới nhờ ông Chen kiện để lấy lại. Do bà Ngân không biết chữ nên mọi việc ông Chen hướng dẫn thế nào bà làm theo y vậy, trong đó có lời khai vào ngày 06/5/1999 bà Ngân thừa nhận căn nhà số 41/5/24 Sư Vạn Hạnh của mình và căn nhà của vợ chồng bà Nữ là của ông Chen cho ở đậu. Tuy nhiên, Bản án số 08/2006/DSST ngày 18/01/2006 của TAND Q10 tuyên bác đơn kiện của ông Chen, công nhận diện tích nhà, đất bị tranh chấp thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của vợ chồng bà Nữ. Sau đó, vợ chồng bà Nữ được cấp GCN đối với diện tích khoảng 22m2 và chuyển nhượng cho người khác.

Trong Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 6151/QĐ-VKS-HC của Viện trưởng Viện KSND TPHCM ngày 11/11/2021 đối với vụ án hành chính mà phía ông Phát (SN 1950) kiện UBND Q10, cho rằng việc TAND TPHCM xử sơ thẩm tuyên bác yêu cầu của nguyên đơn là không có căn cứ. Bởi lẽ, cả ông Chen và bà Ngân đều không có giấy tờ nào liên quan đến căn nhà. Ông Chen không trực tiếp quản lý, sử dụng và đăng ký, kê khai. Còn bà Ngân là người trực tiếp quản lý, sử dụng từ năm 1970, có kê khai, đăng ký sử dụng nhà đất tại số 41/5/24 Sư Vạn Hạnh vào ngày 17/12/1977 và ngày 14/8/1999; việc đăng ký được UBND phường đóng dấu xác nhận, thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ cho Nhà nước. "Vì vậy, bà Trịnh Tuyết Ngân là người sử dụng ổn định, lâu dài và được UBND Q10 cấp GCN QSHNO và QSDĐO là phù hợp với Điều 2 Luật Đất đai năm 1993, Điều 3 Nghị định 60-CP ngày 05/7/1994 quy định về QSHNO và QSDĐO tại đô thị...".

Ai đã cung cấp chứng cứ nghi bị cạo sửa cho tòa?

Một vấn đề quan trọng khác trong vụ án trên là có một chứng cứ nghi đã bị cạo sửa, được nộp cho tòa án. Nội dung Bản án số 533/2024/DS-PT ngày 16/7/2024 của TAND Cấp cao tại TPHCM ghi nhận: "Ngoài ra, khi đối chiếu với bản sao chụp "Bản kiểm kê nhân khẩu" năm 1975 bà Ngân nộp kèm hồ sơ xin cấp GCN với bản chính thì bản sao chụp của bà Ngân đã bị cạo sửa từ "ở đậu" thành "chủ nhà” (Bản kê nhân số trong gia đình ngày 24/6/1975)...".

Vấn đề này cũng đã được nêu trong Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 6151/QĐ-VKS-HC như sau: "Bên cạnh đó, UBND Q10 và Chủ tịch UBND Q10 cho rằng, khi đối chiếu bản sao chụp bản kiểm kê nhân khẩu năm 1975 do bà Ngân nộp xin cấp GCN với bản chính lưu tại tàng thư Công an Q10 đã bị cạo sửa từ (ở đậu) thành (chủ nhà); xét thấy: theo bản khai danh sách nhân khẩu và tờ khai gia đình thể hiện chủ hộ Trịnh Tuyết Ngân, từ Nha Trang chuyển đến 1972, bản chính bản kê nhân khẩu này nằm trong tàng thư Công an Q10, còn khi nộp hồ sơ cấp GCN bà Ngân chỉ nộp bản sao bản kê nhân khẩu, đến năm 2002 UBND Q10 cấp GCN cho bà Ngân, sau đó năm 2006 ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ GCN cấp cho bà Ngân với lý do cạo sửa trên bản sao, bản kê nhân khẩu từ (ở đậu) thành (chủ nhà) là hành vi gian dối là không phù hợp, vì không có cơ sở xác định bà Ngân là người cạo sửa 02 từ này".

Thực tế là bà Ngân có Tờ khai gia đình từ năm 1972 với vai trò "gia trưởng" (chủ hộ); Bản kiểm kê nhân số trong gia đình ngày 24/6/1975 với vai trò bà là "gia trưởng", địa chỉ số 48/54Bis Trần Hoàng Quân; đến ngày 01/10/1976 thì có Giấy chứng nhận đăng ký nhân khẩu thường trú trong hộ (bà là chủ hộ), đổi thành địa chỉ số 48/54Bis Nguyễn Chí Thanh; về sau đều có sổ hộ khẩu thường trú, với vai trò bà là chủ hộ, địa chỉ đổi thành số 41/5/24 Sư Vạn Hạnh. Sau khi bà chết, ông Phát (SN 1950) thay mẹ làm chủ hộ cho đến nay. Tại địa chỉ này, chưa hề có tên ông Chen và vợ, con ông đăng ký thường trú.

Bình luận (0)

Lên đầu trang