Hài nhảm và nỗi trăn trở của nhiều nghệ sĩ

Thứ Sáu, 05/05/2017 09:35  | Lâm Vi

|

(CAO) Với mảnh đất màu mỡ “ăn nên làm ra” của các nhà đài, gameshow truyền hình hiện nay dường như ưa chuộng hài kịch hơn chính kịch và có khi lệch lạc hơn là hài nhảm đang tràn lan. Điều này dẫn đến việc chính kịch rơi vào bế tắc, nhiều sân khấu không còn sáng đèn là nỗi trăn trở của không ít nghệ sĩ.

Hài kịch bao giờ hết… nhảm

“Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ” (Nguyễn Du) đã ví cuộc đời người nghệ sĩ với kiếp tằm nhả tơ bởi sự đa đoan, rút hết ruột tơ, đem lời ca tiếng hát cho đời để sau đó đáp lại là sự thờ ơ của người đời khi tuổi về chiều cận kề. Nhiều sàn diễn không còn sáng đèn do khán giả không còn mặn mà với sân khấu, đặc biệt nhất là sự đi xuống “không phanh” của bộ môn nghệ thuật sân khấu cải lương.

Một vở diễn ở sân khấu kịch Lê Hoàng (Q. Bình Thạnh)

Vụ việc Trấn Thành bị Đài Truyền hình Vĩnh Long cấm diễn vẫn chưa có hồi kết, đã dấy lên hồi chuông về hài nhảm hiện nay. Điều này khiến người ta lại đặt câu hỏi về sự tương quan giữa 2 loại hình sân khấu hài kịch và chính kịch, đây cũng là cơ hội để khán giả nhìn lại đời sống của nhiều nghệ sĩ chính kịch, đặc biệt là nghệ sĩ cải lương. Đã có không ít nghệ sĩ cải lương phải bỏ nghề lưu lạc khắp nơi để tìm chốn mưu sinh.

Hiện nay, các sân khấu từ truyền hình cho đến sân khấu tư nhân, các show diễn… các danh hài “tự xưng” xuất hiện nhan nhản và dày đặc với sự lộng ngôn, phản cảm khiến không ít khán giả bức xúc. Sự thách thức đỉnh điểm khi Trấn Thành cho rằng: “Nếu khán giả thấy hài nhảm, hãy tắt tivi” và sự lên án của cộng đồng mạng ngày càng mạnh mẽ hơn khi nhiều người bức xúc cho rằng nên “cấm sóng” luôn nam diễn viên hài này.

Nghệ sĩ Hoa Mỹ Hạnh

Việc các tiết mục hài không được kiểm duyệt kỹ càng trước khi lên sóng, nghệ sĩ vô tư phát ngôn trên sân khấu đã gây nên nhiều hình ảnh không đẹp đối với khán giả và tai hại hơn là ở những chương trình dành cho thiếu nhi và khán giả nhỏ tuổi. Việc Trấn Thành bị “cấm sóng” như “giọt nước tràn ly” bởi trước đó anh từng bị Sở Văn hóa, Thể thao TP.HCM phạt hành chính 32,5 triệu đồng do phá vỡ hình tượng người phụ nữ Tô Ánh Nguyệt trong vở kịch cùng tên…

Không chỉ hài nhảm xuất hiện dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng mà còn xuất hiện nhiều ở các chương trình từ trung ương đến địa phương. Đó có phải là sự thờ ơ của nhà đài, nhà đầu tư, liên kết mua sóng, nhà tài trợ, nhà sản xuất… hay sự dung túng của một bộ phận nghệ sĩ và khán giả dễ dãi.

Nghệ sĩ chính kịch dần bỏ nghề

Nhìn lại đầu những năm 90 của thế kỷ trước, sân khấu cải lương bắt đầu tan rã, nghệ sĩ không còn đất diễn, nhiều người phải bỏ nghề để chạy theo gánh nặng cơm áo gạo tiền. Có không ít nghệ sĩ phải dựa vào chùa chiền, am miếu để sống qua ngày, ví như nghệ sĩ cải lương Hồng Sáp đang cư ngụ ở đình Nhơn Hòa (Q.1) để sống qua chuỗi ngày gian khó cuối đời, hay như nghệ sĩ Hoa Mỹ Hạnh đang chật vật mưu sinh bằng nghề làm móng dạo để kiếm sống, hình ảnh người nghệ sĩ già với 1 ít vật dụng làm móng mang bên người lang thang tìm khách trên đường Trần Xuân Soạn (Q.7) đã trở nên quen thuộc với nhiều hộ dân nơi đây.

Nghệ sĩ hài Lí Lắc bên mộ cố diễn viên Lê Công Tuấn Anh

Một trường hợp khác cũng cần phải kể đến là nghệ sĩ hài Lí Lắc, ông đang ngụ ở chùa Nghệ sĩ (Q.Gò Vấp). Hằng ngày ông trông nom chùa hay giữ xe khi có khách ghé thăm. Tất cả những nghệ sĩ kể trên đều không có một mảnh giấy tùy thân, nếu có chỉ là tấm thẻ nghệ sĩ được cấp từ nhiều năm trước.

Sinh thời, cố nghệ sĩ Út Bạch Lan cũng đã từng trăn trở về nghề cải lương rằng: “Từ xưa đến giờ Út chỉ hát cho các đoàn nghệ thuật, đóng nhân vật trong các tuồng. Nhiều khi muốn thực hiện một liveshow cho riêng mình nhưng ngẫm đi nghĩ lại giờ quá một đời người rồi. Dù sao Út cũng tự hào bởi đã cống hiến cho nghệ thuật bởi ngày nào còn đứng được trên sân khấu là ngày đó Út sẽ tiếp tục hát để đem lời ca tiếng hát đến với khán giả. Khi nào còn nhớ đến cái tên Út Bạch Lan thì Út sẽ hết lòng đem lời ca tiếng hát đến với mọi người”.

Cố Nghệ sĩ Út Bạch Lan

Nhìn lại sự hào nhoáng của nhiều nghệ sĩ hiện nay mới nhận thấy hết sự đối lập giữa hai thế hệ nghệ sĩ chính kịch và hài kịch. Thậm chí, hiện nay nhiều nghệ sĩ sân khấu phải đi hát từ thiện, miếu đình, hội chợ để kiếm sống qua ngày. Hiện nay, tuy sân khấu kịch, sân khấu cải lương nói riêng và nghệ thuật chính kịch nói chung đang rơi vào bế tắc nhưng đâu đó nhiều sân khấu vẫn còn hoạt động sôi nổi như cách để người nghệ sĩ đam mê níu kéo chút dư âm về một thời vàng son. Tiêu biểu là sân khấu Lê Hoàng (Q.Bình Thạnh) đang mở lớp Hồ Quảng – một loại hình nghệ thuật sân khấu được ưa chuộng ở thế kỷ trước.

Điều nghịch lý là những diễn viên chính kịch đang gặp khó khăn về vai diễn, sân khấu, đất làm nghề, điều kiện kinh tế…trong khi “danh hài” như Trấn Thành đang chiếm lĩnh nhiều kênh sóng… là câu hỏi khiến không ít khán giả trăn trở.

Bình luận (0)

Lên đầu trang