(CATP) Cuối năm 2009, bà Tạ Tuyết Lan (SN 1972, thường trú tại P5Q11, TPHCM) và ông Huỳnh Đức Nhân (SN 1961, thường trú tại phường 8- Q.Tân Bình, TPHCM) tự nguyện chung sống như vợ chồng, không tổ chức lễ cưới và không đăng ký kết hôn.
Cả hai có một con chung tên là Huỳnh Thiện Lộc, sinh ngày 25-1-2011. Trong quá trình chung sống, hai bên xảy ra mâu thuẫn, bà Lan làm đơn xin ly hôn.
Bản án sơ thẩm số 146/2015/HNGĐ-ST ngày 6-2-2015 của TAND Q. Tân Bình đã tuyên: Không công nhận quan hệ vợ chồng giữa bà Lan và ông Nhân; giao con chung là Huỳnh Thiện Lộc cho bà Lan chăm sóc, nuôi dưỡng.
Do ông Nhân kháng cáo giành quyền nuôi con, ngày 12-5-2015 TAND TPHCM đã xét xử phúc thẩm. Tại phiên tòa, bà Lan và ông Nhân thống nhất giao con chung cho ông Nhân nuôi dưỡng. Trên cơ sở đó, TAND TPHCM đã tuyên “giao con chung là Huỳnh Thiện Lộc cho ông Nhân chăm sóc, nuôi dưỡng”.
Trong đơn gửi mục “Tiếng còi”, bà Hồ Phụng Kính (bà nội của bé Lộc, thường trú tại Q.Tân Bình, TPHCM) trình bày: “Vì cháu Lộc chưa có hộ khẩu thường trú nên ngay sau khi có bản án của TAND TPHCM, gia đình tôi đã đến cơ quan công an làm thủ tục để đăng ký hộ khẩu cho cháu, nhưng các cơ quan công an cứ hướng dẫn lòng vòng.
Hình minh họa - Ảnh: NOP
Tại Đội Cảnh sát quản lý hành chính (CSQLHC) - Công an Q.Tân Bình, cán bộ hướng dẫn tôi làm “đơn xin xác nhận” gửi Công an P5Q11, yêu cầu nơi này xác nhận để bổ túc hồ sơ nhập hộ khẩu cho cháu Lộc tại Q.Tân Bình.
Thế nhưng khi gia đình tôi làm đơn gửi Công an P5Q11 thì anh Huỳnh Văn Nghiệp (Cảnh sát khu vực) không chịu xác nhận vào đơn, mà yêu cầu tôi đến Đội CSQLHC - Công an Q.Tân Bình nhờ làm văn bản ghi rõ “muốn xác nhận việc gì thì viết giấy gửi qua đây”.
Khi tôi quay lại Đội CSQLHC - Công an Q.Tân Bình thì cơ quan này không viết. Vì vậy đến nay cháu Lộc vẫn chưa được đăng ký hộ khẩu thường trú, để làm thủ tục nhập học. Chúng tôi phải làm sao đây?”.
Từ đơn phản ánh của bà Kính, chúng tôi đã liên hệ với Đội Cảnh sát quản lý hành chính - Công an Q.Tân Bình thì được cán bộ thụ lý hồ sơ giải thích: “Cha và mẹ của cháu Lộc đăng ký hộ khẩu ở hai nơi khác nhau (mẹ có hộ khẩu ở P5Q11 và cha đăng ký hộ khẩu ở P8Q.Tân Bình).
Vì vậy muốn đăng ký hộ khẩu cho cháu Lộc ở Q. Tân Bình theo cha thì cần xác định cháu đã đăng ký hộ khẩu tại nơi người mẹ thường trú hay chưa? Nếu Công an P5Q11 xác nhận cháu Lộc chưa có đăng ký hộ khẩu thường trú tại địa phương, chúng tôi sẽ tiến hành đăng ký hộ khẩu thường trú cho cháu Lộc tại Q.Tân Bình. Còn nếu cháu Lộc đã đăng ký theo hộ khẩu của mẹ, khi muốn chuyển hộ khẩu theo cha thì Công an Q.Tân Bình hướng dẫn theo thủ tục khác”.
Theo giải thích trên, việc Công an Q.Tân Bình hướng dẫn người dân làm đơn yêu cầu Công an P5Q11 xác nhận về tình trạng đăng ký hộ khẩu thường trú của cháu Lộc là phù hợp. Lẽ ra, khi tiếp nhận đơn của gia đình cháu Lộc, đồng chí Nghiệp nên tìm hiểu rõ sự việc và tìm cách giúp đỡ; không cần thiết phải đòi “văn bản yêu cầu của Công an Q.Tân Bình” mới ký xác nhận vào đơn, làm khó cho người dân. Rõ là:
Hồ sơ hướng dẫn rõ ràng
Thủ tục đơn giản dễ dàng cho dân
Sao khi đến lúc dân cần
Anh yêu cầu khó, để dân nhọc nhằn?