Khán giả phản ứng…
Những cái tên được khán giả cho rằng hài nhảm do phát ngôn vô tội vạ, thậm chí là ngoa ngôn thích nói gì nói, khiến người xem đi từ "choáng" đến khó chịu. Rất nhiều khán giả bày tỏ, đó là sự kém cỏi trong làng hài hiện nay, trong đó có những cái tên Trấn Thành, Trường Giang, Việt Hương, Thu Trang, Hoài Linh... Đáng chú ý, những cái tên bị khán giả nêu đích danh trên đều là những "ngôi sao" ăn khách hiện nay. Thật đáng buồn khi các chương trình, nhà đài lại thường xuyên mời họ vào ghế giám khảo để đưa ra những nhận định, phán xét mang tính quyết định tới thành bại của người khác.
Bạn đọc Nguyên Ba (nhà giáo - Phú Yên) đã viết bình luận: "Tôi và rất nhiều đồng nghiệp nhà giáo tâm sự, bàn chuyện phim, kịch, các cuộc thi ca hát trên tivi và xem các diễn viên, MC, giám khảo ngồi ghế nóng, nhiều khi rất bất bình vì những nhận xét nhạt nhẽo, kém văn hóa của một số nghệ sĩ. Đây là những góp ý rất trân trọng với mong muốn mỗi nghệ sĩ phải thể hiện tài năng của mình trên sân khấu đúng mực, với mục tiêu bồi dưỡng tâm hồn trong sáng, ứng xử cao đẹp, văn minh bên cạnh mục tiêu giải trí, đem lại những tiếng cười vui trong sáng".
Bạn Ngọc Thảo nhận xét: "Hài cũng cần có kịch bản rõ ràng để tránh được nhảm, để luôn đem lại những nụ cười đúng nghĩa cho khán giả”. "Để lấy lại lòng tin nơi công chúng, thiết nghĩ, chúng ta nên tẩy chay loại hài nhảm nhí, thô tục. Những chiêu trò của hài nhảm vừa qua là lời cảnh tỉnh cho các nhà đài. Nhiều khán giả, trong đó có chúng tôi rất buồn vì hàng ngày mở tivi là phải nghe mấy thứ nhố nhăng, phản cảm, uốn éo. Thiết nghĩ cơ quan chức năng nên lên tiếng ngay khi chưa muộn", khán giả có tên Anh Bay cho biết.
Một khán giả bình luận: "Các nghệ sĩ hài muốn khán giả yêu mến thì phải diễn bằng cái tâm nghệ thuật, lời ăn tiếng nói trên sân khấu phải có văn hóa. Hài đâu phải ăn nói thô tục là hay. Điệu bộ, cử chỉ, dáng đi, ngôn ngữ đối đáp, giọng cười đem đến tiếng cười cho khán giả mới gọi là nghệ sĩ hài tâm huyết và nghệ thuật. Như hiện nay, hài nhảm rất nhiều trở thành phong trào. Thật ngán ngẩm!".
Trấn Thành được cho là hài nhảm diễn ra nhan nhản... nhưng trách nhiệm của các nhà sản xuất thế nào?
Nói về trách nhiệm của nghệ sĩ đối với tấu hài, diễn viên Thành Lộc góp ý: "Tôi rất buồn khi thấy những màn tấu hài vô bổ, thiếu văn hóa, nhất là khi chiếu trên truyền hình. Diễn trên sân khấu chỉ có vài trăm người biết nhưng chiếu trên truyền hình thì cả triệu người xem, vì vậy ảnh hưởng rất lớn. Việc tung hô không đúng chỗ đã tạo ra cho người làm nghề một ảo giác rằng, họ đã lên đến đỉnh vinh quang, đạt đến đỉnh cao nghệ thuật, chạm đến nóc của sự nổi tiếng. Với lối suy nghĩ đó, họ lại càng trượt dài thêm. Họ bỏ ngoài tai những lời góp ý, phê bình của những người có trình độ, có tâm quyết, có học thuật".
Hài kịch có phải chỉ dùng để mua vui không? Chắc chắn không. Tiếng cười đúng nghĩa phải đả phá cái ác, cái xấu, cái bất công, cái thấp hèn. Tiếng cười có sức mạnh cho phép con người đương đầu với sự phi lý khắc nghiệt của đời sống. Tấu hài và danh hài thực sự không nhiều đến mức hàng loạt chương trình hài được sản sinh liên tục trên truyền hình cả nước.
Quá buồn với hài... uốn éo
Trong cuộc chiến chống lại các chương trình hài nhảm hay game show nhảm, đang có nhiều nghệ sĩ cùng một số chương trình truyền hình công khai nói không với trò diễn giả gái. Không phải ngẫu nhiên mà giả gái lại là yếu tố bị dư luận lên án đầu tiên ở các chương trình truyền hình, đến mức các nghệ sĩ phải xem xét lại về vấn đề này.
Trước đây, nghệ sĩ Minh Nhí và Gia Bảo đã khẳng định sẽ không giả gái trong game show "Sao nối ngôi" và "Tiếu lâm tứ trụ”. Ban tổ chức những chương trình này cũng xác nhận, họ sẽ phối hợp với các nghệ sĩ không giả gái trong chương trình. Bởi cứ mở tivi là thấy giả gái, không chỉ chương trình hài mà cả các chương trình ca hát, nhảy múa, tìm kiếm tài năng. Nào là "Ơn giời! Cậu đây rồi", "Cặp đôi hoàn hảo", "Gương mặt thân quen nhí”, "Cùng nhau tỏa sáng", "Cười xuyên Việt", "Bí mật đêm Chủ nhật", "Hội ngộ danh hài", "Hội quán tiếu lâm", "Cặp đôi hài hước"...
Có thể điểm mặt gần hết các nghệ sĩ hài nổi tiếng, được công chúng quen mặt khi tham gia các game show đều giả gái như: Minh Nhí, Hoài Linh, Đại Nghĩa, Trường Giang, Hứa Minh Đạt, Gia Bảo hay những nghệ sĩ trẻ mới thành danh gần đây như Huỳnh Tiến Khoa, Lê Dương Bảo Lâm, Don Nguyễn, La Thành, Dương Thanh Vàng, Hải Triều, Cô giáo Khánh, BB Trần... Các diễn viên trẻ, nhóm hài trẻ như Buffalo, Xém cười, X-Pro... giành quán quân nhiều cuộc thi hài trên truyền hình cũng "nhờ" nhiều tiết mục giả gái.
Nhiều ca sĩ như Long Nhật, Ngô Kiến Huy, Mai Quốc Việt, Hoài Lâm, Thanh Duy Idol... cũng làm khán giả truyền hình phát mệt vì sự giả gái tràn lan. Thậm chí, người xem đếm được chín lần Thanh Duy Idol giả gái để tiến đến danh hiệu quán quân "Gương mặt thân quen". Ca sĩ Hoài Lâm cũng có tần suất giả gái không kém Thanh Duy và cũng giành vị trí quán quân chương trình bằng một tiết mục biến thành nghệ sĩ Thanh Nga.
Những cảnh phản cảm trong các game show
Người trong cuộc nói gì?
Trước đây khi Minh Nhí và Gia Bảo nói không với giả gái, thì danh hài Hoài Linh cũng tuyên bố anh không giả gái nữa. Diễn viên trẻ "Cô giáo Khánh" cũng từng bày tỏ sẽ không giả gái và lấy nghệ danh khác là Duy Khánh. Tuy nhiên, việc nói không với giả gái xem ra không phải là chuyện dễ dàng. Ngay đến danh hài Hoài Linh dù tuyên bố không giả gái nữa cũng vẫn có những trường hợp ngoại lệ.
Đạo diễn Lê Nguyên Đạt từng chia sẻ: "Sự hoán đổi trai gái trên sân khấu và điện ảnh đã có từ lâu nhằm tạo sự mới lạ và thể hiện tài năng, duyên dáng của người nghệ sĩ được yêu mến. Đúng là gần đây hiện tượng này bị lạm dụng đến mức đáng báo động, gây bội thực và phản cảm cho người xem, thậm chí ảnh hưởng xấu đến tư tưởng của trẻ em. Đa số đối tượng này là các diễn viên trẻ bắt chước, ăn theo thành công của các nghệ sĩ đi trước và cạn nguồn ý tưởng nên dần đi vào phản cảm, thậm chí dung tục...".
Cũng theo một đạo diễn, về giải pháp thiết thực và cần làm ngay là sự giám sát chặt chẽ của các đơn vị sản xuất từ sân khấu đến chương trình truyền hình. Họ phải chịu trách nhiệm về nội dung, tư tưởng của vai diễn và tác phẩm. Phải nâng cao sự sáng tạo và đạo đức của diễn viên. Báo chí cũng cần lên án những trường hợp quá đà để làm gương. Nên hạn chế việc giả gái. Ví dụ, nghệ sĩ Hoài Linh là người chuyên giả gái thành công nhưng đã tự ý thức, hạn chế tối đa việc giả gái nếu không cần thiết.
Lê Dương Bảo Lâm gây khó chịu cho khán giả...
Đạo diễn Nguyễn Thành Chánh Trực cũng cho rằng, một số game show được đánh giá là hài sạch, việc giả gái nếu theo yêu cầu tình huống của kịch bản hoặc để tạo điểm nhấn đặc biệt cho câu chuyện thì được. Vấn đề là hiện nay, việc giả gái bị lạm dụng để tạo ra những tiếng cười vô bổ không cần thiết. Khi quyết định giả gái, cần chú ý những đặc điểm, như vai diễn phải đẹp, sạch, không lố lăng, phản cảm. Nội dung phải phù hợp, chừng mực, đáp ứng tình huống, hoàn cảnh quy định, hợp tình hợp lý. Cần xác định việc cho nhân vật giả gái để đạt mục đích gì, thể hiện nội dung và chủ đề câu chuyện thế nào.
Quán quân Huỳnh Tiến Khoa của "Làng hài mở hội" và "Cặp đôi hài hước" từng có những tiểu phẩm giả gái phù hợp, cho rằng: "Trên thế giới có rất nhiều nghệ sĩ diễn vai giả gái trong những bộ phim rất nổi tiếng, thể hiện tài năng vượt trội của họ. Việc giả nữ trên sân khấu không hẳn là xấu. Sẽ có một số hoàn cảnh kịch bắt buộc nam giả nữ. Như tôi khi thi "Cặp đôi hài hước", đội tôi chỉ có hai nam. Kịch bản cho hai nam rất ít nên có những lúc tôi hoặc bạn diễn phải giả gái. Việc nam giả nữ nếu đặt đúng vào tình huống, đúng vào hoàn cảnh sẽ là vai diễn độc đáo của diễn viên".
Mới đây, ông Nguyễn Thành Chung - Phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TTTT) nhấn mạnh: "Đối với những chương trình có nội dung không phù hợp, Cục có văn bản yêu cầu các đài phát thanh, truyền hình giải trình và trong trường hợp nội dung chương trình đó vi phạm pháp luật, chúng tôi đều kiên quyết xử lý nghiêm minh theo quy định. Trong thời gian vừa qua, Cục đã tiến hành xử lý một số trường hợp, chẳng hạn như chương trình truyền hình thực tế, chương trình game show".
(Còn tiếp...)
(CATP) Thời gian qua, các video, clip mang tính hài hước được đưa lên mạng xã hội, với nội dung nhảm nhí, giật gân với mục đích lôi kéo nhiều người hiếu kỳ vào xem để thu lợi nhuận. Bên cạnh đó, nhiều chương trình, gameshow hài phát trên tivi cũng mang đến không ít "sạn" cho người xem. Điều đáng nói là các video, clip có nội dung càng nhảm nhí, càng độc hại lại càng thu hút đông người xem nhất là đối với trẻ em. Những chuyện nhạt phèo, dung tục, thậm chí cố tình "chém gió” khiến không ít người xem đỏ mặt, tía tai phải chuyển kênh vì chương trình hài nhảm, bợt cỡn... vô duyên. Trước thực trạng các chương trình game show, video, clip có nội dung vô bổ, nhảm nhí, phản cảm, độc hại... xuất hiện ngày càng nhiều trên không gian mạng với tốc độ lan truyền nhanh chóng đã tác động không nhỏ đến tâm lý, ý thức và đạo đức xã hội, cần phải làm gì để ngăn chặn, xử lý triệt để?