Đại biểu Quốc hội thống nhất cần có chính sách đặc thù cho dự án điện hạt nhân

Thứ Hai, 17/02/2025 12:34  | Thanh Hòa

|

(CAO) Sáng nay 17/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

“Ninh Thuận luôn sẵn sàng tâm thế thực hiện dự án”

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Quốc Nam – Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận nhận định, việc khởi động lại dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là cơ hội, vinh dự lớn của tỉnh để trở thành trung tâm năng lượng sạch cả nước.

Theo ông, hơn 15 năm qua, Ninh Thuận luôn sẵn sàng tâm thế về triển khai thực hiện dự án. Trong thời gian đó, khoảng 1.300 hộ dân vùng lõi dự án cần di dời và Nhân dân sẵn sàng bàn giao nhà, đất với mong muốn dự án sẽ được triển khai nhanh hơn.

“Nhân dân vùng dự án chỉ có nguyện vọng là nơi ở mới của bà con phải tốt hơn cũ, đời sống phải thật ổn định, ấm no, hạnh phúc”, ông Trương Quốc Nam chia sẻ.

Đại biểu Trần Quốc Nam – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận phát biểu thảo luận tại hội trường

Chính phủ giao tỉnh Ninh Thuận trong năm 2025 phải thực hiện xong giải phóng mặt bằng, di dời và tái định cư cho người dân vùng dự án, tức là chỉ còn khoảng 10 tháng nữa để thực hiện việc này.

Thời gian qua, tỉnh đã tiến hành nhiều công việc với tinh thần xuyên suốt là việc làm được thì làm ngay, không chờ đợi. Các công việc của tỉnh, chủ đầu tư, bộ ngành được triển khai với tinh thần quyết tâm, quyết liệt để chậm nhất tới 31/12/2031 vận hành nhà máy số 1.

Tại dự thảo nghị quyết xin ý kiến Quốc hội lần này, Chính phủ đề xuất 7 chính sách đặc thù. Đại biểu Trương Quốc Nam cho biết, tỉnh đề xuất được bổ sung thêm 5 chính sách, cơ chế nữa, nhất là giải phóng mặt bằng, di dời, bồi thường và hỗ trợ người dân vùng dự án để làm dự án.

Theo ông Nam, giải phóng mặt bằng thường là khâu khó, mất nhiều thời gian, nếu thực hiện theo đúng quy định của luật thì chắc chắn một năm không thể hoàn thành.

“Dự án này cũng là điển hình thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá KHCN, đổi mới sáng tạo. Ninh Thuận và Nhân dân vùng dự án sẽ hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo tiến độ dự án, vì mục tiêu Ninh Thuận vì cả nước, hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này để đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận bày tỏ.

“Việt Nam không phải bắt đầu từ con số 0”

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) thông tin, hiện có 431 nhà máy điện hạt nhân vận hành tại 32 quốc gia, 8 quốc gia làm chủ công nghệ mới, công suất lớn với tính năng vượt trội, an toàn như Nga, Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn, Trung Quốc, Ấn Độ và Canada.

Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án đầu tiên của Việt Nam và với tiến độ đặt ra, đại biểu cho rằng, cần chính sách đặc thù mới hoàn thành.

Hợp đồng “chìa khóa trao tay” là phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng lựa chọn hình thức này cho nhà máy đầu tiên của họ.

Việc áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn với đối tác đủ năng lực vận hành, bảo dưỡng trong 5 năm kể từ ngày dự án nghiệm thu đưa vào sử dụng, theo đại biểu Tú Anh là phù hợp để bảo dưỡng nhà máy liên tục trong trường hợp hết hợp đồng “chìa khóa trao tay”. Nhưng về lâu dài, chủ đầu tư cần kế hoạch chuẩn bị năng lực, kỹ thuật thông qua hợp đồng chuyển giao công nghệ, dịch vụ kỹ thuật, chương trình đào tạo với đối tác cung cấp công nghệ nhà máy cho Việt Nam.

Quang cảnh Kỳ họp

Về an toàn, an ninh hạt nhân, đại biểu Tú Anh cho rằng theo thông lệ các nhà cung cấp đều tuân thủ nguyên tắc của IAEA. Với thiết kế liên quan đặc điểm địa hình, khí hậu theo điều kiện Việt Nam, nữ đại biểu cho rằng cần được phê duyệt theo tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn của Việt Nam, có thể thẩm định theo quy trình rút gọn.

“Việt Nam lần đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nhưng không phải bắt đầu từ con số 0”, bà Trịnh Thị Tú Anh nhấn mạnh và lấy ví dụ có thể kế thừa kinh nghiệm từ lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.

Đại biểu đề xuất trước tiên cần xây dựng hoàn thiện hành lang pháp lý để làm căn cứ quan trọng ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong hướng dẫn đảm bảo an ninh an toàn hạt nhân như thiết kế, xây dựng, chế tạo, vận hành thử, vận hành chính thức, tháo dỡ nhà máy…

Bên cạnh đó là phát triển nhân lực và đào tạo vì nhu cầu cho nhà máy 2 tổ máy, theo hướng dẫn của IAEA là 1.200 người/nhà máy ở tất cả các khâu. Cùng với đó, cần làm tốt công tác truyền thông, đảm bảo người dân vùng dự án có đời sống tốt hơn khi di dời.

Đại biểu tin rằng, với cơ chế chính sách đặc thù khi được Quốc hội thông qua, việc thi công xây dựng và vận hành điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm là khả thi.

Làm rõ phương án xử lý chất thải

Trước đó, tại phiên thảo luận ở tổ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TPHCM) đã nêu vấn đề về xử lý chất thải hạt nhân. Đây là một vấn đề nan giải mà nhiều quốc gia trên thế giới đang đối mặt. Ông đã dẫn chứng thông tin từ báo chí về việc 58 lò phản ứng của Pháp đã phát thải hơn 1 triệu m3 chất thải trong vòng 40 năm và con số này tăng lên 2 triệu m3 vào năm 2020.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TPHCM) phát biểu tại thảo luận tổ

"Các chất thải này tồn tại rất lâu dưới dạng phóng xạ trong ít nhất 30 năm nhưng cũng có thể kéo dài hàng trăm năm. Việt Nam cũng đã có nghiên cứu về phương án xử lý, song tôi cũng đề nghị phải cân nhắc bởi có sự cố thì riêng việc xử lý chất thải này là mấy chục năm và có thể lên đến 100 năm và nếu chôn lấp thì thời gian là bao lâu," đại biểu Trương Trọng Nghĩa đặt câu hỏi.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (Đoàn TPHCM) đề nghị Chính phủ cần quan tâm thêm đến vấn đề này khi chọn nhà đầu tư và ký kết hợp đồng.

"Vấn đề chất thải của điện hạt nhân là một nỗi lo chung của các nước có hạt nhân chứ không phải chỉ riêng Việt Nam và vấn đề này cần nêu ra khi chọn nhà đầu tư và khi ký kết hợp đồng," đại biểu Nguyễn Minh Hoàng đề nghị.

Để dự án thành công, theo các đại biểu việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với đặc thù của ngành năng lượng hạt nhân là rất quan trọng.

Không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội, chủ quan

Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận sáng nay, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, để thực hiện được mục tiêu hoàn thành dự án trong giai đoạn 2030-2031, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới thì rất cấp thiết phải sớm có các cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội

Vì vậy, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận ngay tại kỳ họp này “để làm cơ sở triển khai thực hiện, tận dụng các điều kiện thuận lợi, tinh thần và khí thế tiến công, vượt khó, đẩy nhanh tiến độ triển khai các công việc quan trọng ban đầu của dự án”.

Với tinh thần cầu thị, khẩn trương, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội, chủ quan, sau phiên thảo luận hôm nay, các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu tối đa ý kiến xác đáng của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo nghị quyết, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp.

“Trong quá trình triển khai dự án, nếu phát sinh các vấn đề mới hoặc phải sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách này, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang