(CAO) Ngày 20-10, theo dự kiến, TAND Q.7 (TPHCM) sẽ tiếp tục mở lại phiên xử vụ kiện liên quan đến việc bán đấu giá tại dự án Hòa Lân (Bình Dương) sau khi tạm dừng một tháng để thu thập thêm tài liệu, chứng cứ.
Trước đó, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thiên Phú (công ty Thiên Phú) đã khởi kiện Công ty CP Đấu giá Nam Sài Gòn (công ty đấu giá), yêu cầu hủy kết quả đấu giá KDC Hòa Lân.
Đại diện phía nguyên đơn cho biết, tại phiên tòa trước đó (ngày 20-8 vừa qua), theo đề nghị của kiểm sát viên đã được Hội đồng xét xử chấp nhận ra quyết định tạm dừng phiên tòa với lý do “cần phải xác minh, thu thập bổ sung tài liệu, chứng cứ mà nếu không thực hiện thì sẽ không thể giải quyết được vụ án và không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa”.
Sau khi dừng phiên tòa, TAND Q.7 đã ban hành công văn gửi các cơ quan có liên quan để thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu. Tuy nhiên, còn có những chứng cứ chưa được thu thập đầy đủ đó là: chưa có văn bản trả lời của UBND tỉnh Bình Dương, chưa có văn bản trả lời của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn – Chi nhánh Chợ Lớn (ngân hàng), chưa trưng cầu giám định tại ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Điều 3, Thông tư số 44/2014.
Như vậy, lý do để ngừng phiên tòa vẫn chưa được khắc phục, lẽ ra Hội đồng xét xử (HĐXX) phải căn cứ khoản 2, Điều 259, Bộ luật Tố tụng dân sự ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án vì “nếu không thực hiện thì sẽ không thể giải quyết được vụ án”.
Phiên tòa do TAND quận 7 xét xử trước đó
Tài sản bán đấu giá là quyền sử dụng đất gắn liền với việc thực hiện dự Hòa Lân do Công ty Thiên Phú làm chủ đầu tư. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với việc chuyển nhượng dự án, theo quy định, phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (UBND tỉnh Bình Dương) chấp thuận.
Trước ngày bán đấu giá, Công ty Thiên Phú đã phát hiện việc ngân hàng và Công ty đấu giá có dấu hiệu vi phạm nên đã có văn bản số 28 (ngày 18-5-2017) gửi phía ngân hàng đề nghị dừng việc bán đấu giá và được chuộc lại tài sản đưa ra bán đấu giá, nhưng yêu cầu của Công ty Thiên Phú không được xem xét.
Bên cạnh đó việc bán đấu giá còn có một số dấu hiệu vi phạm. Ngân hàng chọn công ty đấu giá là công ty được thành lập có dấu hiệu trái pháp luật. Bởi lẽ, ông Nguyễn Việt Hưng (góp 76% vốn pháp định của công ty đấu giá), nhưng cũng là thành viên của Hội đồng đấu giá, là cán bộ của ngân hàng. Từ đó, dẫn tới việc đấu giá có dấu hiệu không khách quan.
Ngoài ra, phía ngân hàng và công ty đấu giá sử dụng chứng thư thẩm định không còn hiệu lực (quá 6 tháng) làm căn cứ xác định giá khởi điểm, có thể sẽ gây thiệt hại cho Công ty Thiên Phú, ảnh hưởng tới việc thu hồi vốn của Nhà nước...