(CAO) Ông Nguyễn Xuân Phúc (SN 1964, ngụ P.14, Q.3) vừa có đơn gửi Báo Công an TPHCM phản ánh, ngày 16/09/2020, ông và chị của ông là bà Đặng Thị Tuấn đang ở nhà 402 đường Hai Bà Trưng (P.Tân Định, Q.1) thì người của Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) Q.1 đến yêu cầu ông và bà Tuấn đến UBND phường Tân Định làm việc. Lúc này, trong nhà của ông Phúc chỉ còn lại một mình bà Nguyễn Thị Chín (89 tuổi), là dì ruột ở chung nhà với ông Phúc, bà Chín, bị bệnh tim.
Cùng thời điểm này, một đoàn khác của THADS Q.1 và các đơn vị hỗ trợ cưỡng chế đã phá khóa vào nhà, đưa bà Chín đi trong trạng thái bà mới ngủ dậy, chưa được uống thuốc, chưa ăn sáng và chở bà Chín vào Bệnh viện Q.1. Lúc ông Phúc, bà Tuấn về thì không được vào nhà. Trong thời gian bà Chín nằm trong bệnh viện, luôn có người của Chi cục THADS Q.1 canh giữ, người nhà không thể vào thăm, chăm sóc bà Chín.
Bà Tuấn bức xúc: “Dì tôi 89 tuổi, bị bệnh tim, sức khỏe rất yếu, đi lại rất khó khăn, chúng tôi muốn vào chăm sóc dì nhưng bệnh viện không cho vào. Họ nói thực hiện theo yêu cầu của cơ quan THADS Q.1, nếu người nhà muốn vào thì phải có giấy của cơ quan THADS quận 1 mới được vào. Mọi việc do cơ quan THADS Q.1 và bệnh viện chịu trách nhiệm. Việc THA có liên quan gì đến việc tôi vào chăm sóc, phụng dưỡng dì tôi mà họ ngăn cản...”.
Cụ bà Nguyễn Thị Chín
Điều đáng nói là cụ bà Nguyễn Thị Chín không liên quan đến vụ cưỡng chế cũng như tài sản bị cưỡng chế, và cụ có đầy đủ người chăm sóc, giám hộ theo luật định, nhưng người nhà lại bị ngăn cản vào chăm sóc.
Như Báo CATP đã phản ánh, ông Nguyễn Xuân Phúc (SN 1964), là chủ sở hữu tài sản nhà ở, quyền sử dụng đất tại số 402 đường Hai Bà Trưng (P.Tân Định, Q.1) đã được thế chấp cho Ngân hàng Công Thương Việt Nam để bảo lãnh cho Công ty CP nhiên liệu Vạn Phúc (Công ty Vạn Phúc) vay số tiền 55,8 tỷ đồng từ năm 2014.
Căn nhà mặt tiền số 402 Hai Bà Trưng (P.Tân Định, Q.1)
Do rủi ro trong kinh doanh, Công ty Vạn Phúc không còn khả năng trả nợ và ngân hàng kiện ra Tòa án xét xử buộc Công ty Vạn Phúc phải trả tiền cho ngân hàng. Công ty Vạn Phúc không có tiền trả nên Cơ quan thi hành án kê biên tài sản bảo lãnh, tổ chức phát mãi bán đấu giá để trả tiền cho ngân hàng. Ông Phúc đồng ý với việc bán tài sản bảo lãnh (thế chấp) để trả tiền ngân hàng. Tuy nhiên, ông này cho rằng Cơ quan THADS Q.1 đã kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản nhà đất trên gây thiệt hại cho ông.
Do vậy, ngày 28-5-2020, ông Phúc có đơn tố cáo chấp hành viên thụ lý vụ việc, Chi cục thi hành án dân sự Q.1. Sau đó, ông Phúc nhận được thông báo kết quả giải quyết tố cáo số 3274 (ngày 22-7-2020) của Chi cục THADS Q.1. Vì không đồng ý với nội dung giải quyết này, ngày 14-8-2020 ông Phúc tiếp tục làm đơn khiếu nại gửi đến Cục THADS TPHCM và Bộ Tư pháp.
Ngày 8-9-2020, ông Phúc trực tiếp đến trụ sở Bộ Tư pháp tại Hà Nội và được biết đơn của ông đã chuyển về Cục THADS TPHCM giải quyết. Ngày 10-9-2020, ông Phúc được Cục THADS mời đến trình bày nội dung sự việc để xem xét giải quyết, nhưng đến ngày 21-9 cơ quan này vẫn chưa hồi âm cho ông Phúc. Trong khi đó, ngày 16-9-2020, Chi cục THADS quận 1 đã thực hiện cưỡng chế.
Phóng viên đã liên hệ với một lãnh đạo của Chi cục THADS Q.1, đề nghị được thông tin về vụ việc trên. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này nói bận họp và từ chối đưa ra bình luận vì Chi cục không có quyền phát ngôn.
(CAO) Ông Nguyễn Xuân Phúc (SN 1964) là chủ sở hữu tài sản nhà ở, quyền sử dụng đất tại số 402 đường Hai Bà Trưng (P.Tân Định, Q.1, TPHCM), đã thế chấp vào Ngân hàng Công thương Việt Nam để bảo lãnh cho Công ty CP nhiên liệu Vạn Phúc (Công ty Vạn Phúc) vay số tiền 55,8 tỷ đồng từ năm 2014.